Đầu tháng 10, nhiều ngân hàng đồng loạt gửi cảnh báo đến khách về việc đề phòng kẻ gian, tội phạm lừa đảo đánh cắp thông tin thẻ, thông tin tài khoản nhằm chiếm đoạt tiền. Theo các ngân hàng, thời gian qua, đã có trường hợp hợp khách rơi vào "bẫy" của các đối tượng lừa đảo.
Thông báo của Vietcombank cho biết các đối tượng tội phạm dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo như giả là nhân viên ngân hàng, nhân viên các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, nhất là ví điện tử, thậm chí mạo danh cơ quan công an, tòa án để lừa lấy thông tin tài khoản rồi rút tiền trái phép.
Các ngân hàng khuyến cáo khách không được cung cấp mã OTP cho bất kì ai, kể cả ngân hàng. (Ảnh: Thanh Niên).
Trường hợp ví điện tử, theo Vietcombank, khi khách đăng câu hỏi lên website hoặc fanpage của nhà cung cấp, từ các thông tin này, đối tượng lừa đảo giả mạo là nhân viên của nhà liên hệ hỗ trợ. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin các dịch vụ ngân hàng như là bước để khắc phục lỗi dịch vụ.
Vietcombank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối giữ bí mật thông tin các dịch vụ ngân hàng điện tử như tên truy cập, mật khẩu, mã xác thực giao dịch một lần OTP và các thông tin trên thẻ.
Tuyệt đối không cung cấp các thông tin trên cho bất kì ai qua email, tin nhắn, trao đổi miệng…
Trong khi đó, VPBank cũng gửi cảnh báo khách hàng về việc các đối tượng lừa đảo giả danh ngân hàng, hoặc cơ quan pháp quyền để dụ dỗ, đe dọa lấy mã OTP. Mã này thường được ngân hàng gửi để xác nhận giao dịch như đổi mật khẩu, chuyển tiền, vay tiền, tất toán sổ tiết kiệm, thanh toán hóa đơn…
"Trên thực tế, ngân hàng và cơ quan công an, tòa án không bao giờ yêu cầu người dân cung cấp OTP và mật khẩu internet banking. Chỉ có kẻ gian mới lừa lấy thông tin này", VPBank khẳng định.
Ngân hàng này cảnh báo khách không chia sẻ mã OTP, tên tài khoản và mật khẩu đăng nhập internet banking cho bất kì ai, trong bất kì hoàn cảnh nào, kể cả khi kẻ gian đã chuyển một số tiền "trúng giải" và báo sẽ chuyển số còn lại sau khi gửi OTP.
VPBank khuyến cáo trường hợp này khách hàng phải báo công an để hỗ trợ bắt các đối tượng lừa đảo.
Không chỉ lừa đảo qua thẻ ngân hàng, nhà băng còn cho biết các đối tượng lừa đảo còn nhiều chiêu thức khác để chiếm đoạt tiền của khách, đặc biệt là trong bối cảnh người người dùng mạng xã hội hiện nay.
Theo BIDV, đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ ngân hàng bằng những hình ảnh hội thảo, biển tên cán bộ giả mạo và các hoạt động chung có logo BIDV, liên hệ với khách hàng qua Zalo, Facebook…
Ngân hàng cảnh báo khách phải cận trọng khi thanh toán qua thẻ và các máy POS tại các điểm giao dịch. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Các đối tượng hứa cho vay vốn với khoản vay dưới 100 triệu đồng và yêu cầu khách hàng nộp khoản tiền là "phí bảo hiểm rủi ro" từ 1-2 triệu đồng, rồi chiếm đoạt số tiền trên.
BIDV khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi lời mời chào từ những người lạ, có nhiều dấu hiệu khả nghi.
Nhà băng cho biết các loại phí dịch vụ liên quan giao dịch đều được ngân hàng thu trực tiếp từ khách hàng, và cung cấp chứng từ hợp lệ, biểu phí dịch vụ được niêm yết công khai tại các điểm giao dịch và website.
Ngân hàng này cảnh báo khách không cần nộp bất cứ loại phí nào khi chưa kiểm tra tính phù hợp với biểu phí của BIDV, và tuyệt đối không chuyển tiền phí qua một tổ chức, cá nhân nào khác.
Ngân hàng Nam Á lại cho biết mới đây một nhóm tội phạm trục lợi từ các lỗ hổng trên website công ty trung gian thanh toán, hay nhiều khách hàng bỗng dưng mất tiền trong tài khoản dù không giao dịch, mua sắm.
Agribank khuyến cáo khách hàng cẩn trọng khi thực hiện giao dịch thẻ tại ATM và các máy POS. Khi thanh toán, khách cần quan sát khe thẻ trên máy, bảo đảm không có thiết bị lạ gắn trên khe và che bàn phím khi nhập số PIN.
Ngân hàng này cũng khuyến cáo, khách nên hạn chế sử dụng mạng wifi công cộng để thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến.