“Bình Minh” sắp diễn ra được giới thiệu là liveshow đầu tiên của ca sĩ Việt Nam được làm đúng theo tiêu chuẩn quốc tế? Anh nói, đây không chỉ là liveshow của Thanh Lam mà còn là liveshow của cá nhân anh, đứng về mặt sản xuất anh có rất nhiều kỳ vọng vào dự án âm nhạc này. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn ?
Chúng ta không thiếu, thậm chí là nhiều show diễn, nếu so với thị trường âm nhạc ở châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản nếu tính số lượng thì show diễn của Việt Nam không ít hơn. Thậm chí, còn nhiều hơn.
Nhưng nếu nói đến một show diễn theo tiêu chuẩn quốc tế thì ở ta rất ít, gần như không có. Với một show diễn ở nước ngoài, từ ban nhạc trẻ tuổi, ít tên tuổi đến nghệ sĩ nổi tiếng đều có sự chuẩn bị rất kỹ, chất lượng bao giờ cũng ở mức cao nhất, mang đến cảm xúc mạnh.
Chính vì thế, vé show diễn thường bán hết rất nhanh. Khán giả chờ đợi hàng năm để thấy nghệ sĩ, còn ở Việt Nam thì mọi thứ đều rất khó khăn.
Ở Việt Nam, khán giả có thể gặp nghệ sĩ, ca sĩ hàng ngày trên tivi, ở các phòng trà, quán bar… Ở các show diễn, mỗi nghệ sĩ lên hát một hai ca khúc, không để lại dấu ấn đủ để khán giả phải chờ đón, phải mua vé.
Với tần suất xuất hiện nhiều, suồng sã như vậy thì những liveshow khi tổ chức sẽ nhận lại sự… thờ ơ của khán giả. Sự trân quý cũng như nhu cầu thưởng thức đối với khán giả không nhiều.
Để thay đổi tình trạng đó, tôi nghĩ không phải dễ dàng, thực hiện trong ngày một ngày hai. Nhưng tôi nghĩ, chúng tôi muốn thay đổi dần, trước tiên là với bản thân mình, ê kíp của mình: thay đổi nhận thức, làm giá trị nghệ thuật đối với khán giả cao hơn…
Nhạc sĩ Quốc Trung. |
Có ý kiến cho rằng, một trong những lý do liveshow ở Việt Nam không dễ tiếp cận số đông khán giả vì giá vé quá cao. Với tư cách nhà sản xuất âm nhạc, anh nghĩ sao?
Khi thảo luận với chị Lam, tôi muốn giá vé ở mức dễ dàng hơn. Tôi nghĩ so với quốc tế, chúng ta có các show diễn của những ca sĩ thị trường ăn khách toàn giá vé 3-5 triệu, thậm chí 7 triệu/vé; so với một ngôi sao tầm cỡ thế giới- tôi xem ở nước ngoài thì đắt lắm cũng chỉ 200 euro (khoảng hơn 5 triệu) hoặc 200 USD. Tất nhiên những show diễn ở các Nhà hát thì đắt hơn nhưng chất lượng nghệ thuật hoàn hảo hơn nhiều.
Trong khi đó, ở ta bán vé với mức thu nhập của người dân bình thường bây giờ. Nếu hai vợ chồng đi làm văn phòng bỏ ra 5-7 triệu để mua một cặp vé thì khá khó khăn. Việc đầu tiên, chúng ta phải thuyết phục họ về cái việc là trả cho họ cảm xúc sau đêm diễn về họ thấy vui, yêu thương nhau hơn, yêu gia đình mình hơn, thì đấy chính là giá trị buổi biểu diễn.
Với Thanh Lam, cho đến thời điểm hiện tại Quốc Trung vẫn là nhà sản xuất có tài năng, kết hợp ăn ý, sự am hiểu cũng như thấu hiểu chị ấy nhất, là sự lựa chọn tối ưu nhất khi chị thực hiện các dự án âm nhạc. Còn về phía anh thì sao? Anh nghĩ sao về ý kiến cho rằng sự kết hợp quá quen thuộc dễ đem lại cảm giác nhàm chán, sản phẩm không đa dạng?
Người ta hay bị nhầm lẫn sự phong phú, đa dạng với sự hổ lốn, nhiều thứ trong đó. Tôi nhớ, từ lâu rồi, tôi có gửi băng đầu tiên, demo của chị Lam ra nước ngoài. Họ nhận xét rất hay, nhưng lại có quá nhiều thứ trong đó.
