Liên quan đến việc gần 2.000 công nhân bị Công ty Texwell Vina nợ lương và nhiều quyền lợi khác, đến ngày 27/2, cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa thể liên lạc được với lãnh đạo của doanh nghiệp Hàn Quốc này.
Sau một ngày đạp xe rảo quanh các công ty đóng trên địa bàn huyện Trảng Bom (Đồng Nai) để xin việc làm, chị Ngô Kim Tuyến (38 tuổi, quê Lạng Sơn) trở về nơi trọ trong trạng thái buồn bã, mệt mỏi. Chị Tuyến cho biết, nhóm của chị đã đi đến gần 10 công ty nhưng chưa ai được nhận vào làm việc vì các lý do độ tuổi, giấy tờ, hồ sơ lao động không đủ điều kiện.
Vốn là công nhân của Công ty Texwell Vina (100% vốn đầu tư Hàn Quốc, đóng tại KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), do công ty nợ lương, lãnh đạo doanh nghiệp đã rời khỏi Việt Nam nên chị trở thành người thất nghiệp, sống cuộc sống cực khổ.
Chị Ngô Kim Tuyến cùng nhiều công nhân khác vẫn chưa thể xin được việc làm. Ảnh: Văn Dũng |
“Trước đây có việc làm, có thu nhập thì mỗi ngày ăn 3 bữa. Nay thất nghiệp nên tôi chỉ dám ăn một bữa, thậm chí bạn bè mời đi dự tiệc đám cưới tôi cũng đành giả vờ ốm vì không còn tiền để đi mừng”, chị Tuyến than thở.
Được biết, chị Tuyến đã ly hôn chồng và hiện sống cùng hai người con trong căn phòng chật chội ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom).
Cuộc sống của 3 mẹ con chị đều trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi hàng tháng nên chị thường xuyên phải đối mặt với cảnh thiếu trước hụt sau.
Nữ công nhân 38 tuổi cho biết thêm, chị không biết xoay sở ra sao khi ngày đóng tiền nhà trọ đang đến gần.
“Ngày 10/3 tới này là hạn chót mà tôi phải trả tiền phí 2 tháng nhà trọ. Tiền học tháng mới cho con cũng rơi vào khoảng thời gian đó. Túng thiếu trăm bề nhưng giờ tôi lại thất nghiệp thế này thì không biết xoay xở vào đâu nữa”, chị Tuyến chia sẻ.
Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhưng nhiều công nhân vẫn không thể đáp ứng được điều kiện. Ảnh: Văn Dũng |
Cùng chung cảnh ngộ, nhóm công nhân đi xin việc cùng chị Tuyến ngồi bệt dưới nền nhà và buông những tiếng thở dài, chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình.
Chị Hiền (quê Nghệ An) cho chúng tôi biết, cả gia đình giờ chỉ còn chưa nổi một triệu đồng nên bản thân chị không dám chi tiêu, không dám ăn uống nhiều vì sợ chóng hết tiền. “Ngày trước công việc ổn định, hai vợ chồng thu nhập cũng khá thì còn chút tiền gửi về giúp đỡ bố mẹ bị bệnh ở quê. Nay thất nghiệp nên tiền ăn, tiền học của con cũng phải đi vay mượn khắp nơi”, chị Hiền cho hay.
Theo các công nhân, nhiều công ty ở huyện Trảng Bom có đăng tuyển lao động nhưng ít người có thể đáp ứng các điều kiện của nhà tuyển dụng. Nhiều người đã từng làm việc nhiều năm tại Công ty Texwell Vina nên họ vẫn hy vọng doanh nghiệp này sớm hoạt động trở lại để họ có cơ hội gắn bó.
Chị Nguyễn Thị Sinh, nữ công nhân từng phải ăn mì gói cầm cự qua ngày vì bị nợ lương cũng không thể tìm được việc làm thời vụ do không đủ giấy tờ, hồ sơ lao động. Ảnh: Văn Dũng |
Nhiều người vì tâm lý không muốn bỏ công ty cũ nên chỉ kiếm việc tạm tạm thời trong thời gian công ty ngưng sản xuất.
