Sự kiện chùa Ba Vàng chính là điểm nóng tin tức trong tuần qua. Từ bản tin chính thống đến những trang mạng xã hội, người người đều bàn tán về những bài giảng và hình thức "giải nghiệp" kì lạ của bà Phạm Thị Yến.
Có người chỉ trích, có người lại trích dẫn câu nói của bà Yến để tạo thành trào lưu ảnh chế. Tuy nhiên, người dân đa phần đều tỏ thái độ bất bình trước những hoạt động tư vấn chữa bệnh vô căn cứ và phản khoa học này.
Phương pháp chữa đau lưng bằng dầu hỏa của bà Phạm Thị Yến đang vấp phải nhiều chỉ trích của giới y tế khoa học. (Nguồn: Ảnh chụp màn hinh)
Một tin truyền hình tổng hợp những vụ việc thương tâm xảy ra do mê tín dị đoan. (Nguồn: VTV 24)
Không có ai có quyền được phán xét niềm tin của một con người, đặc biệt khi nó gắn với những giá trị tôn giáo.
Tuy vậy, qua việc lợi dụng cảm giác bất an, mong muốn lí giải và kiểm soát cuộc sống của các Phật tử, một số kẻ xấu đã đẩy họ đi ngược lại với qui luật tự nhiên. Việc làm này không những khiến nạn nhân mất một khoản tiền lớn mà còn ảnh hưởng tâm lí và sinh hoạt thường ngày.
Công nghệ càng phát triển, những tổ chức và cá nhân có ý đồ xấu càng dễ lợi dụng sự cả tin cùa người dân. Vì vậy hơn ai hết, mỗi người nên tự trang bị những kĩ năng cần thiết để không rơi vào bẫy, vừa tiền mất tật mang.
Bình tĩnh phân tích vấn đề
Theo trang Psychologist Wolrd, con người nhận thức và học hỏi cái mới từ những điều xảy ra xung quanh theo quan hệ nhân - quả. Cách học này có thể giúp con người giải thích bản chất vấn đề nhưng cũng có thể bị lẫn lộn với các trường hợp ngẫu nhiên.
Ví dụ như khi một người vô tình đi dưới thang và không cẩn thận gặp tai nạn. Nếu trường hợp này xảy ra vài lần tiếp theo, người này sẽ hình thành một niềm tin là đi dưới thang sẽ làm cho họ không may mắn.
Niềm tin sai lầm này sẽ trở thành thói quen mê tín khi được củng cố qua nhiều trường hợp ngẫu nhiên trùng lặp. Từ đó, họ càng có niềm tin sai lầm vào những điều rất vô lí và không liên quan đến bản chất vấn đề.
Chính vì vậy, trước khi đổ lỗi cho các sự kiện xảy ra xung quanh mình, bạn có thể bình tĩnh phân tích nguyên nhân cốt lõi của vấn đề. Như vậy, bạn vừa có cái nhìn khách quan hơn vừa thật sự tránh được những điều không hay về sau.
Tinh ý phát hiện những dấu hiệu kì lạ
Những hoạt động tôn giáo mê tín dị đoan thường có điểm chung là hay cô lập người tham gia với thế giới xung quanh.
Vì vậy, bạn có thể bắt đầu nghi ngờ về tính xác thực của tổ chức khi nơi bạn tham gia yêu cầu tịch thu tất cả điện thoại hay phương tiện cá nhân. Một điểm đáng nghi là tổ chức cũng có sự sàng lọc vô cùng khắt khe về thành viên dù hướng đến mục đích cộng đồng.
Hãy nghi ngờ về độ an toàn của các hoạt động bạn tham gia nếu chúng cô lập bạn với thế giới xung quanh. (Nguồn: Mormonism 101)
Những dấu hiệu kì lạ của một tổ chức mê tín dị đoan giả danh tôn giáo là bạn chỉ được nghe từ một số nguồn nhất định, hoàn toàn không có sự kiểm chứng và không được phản biện ý kiến gì.
Hoạt động của tổ chức không rõ ràng về tiền
Đây là điểm dễ nhận biết nhất của hoạt động mê tín dị đoan vì những kẻ lợi dụng thường nhắm vào kinh tế của nạn nhân.
Nếu bạn thấy mình đang cống nạp quá nhiều tiền vào một hoạt động tôn giáo nào đó, rất có khả năng bạn đang bị kẻ xấu trục lợi.
Các hoạt động tôn giáo chính thức thường không bao giờ yêu cầu người theo đạo cống nạp tiền. Tất cả những vật phẩm đều xuất phát từ tấm lòng và điều kiện kinh tế của mỗi người.