Trong dự án, show diễn tôi làm, tôi luôn hướng tới sự đồng nhất về màu sắc, phong cách âm nhạc. Sự phong phú nằm ở việc nhiều cung bậc, đa dạng về sáng tạo, nghệ thuật chứ không phải về phong cách cũng như màu sắc âm nhạc. Một phong cách nhưng đa dạng, hấp dẫn khán giả từ đầu đến cuối, chứ không phải lúc hát jazz, lúc hát rock, rồi lại pop…
Trong các ca sĩ làm việc, Thanh Lam luôn là nghệ sĩ nghiêm túc, tập trung và đam mê nhất. Có tinh thần làm việc hăng say nhất. Mỗi lần làm việc với chị Lam, tôi đều tin tưởng. Ngoài những mối quan hệ ra, kỹ năng, sự tập trung, tâm huyết đối với các dự án, không chỉ riêng lần này mà những lần khác nữa, chị Lam đều là người đáng tin cậy nhất.
Với nỗ lực và tâm huyết như thế, vậy Thanh Lam trả cát- sê cho anh có “sòng phẳng”, có xứng tầm?
Tôi không cho phép mình làm nghệ thuật mà… giá rẻ, như thế rất vô trách nhiệm. Tôi lấy cát- sê cao bằng các ngôi sao khác. Tất nhiên, cát- sê của tôi rất cao, thậm chí hơn chị Lam. Nhưng 1-2 năm tôi mới làm show không như các ca sĩ khác, một tháng thậm chí có tới 30 show.
Quốc Trung: "Cảm giác của riêng tôi, cứ show nào có càng nhiều pa thì càng khủng khiếp..." |
Khắc họa bản thân bằng bức chân dung âm nhạc, Thanh Lam cho rằng thời điểm này chị là người đàn bà trải qua đủ các cung bậc từ hạnh phúc đến buồn đau, ngọt ngào và cay đắng…Còn anh, trong mắt anh Thanh Lam của hiện tại như thế nào?
Tôi không thể bắt Thanh Lam trở thành một ai đó theo ý của tôi nhưng cũng thông qua dự án này thì điều khó khăn nhất giữa chúng tôi chính là mâu thuẫn về cách hát và cảm xúc khi hát.
Chẳng hạn khi tôi nói, chị Lam hát nhẹ nhàng đi, thư giãn một chút thì chị bảo "giọng như vậy, cách hát như vậy sao cứ bắt hát nhẹ đi?"
Nhưng theo quan điểm của tôi, cách hát này đa số xuất phát từ rất nhiều yếu tố như tâm lý, kỹ thuật. Đa số các ca sĩ Việt Nam đều đang bị cường điệu lên rất nhiều và đôi khi làm cho khán giả có cảm giác rất mệt mỏi.
Cách hát của họ trở thành thói quen, giống như đi thi ấy. Ai lên sân khấu cũng phải gồng mình lên, phải hát thật to không lại sợ kém người hát sau.
Thật ra ở một thế giới văn minh, một nơi âm nhạc phát triển, họ chẳng bao giờ hát chung với nhau như vậy cả, chỉ ở mình mới có mô hình show hết nghệ sĩ này lên hát một hai bài lại đến nghệ sĩ khác.
Tôi thấy ở nước ngoài rất là hiếm có các đại nhạc hội như vậy và những show đó không mang tính nghệ thuật chỉ gọi là dự án về cộng đồng và xã hội nhiều hơn. Lý do là vì tâm lý khán giả người ta không thích nghe những người họ không thích.
Họ đến chỉ để nghe chị Lam mà phải nghe thêm cả chị Linh hoặc thích nghe chị Linh lại phải nghe thêm chị Nhung chẳng hạn. Rồi người thích nghe rock lại phải nghe thêm bolero, người thích bolero phải nghe cả nhạc điện tử…trong một chương trình.
Ngay cả ban nhạc cũng vậy, không phải cứ cao trào là đánh to ầm lên. Cao trào ở đây là cảm xúc, bằng âm nhạc, lời hát. Ở Việt Nam hay nhầm lẫn nếu tình cảm thì đánh nhạc rất bé còn cao trào thì rất to…Nhưng để thay đổi rất khó.
Cảm giác của riêng tôi, cứ show nào có càng nhiều pa thì càng khủng khiếp vì không chị nào kém chị nào. Chị nào cũng phải chọn bài mãnh liệt nhất, bài thật nội lực nhất để thể hiện được mình nhất. Bởi vì luôn sợ người nọ kém người kia, giống cuộc thi đua, rất là mệt.
Thế nên, tôi nói với chị Lam là hát nhẹ nhàng, vui vẻ và hào hứng thôi chứ đừng có quằn quại, dằn vặt nhiều quá đôi khi nó ám ảnh cả vào đời sống của mình.
