Nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng rời sàn chứng khoán

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nhóm bất động sản - xây dựng đã nhận được thông báo hủy niêm yết cổ phiếu hay hủy tư cách công ty đại chúng, phần lớn do vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính các năm của doanh nghiệp.

Ngày 9/7 vừa qua, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, CTCP ANI (mã: SIC) đã thông qua việc hủy tư cách công ty đại chúng, hủy đăng ký niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hủy đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Theo ANI, lý do công ty không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng là do cơ cấu cổ đông hiện tại gồm cổ đông không phải cổ đông lớn chiếm 9,7% cổ phần có quyền biểu quyết, không đúng với quy định của pháp luật là có tối thiểu 10% số cổ phần có quyền biểu quyết đối với công ty đại chúng.  

Ngày 16/5, cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia cũng chính thức hủy niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) do công ty có kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2019 - 2021), thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc.

Ba ngày sau khi hủy niêm yết trên HOSE, ngày 19/5, HNX đã có thông báo về việc đưa cổ phiếu RIC vào giao dịch trên sàn Upcom. Ngày giao dịch đầu tiên là ngày 26/5, giá tham chiếu trong ngày đầu giao dịch là 13.900 đồng/cp.  

Ngày 8/4, HOSE cũng có tin vắn về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với CTCP Victory Capital (mã: PTL), căn cứ báo cáo tài chính kiểm toán trong ba năm liên tiếp 2019; 2020; 2021 đều có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán.

Sau động thái này của HOSE, công ty đã thu hồi báo cáo tài chính năm 2021 kiểm toán phát hành ngày 31/3 và phát hành bản báo cáo tài chính mới ngày 26/4. Theo bản báo cáo mới, toàn bộ ý kiến ngoại trừ của kiểm toán đã được loại bỏ sau khi công ty rà soát lại và phối hợp với đơn vị kiểm toán, cung cấp bổ sung chứng từ có liên quan để thực hiện điều chỉnh.

Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp mảng xây dựng cũng vào diện hủy niêm yết do vấn đề từ báo cáo tài chính các năm của doanh nghiệp. 

Đơn cử như ngày 5/7 mới đây, HNX đã có thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu C92 của CTCP Xây dựng và Đầu tư 492, một doanh nghiệp chuyên về xây dựng hạ tầng giao thông kể từ ngày 15/7.

Lý do HNX đưa ra là báo cáo tài chính của doanh nghiệp có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong 3 năm liên tiếp (2019 - 2021). 

Đây cũng là nguyên nhân khiến CTCP Sông Đà 2 nhận được văn bản của HNX về việc xem xét tiến hành hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu SD2 vào ngày 8/6.

Trước đó, ngày 2/6, HNX cũng có thông báo hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu VXB của CTCP Vật liệu xây dựng Bến Tre tại sàn HNX kể từ ngày 30/6. Nguyên nhân là công ty kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2021 của doanh nghiệp. 

Sau khi rời sàn HNX, ngày 1/7, công ty đã được chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom. Ngày đầu tiên giao dịch là ngày 11/7, giá tham chiếu là 16.500 đồng/cp. 

Song, đến ngày 6/7, HNX đã ra thông báo đưa cổ phiếu VXB vào diện hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần do công ty chưa khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết trước đó. 

Ngoài ra, từ đầu tháng 6 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có thông báo về việc hủy đăng ký công ty đại chúng của CTCP Xây dựng Hạ tầng Sông Đà (mã: SDH), CTCP Đầu tư và Xây lắp Tây Hồ (chưa niêm yết và đăng ký giao dịch). 

Bên cạnh đó, UBCKNN cũng thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng của CTCP Xây lắp Sông Đà Hoàng Liên và hủy tư cách công ty đại chúng của CTCP Xây dựng và Đầu tư 122 Vĩnh Thịnh, căn cứ theo quyết định thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với hai doanh nghiệp này. 

 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.