Nhà Yeung - gia tộc giàu có, kín tiếng nhất Hong Kong

Gia tộc Yeung, đế chế bất động sản giàu có và kín tiếng nhất nhì Hong Kong, vẫn lạc quan trong bối cảnh biểu tình tại thành phố đang ngày càng gay gắt.

Sham Shui Po, một trong những quận nghèo nhất Hong Kong, từng là "trung tâm buôn bán" của những người bán hàng rong và các quầy hàng trên đường phố. Quận này giờ trở thành chiến trường của những cuộc đụng độ giữa người biểu tình chống chính phủ và cảnh sát chống bạo động Hong Kong.

Đây là nơi quỹ từ thiện của Peterson Group đặt trụ sở. "Chúng tôi đang tìm cách để đóng góp, bởi chúng tôi không thể dựa vào chính phủ hay các tổ chức từ thiện. Họ đều có những hạn chế. Với tất cả nguồn lực, nếu chúng tôi không ra tay thì ai có thể?", Bloomberg dẫn lời Tony Yeung, Giám đốc Peterson, nhận định.

Tập đoàn Peterson của Yeung vừa đánh dấu năm hoạt động thứ 60 hôm 19/9. Bloomberg ước tính khối lượng tài sản tối thiểu của gia đình là 1,8 tỉ USD tính riêng ở châu Á, dựa trên các nghiên cứu và hồ sơ công khai.

Nhà Yeung - gia tộc giàu có, kín tiếng nhất Hong Kong - Ảnh 1.

Tony Yeung, cháu trai của người sáng lập, Peter Yeung, hiện đảm nhận vị trí Giám đốc Peterson. (Ảnh: Bloomberg).

Hoa nhựa và vòng tay

Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận tiết lộ tài sản ròng của họ nằm trong khoảng từ 4 tỉ USD đến 5 tỉ USD nếu tính cả các khoản nắm giữ ở nước ngoài. Tài sản của gia đình Yeung trải khắp toàn cầu, từ các tòa chung cư ở Canada đến cổ phần tại những trung tâm mua sắm, văn phòng ở Anh.

Gia đình Yeung cũng sở hữu một phần Alvarium Investment, công ty quản lí quỹ hoạt động với khoảng 16 tỉ USD, cũng như quỹ Queensgate Investment (Anh).

"Có một số đại gia bất động sản nổi tiếng, tư nhân, không niêm yết, và gia đình Yeung là một trong số đó, nhưng họ là những người kín tiếng nhất và giàu có nhất nhì", Colin Lam, Phó chủ tịch Henderson Land Development, tiết lộ.

Hong Kong là trung tâm hoạt động của tập đoàn kể từ khi được ông Peter Yeung - ông nội của Tony Yeung - thành lập vào năm 1959. Ông từng làm nhiều việc lặt vặt trước khi đủ vốn để thành lập công ty thương mại của riêng mình.

"Ông ấy làm tất cả những gì có thể bán, từ hoa nhựa đến dây đeo tay",  Tony Yeung kể về ông nội Peter. Ông thậm chí còn thuê người thu rác gom rác của đối thủ kinh doanh, sao chép địa chỉ trên phong bì thư để tăng doanh số.

Nhà Yeung - gia tộc giàu có, kín tiếng nhất Hong Kong - Ảnh 2.

Franco Yeung tham gia công việc kinh doanh của gia đình khi còn nhỏ. (Ảnh: Peterson Group).

Con trai thứ của ông Peter Yeung là Ben học về nha khoa ở Bắc Mỹ, trong khi con trai lớn Franco tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Ông học tiếng Italy và sống ở châu Âu để làm việc với khách hàng. Khi ông Peter Yeung đột quỵ vào đầu thập niên 1980, Franco lên nắm quyền.

Vào thời điểm đó, thị trường bất động sản Hong Kong đang bùng nổ nhờ việc thành phố chuyển từ trung tâm sản xuất sang trung tâm tài chính. Franco Yeung sử dụng tiền để mua đất từ các trang trại ở rìa sát với Trung Quốc.