Vẫn chưa thấy anh nói cảm nhận về một Thanh Lam hiện tại..?
Tôi hi vọng mình và khán giả sẽ nhìn thấy hình ảnh mới của chị Lam từ liveshow này. Tôi nghĩ, đến tuổi nào đấy, có trải nghiệm trong đời sống thì mình sẽ cảm thấy mọi thứ trong đời sống nhẹ nhàng hơn, cần nhân văn, thư giãn hơn. Mọi khó khăn, mẫu thuẫn trong đời sống cũng sẽ bình thường… Cho dù khó khăn mấy cũng là sự trải nghiệm. Tôi muốn thấy sự lạc quan, thư giãn, tích cực nhiều hơn thay là sự chì chiết, đau khổ. Tôi nghĩ âm nhạc cần mang lại cảm hứng tích cực nhiều hơn.
“Tôi không cần người ta nghĩ mình tốt”
Nếu nói về bản thân ở thời điểm hiện tại, anh có thể nói gì?
Thời điểm này, tôi không có áp lực phải làm việc chỉ để mục đích kiếm tiền. Con cái đã lớn, đời sống không quá thiếu thốn. Tôi cần nhiều niềm vui hơn. Những điều tôi hướng tới trong khi làm việc là mang lại nhiều niềm vui, được chia sẻ nhiều hơn với bạn bè, cộng đồng. Nó tạo cho mình đời sống thanh thản, nhân văn.
Quốc Trung: "Tôi không cần người ta nghĩ là mình là tốt, là tuyệt vời nhưng mà những gì đã qua nên để lại những kỷ niệm đẹp". |
Nếu nhìn vẻ bề ngoài, người ta dễ cảm nhận về một Quốc Trung đăm chiêu, kỹ tính nhưng thật sự những hình ảnh, chia sẻ của anh về các con hay các con về anh lại hoàn toàn khác, rất trách nhiệm và ấm áp. Anh nghĩ sao?
Không chỉ với các con, với trẻ con tôi đều yêu quý. Tôi nghĩ các cháu cần tình thương, sự chăm lo nhiều nhất có thể. Tôi luôn hướng con đến sự nhân văn, biết quan tâm mọi người. Còn cuộc sống thành đạt, nổi tiếng hay giàu có – điều đó còn phụ thuộc vào khả năng và số mệnh của các cháu. Tôi muốn các con có đời sống riêng, chứ không áp đặt, không bắt các con làm theo ý mình.
Mối quan hệ giữa tôi và các con rất bình đẳng. Tôi có thể đưa ra ý kiến, lời khuyên nhưng luôn để các con tự lựa chọn.
Ca sĩ Thanh Lam từng chia sẻ, chị ân hận về quyết định chia tay với anh. Vậy anh thì sao, có bao giờ hối tiếc về cuộc hôn nhân đã đổ vỡ?
Trong đời sống, nhất là đời sống tình cảm, đôi khi phụ thuộc vào số mệnh. Việc chia tay, không tiếp tục với nhau trong đời sống không quan trọng bằng việc chúng ta đối xử với nhau như thế nào.
Không chỉ riêng với chị Lam, ngay cả đối với bạn gái, hay bạn bè; cho dù mình không sống, không yêu người ta nữa thì tôi luôn cố gắng có mối quan hệ tốt đẹp với họ. Bởi vì gắn bó là hiếm, còn chia tay thì nhiều. Quan trọng là cuộc chia tay ấy để lại điều gì. Tôi không cần người ta nghĩ là mình là tốt, là tuyệt vời nhưng mà những gì đã qua nên để lại những kỷ niệm đẹp.
Tôi nghĩ, điều quan trọng sau cuộc chia tay, mình nhìn nhận về những người bạn, những người đã chia sẻ với mình đáng quý hơn việc mất mát.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!
Tùng Dương: 'Tôi luôn mong có được những show chất lượng để hát'
Sau thời gian vắng bóng, diva Thanh Lam sẽ "tái xuất" cùng với Tùng Dương và Uyên Linh trong đêm nhạc tại Hà Nội tới đây. |
Trào lưu Bolero: phải sến mới là sang?
Bolero hay còn gọi là nhạc sến, nhạc vàng (dòng nhạc thịnh hành và được hâm mộ trước năm 1975) thời gian gần đây bỗng ... |
Thanh Lam: 'Nhiều ca sĩ tài năng tầm thường vẫn thành công'
Diva cho biết chị vẫn sẵn sàng ngồi ghế nóng truyền hình thực tế vì không thể chấp nhận chất lượng âm nhạc kiểu hàng ... |