Nam Tân Uyên có hơn 3.000 tỷ đồng 'của để dành', đạt 58% chỉ tiêu lãi sau nửa đầu năm

Theo BCTC của KCN Nam Tân Uyên, nhờ ghi nhận doanh thu từ cho thuê hạ tầng KCN, lợi nhuận quý II tăng hơn 40%, góp phần hoàn thành 58% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, công ty đang có hơn 3.000 tỷ đồng "của để dành" từ dự án KCN.

CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán: NTC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu thuần đạt 82,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 71,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 39% và 41% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý, công ty ghi nhận doanh thu chủ yếu từ hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư, đạt 64 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ. 

Theo Nam Tân Uyên, tăng trưởng doanh thu trong quý này đến từ việc công ty ghi nhận doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp từ phân bổ giá trị hợp đồng cho thuê theo số năm, bằng việc ghi nhận một lần toàn bộ giá trị hợp đồng cho thuê đối với hai hợp đồng cho thuê lại đất so với cùng kỳ năm trước. 

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của KCN Nam Tân Uyên. (Nguồn: Hiền Minh tổng hợp từ BCTC công ty). 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Nam Tân Uyên đạt 135 tỷ đồng, tăng 6%. Do khoản doanh thu tài chính giảm trong quý I, sau khi trừ các khoản chi phí, giá vốn, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 6%, đạt 153 tỷ đồng. 

Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, công ty đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế gần 263 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm kinh doanh, công ty đã hoàn thành 58% chỉ tiêu đã đề ra. 

Về phần tài sản tại thời điểm cuối quý II của Nam Tân Uyên, tổng tài sản của công ty là hơn 4.358 tỷ đồng, tăng 148 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. 

Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 1.498 tỷ đồng, chiếm 34% tổng tài sản và tăng 13% so với đầu năm. 

Bên cạnh đó, công ty cũng ghi nhận doanh thu chưa thực hiện 3.095 tỷ đồng, trong đó, trong ngắn hạn là 108 tỷ đồng và trong dài hạn là hơn 2.987 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, chủ yếu là doanh thu nhận trước tiền cho thuê đất, hạ tầng khu công nghiệp. Ngoài ra, công ty cũng có hơn 900 triệu đồng từ doanh thu cho thuê mặt bằng và dịch vụ khác. 

Nợ tài chính trong ngắn hạn của công ty là gần 419 tỷ đồng, cao gấp đôi so với đầu năm. Công ty không ghi nhận khoản nợ tài chính trong dài hạn.

Chiếm phần lớn nợ tài chính của Nam Tân Uyên là khoản vay từ Vietcombank nhằm thanh toán tiền cổ tức và bổ sung vốn lưu động. Bên cạnh đó, công ty cũng có khoản vay đến hạn trả tại Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam với mục đích đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.