Được mệnh danh là "ông vua mua lại những toà nhà cũ", ông đã gõ cửa và đưa ra những thỏa thuận để thuyết phục người dân chuyển đi, nhằm biến đất của họ thành các chung cư.

Cái bắt tay thay đổi vận mệnh

Như là số phận không thể tránh khỏi, Franco Yeung trở thành đối thủ của gã khổng lồ bất động sản Hong Kong. Đó là Tập đoàn Henderson. Lý Triệu Cơ, người đứng đầu Henderson, sử dụng độc chiêu quen thuộc của mình để đối phó với nhà Yeung.

Đó là đàm phán để mua đứt đối thủ. Nhưng Franco Yeung đề xuất việc hợp tác cùng nhau. Ông Colin Lam kể khi đó, ông Lý hỏi Franco Yeung: "Vậy điều khoản của anh là gì?". Franco trả lời: "Ông dẫn đầu, tôi chỉ cần một chia sẻ công bằng. Ông có thể nói bất cứ điều gì, chúng tôi sẽ vui vẻ làm theo".

Cái bắt tay giữa Lý Triệu Cơ và Franco Yeung đã thay đổi vận mệnh của cả gia tộc Yeung. Từ đó, số tiền mà Franco Yeung kiếm ở Hong Kong được đổ vào thị trường Trung Quốc, từ các cơ sở khai thác và đánh bóng đá hoa cương đến nhà máy bia ở vùng đông bắc.

photo-3

Tỷ phú Lý Triệu Cơ. (Ảnh: Nikkei).

Peterson cũng góp vốn 3,3 triệu USD vào Weichai Power trong năm 2020 và giúp đưa công nghệ động cơ diesel về Trung Quốc. Các hồ sơ cho thấy công ty đã kiếm hơn 300 triệu USD thông qua việc bán cổ phần từ năm 2010 đến năm 2016.

Trong khi Franco Yeung xây dựng công việc kinh doanh ở Hong Kong, vợ và con trai ông là Tony chuyển đến Canada. Nhiều người Hong Kong thường tìm đến cuộc sống ở nước ngoài và giáo dục phương Tây cho con cái của họ.

"Đó là khoảng thời gian đầy khó khăn và tôi bị cô lập. Khi mọi người đến hướng đạo, tôi tới trường học có giáo viên nói tiếng Trung Quốc. Và khi các bố mẹ đi chơi khúc gôn cầu, mẹ tôi ở nhà và xem phim TVB", Tony Yeung kể lại quãng thời gian ở Canada.

Tony Yeung học tại Trung học Prince of Wales, trường cũ của Kim Campbell, nữ thủ tướng Canada đầu tiên.

Dot.com phá sản, về tiếp quản gia tộc

Người bạn cùng trường Tony Yeung là William Lai Yu Tse kể rằng người thừa kế gia tộc Yeung luôn lên kế hoạch tiến về phía trước. 

"Khi chúng tôi chơi trong nhà anh ấy, tôi sẽ nhìn thấy sách về thị trường chứng khoán và tài chính trên kệ sách của anh ấy. Khi đó, chúng tôi còn đọc truyện tranh và tạp chí về xe hơi", Tse kể.

Tony Yeung sau đó tiếp tục theo học tại Đại học Washington (St. Louis) với tham vọng thúc đẩy sự bùng nổ công nghệ. Tuy nhiên, sau khi bong bóng Dot.com tan vỡ, anh tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.

Thị trường bất động sản Hong Kong suy thoái kéo dài sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và virus SARS vào năm 2003 với giá nhà đất sụt giảm 68%. "Hoạt động kinh doanh tồi tệ ở mọi lĩnh vực và công ty phải duy trì hoạt động bằng các khoản vay từ những người bạn", Tony Yeung tiết lộ.