“Tôi đến các công ty và xin làm công nhân thời vụ nhưng không đơn vị nào nhận. Không làm việc sẽ không có tiền nuôi con nên tôi dự tính lang thang để tìm việc gì đó. Có thể làm bưng bê ở nhà hàng, rửa chén bát”, một nữ công nhân nói.
Còn chị Nguyễn Thị Sinh, nữ công nhân từng phải ăn mì gói cầm cự qua ngày vì bị nợ lương cũng không thể tìm được việc làm thời vụ do không đủ giấy tờ, hồ sơ lao động.
“Họ bắt tôi phải làm hồ sơ đầy đủ, có xác nhận lý lịch của chính quyền địa phương. Nhà ở xa, nếu nhờ người thân làm hồ sơ giúp và chuyển vào Đồng Nai thì cũng phải mất cả tuần”. chị Sinh cho biết.
Nhiều công nhân của Công ty Texwell Vina dù sống ngay khu công nghiệp nhưng vẫn...thất nghiệp. Ảnh: Văn Dũng |
Cũng trong sáng 27/2, nhiều địa diện của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đến cổng Công ty Texwell Vina để thông báo tuyển dụng. Một đại diện của công ty nước ngoài chuyên sản xuất giày dép cho biết doanh nghiệp của bà cần hàng trăm lao động trình độ phổ thông. Tuy nhiên, địa điểm làm việc ở huyện Long Thành (Đồng Nai) cách xa hàng chục cây số nên những công nhân của Công ty Texwell Vina phải chấp nhận nghỉ hẳn việc ở công ty này.
Một số doanh nghiệp khác cũng đăng thông tin tuyển dụng nhưng lại đưa ra yêu cầu chấp nhập người lao động còn trẻ tuổi. Một công nhân cho hay, anh chỉ muốn có công việc thời vụ để sống qua giai đoạn Công ty Texwell Vina vượt qua khủng hoảng nên không thể đạt được thỏa thuận với các đơn vị tuyển dụng mới.
Sự việc Công ty Texwell Vina nợ lương gần 2.000 người lao động khiến nhiều công nhân phải lâm vào cảnh khốn khó khi phải chạy vạy từng bữa để sống qua ngày tại phòng trọ chật chội. Không tiền, không việc làm, họ dù sống ngay khu công nghiệp nhưng vẫn…thất nghiệp.
Như đã đưa tin, vào ngày 8/2 (tức 23 tháng Chạp), gần 2.000 công nhân đã bao vây Công ty Texwell Vina (có vốn đầu tư Hàn Quốc, kinh doanh trong lĩnh vực may mặc) để đòi lương tháng 1/2018 vì toàn bộ lãnh đạo người Hàn Quốc của công ty đã rời khỏi Việt Nam. Thời điểm này, Công ty Texwell Vina còn nợ lương tháng 1/2018 của 1.900 công nhân với số tiền gần 13,7 tỷ đồng. Công ty cũng nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 8/2017 đến nay với tổng số tiền 17,5 tỷ đồng. Bị công ty nợ lương dịp giáp Tết, cuộc sống công nhân rơi vào đảo lộn, nhiều người không có tiền về quê đoàn tụ cùng gia đình, nhiều công nhân phải vay mượn tiền để sống qua ngày. Để đảm bảo Tết cho người lao động, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định tạm ứng ngân sách của tỉnh chi trả 50% lương cho công nhân. Cơ quan chức năng cũng tổ chức bảo vệ tài sản Công ty Texwell Vina và tìm hướng liên lạc với chủ doanh nghiệp để có hướng giải quyết vụ việc. Đến ngày 26/2, gần 2.000 công nhân trở lại làm việc nhưng công ty vẫn đóng cửa, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn “bặt vô âm tín”. |
Hơn 1.000 công nhân bị Công ty Texwell Vina nợ lương vẫn chưa thể vào làm việc |