9 ca nhập viện, BV Bệnh Nhiệt đới cảnh báo nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong mùa lễ hội | |
Nguy cơ tử vong vì nhiễm khuẩn liên cầu lợn |
Trên báo Kiến thức, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Liên cầu lợn là một bệnh nguy hiểm, bao gồm 3 thể là nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy vào từng thể mà bệnh sẽ diễn biến nặng hay nhẹ, có những trường hợp bệnh nặng ngay từ khi mới nhiễm. Những người đã từng bị liên cầu lợn vẫn có thể mắc lại bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh hoặc ăn phải thịt lợn, tiết canh có khuẩn gây bệnh.
Thống kê cho thấy, có khoảng 70% người bị nhiễm liên cầu lợn tại Việt Nam là do ăn tiết canh. (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Ở thể viêm não, bệnh nhân thường phải nằm viện điều trị từ 3 tuần trở lên. Còn với bệnh nhiễm khuẩn huyết thì có người phải điều trị đến 2 tháng, chi phí điều trị bệnh có thể lên tới hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không.
NHIỀU NGUY CƠ LÂY NHIỄM KHÁC NHAU
Nói về nguy cơ lây nhiễm bệnh liên cầu lợn, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) chia sẻ trên báo Người đưa tin: ăn uống là con đường nhiễm bệnh liên cầu lợn phổ biến nhất. Đặc biệt là những người có sở thích ăn nem, tiết canh lợn, các loại thịt lợn tái, nội tạng lợn…
Nếu lợn bị nhiễm khuẩn (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh) thì trong máu cũng sẽ chứa một lượng vi khuẩn gây bệnh rất lớn. Do đó, nếu sử dụng những thực phẩm không được nấu chín từ những con lợn này thì nguy cơ nhiễm bệnh cũng rất cao.
(Ảnh: YouTube) |
Ngoài ra, thêm một nguyên nhân gây bệnh mà ít người để ý nhưng cũng có khả năng xảy ra cao đó là bị lây qua đường tiếp xúc, chăm sóc và giết mổ lợn. Những người có vết thương hở, có vết thương hở trên da mà lại tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, phân… của lợn bị bệnh liên cầu thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Ở mức nhiệt từ 25 độ C trở xuống, khuẩn gây bệnh liên cầu lợn có thể sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân.
Cụ thể như trường hợp của ông Vũ Văn B. (60 tuổi, Nam Định). Ông B. nhập viện vào trưa ngày 2/3 với chẩn đoán bị nhiễm trùng máu, suy thận do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Được biết, trước khi nhập viện 10 ngày, ông B. có mổ lợn cho một đám cưới mà không đeo găng tay, khi đó trên tay ông có nhiều vết trầy xước do dị ứng xi măng.
Bệnh nhân Vũ Văn B đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. (Ảnh: Hà Nội Mới) |
Sau 10 ngày mổ lợn, ông B. liên tục sốt cao ở mức 39 - 40 độ C, da nổi ban hoại tử, không đại tiện, tiểu tiện được. Hiện tại toàn thân bệnh nhân B. nổi ban tím, đỏ, tập trung nhiều ở vùng chân, bàn tay, mặt, thậm chí có chỗ còn nổi phồng, nứt nẻ. Các đầu ngón tay, chân có dấu hiệu hoại tử, gáy cứng. Ngay trong chiều 5/ 3, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu cho bệnh nhân này.
BIỂU HIỆN KHI BỊ NHIỄM LIÊN CẦU LỢN
PGS.TS Trần Đắc Phu, Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn sẽ có các biểu hiện ban đầu như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cứng gáy, rối loạn tri thức và xuất huyết da ở một số bộ phận.
Một số người bị nhiễm độc tiêu hóa sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh run, viêm màng não. Thông thường, những triệu chứng này sẽ xuất hiện ở những người bệnh ăn tiết canh hoặc nội tạng, thịt lợn chế biến không đảm bảo vệ sinh.
Khi chuyển biến nặng, bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn sẽ có các dấu hiệu sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng, hôn mê và nặng nhất là tử vong nếu không được chữa trị sớm.
(Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH
Đối với người giết mổ lợn:
Tuyệt đối không giết mổ lợn bị bệnh, không sử dụng thịt lợn chết để làm thức ăn cho động vật khác. Cần xử lý lợn bị bệnh chết triệt để, tránh gây nhiễm ra môi trường và cộng đồng.
Khi giết mổ lợn lành cũng cần mang các dụng cụ bảo vệ cá nhân cần thiết như găng tay, khẩu trang, kính, mũ... Phải bảo đảm các vết xước, vết thương không tiếp xúc với lợn hay các sản phẩm của lợn. Nơi giết mổ phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, tách biệt hoàn toàn với khu chế biến thức ăn.
Đối với người mua bán thịt lợn: Không mua, bán thịt lợn bệnh và thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch của cơ quan thú y. Khi lựa chọn thịt lợn, không nên mua thịt có màu đỏ khác thường, thịt bị xuất huyết vì đó chắc chắn là lợn bị bệnh.
(Ảnh: thanhniennews.com) |
Đối với người tiêu dùng: Chỉ ăn các món nấu chín được chế biến từ thịt lợn, không ăn tiết canh, không ăn thịt tái và các loại thịt không rõ nguồn gốc. Nên đeo khẩu trang, mang găng tay bảo vệ khi chế biến thịt lợn, nhất là khi đang có vết thương hở.
Đối với người chế biến thức ăn: Cần lưu trữ, bảo quản thịt tươi sống tách biệt với nơi bảo quản thịt đã qua sơ chế hoặc sản phẩm ăn sẵn để tránh lây nhiễm bệnh. Luôn giữ cho khu vực chế biến sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng thật kĩ trước và sau khi chế biến thịt.
Tính từ ngày 15/1 đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 9 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn. Qua khai thác tiền sử bệnh, có 40-50% ca mắc có liên quan đến ăn tiết canh hoặc ăn thịt lợn ốm. Đáng lưu ý, nhiều người tiếp xúc với lợn bệnh cũng bị nhiễm bệnh. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 14 người tử vong. |