Khi đại dịch SARS qua đi, thị trường và Peterson cùng hồi phục. Hiểu rõ về sự rủi ro khi đầu tư tập trung, tập đoàn đã đa dạng hóa bằng cách bán nhà máy bia và mỏ khai thác ở Trung Quốc, sử dụng khoảng 1-2 tỉ USD để mua bất động sản và các tài sản khác trên toàn cầu.

Nhà Yeung - gia tộc giàu có, kín tiếng nhất Hong Kong - Ảnh 4.

Tony Yeung học tại Canada và về Hong Kong tiếp quản doanh nghiệp gia đình. (Ảnh: Bloomberg).

Ngày nay, tập đoàn này nắm giữ khoảng 35% cổ phần Alvarium. Tony Yeung cũng là đối tác và đồng sở hữu của Queensgate, một công ty quản lí tài sản trị giá 3,7 tỉ USD. Hồi tháng 3, Queensgate mua lại 4 khách sạn Grange ở trung tâm London (Anh).

Chú của Tony Yeung là ông Ben điều hành Peterson ở Canada như một công ty tư nhân độc lập và phát triển thành đế chế bất động sản lớn. Thị trường Hong Kong vẫn nắm giữ một nửa tài sản của gia đình Yeung, chủ yếu là các tài sản thương mại.

Nhà Yeung cũng sở hữu tòa tháp LKF tại Lan Kwai Fong, khách sạn Panorama và một trung tâm mua sắm ở vùng ngoại ô.

Muốn tìm giải pháp

Những bất động sản kể trên đã đặt nhà Yeung và các đế chế địa ốc khác ở Hong Kong vào trung tâm của cuộc tranh luận, xoay quanh nguyên nhân dẫn đến những cuộc biểu tình ngày càng bạo lực.

Biểu tình bùng nổ do dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Tuy nhiên giới phân tích nhận định sự bức xúc của người dân Hong Kong với tình trạng giá nhà đất "trên trời", các đại gia bất động sản thao túng chính trường khiến lửa biểu tình lan rộng.

Hong Kong nằm trong danh sách những thành phố có giá nhà cao nhất thế giới. Nhiều người dân phải sống trong các ngôi nhà chỉ nhỏ bằng một chỗ để xe nhưng phải trả đến 760.000 USD.

Ước tính 5 công ty bất động sản niêm yết hàng đầu đã mất tổng cộng 17,9 tỉ USD vì cuộc biểu tình. Tuy nhiên, Yeung vẫn lạc quan và hiện tìm mua tài sản từ những người cố bán đất vì biến động.

Nhà Yeung - gia tộc giàu có, kín tiếng nhất Hong Kong - Ảnh 5.

Giống như những đại gia bất động sản khác, Peterson cũng chịu ảnh hưởng vì cuộc biểu tình ở Hong Kong. (Ảnh: SCMP).

"Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cả thế giới gần như sụp đổ, nhưng ở Hong Kong, chúng tôi vẫn duy trì và quay trở lại", Tony Yeung tự tin.

Tony Yeung hiện cố gắng giải quyết một số vấn đề bất bình đẳng ở thành phố với các dự án tài trợ như Light Be, dự án cho thuê nhà giá rẻ, hay Hatch, nhà máy chuyên dành cho những thương hiệu nội địa.

Một trong những kênh chính của gia đình Yeung là Social Ventures Hong Kong, trung tâm từ thiện ở Sham Shui Po. Đồng sáng lập kiêm CEO Francis Ngai mô tả Tony Yeung là người ủng hộ mạnh mẽ nhất của tổ chức này, rằng người đứng đầu Peterson Group đã sử dụng các khách sản, đất, tiền và phương tiện kết nối của mình để tăng cường hỗ trợ các hoạt động từ thiện.

"Lúc này, tôi cảm thấy bất lực giống như nhiều người Hong Kong. Nhưng cùng với bạn của anh ấy, tôi tin rằng chúng tôi sẽ có nhiều nguồn lực, tập hợp họ lại và xây dựng cộng đồng của người Hong Kong", Ngai cho biết.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.