Nhiều dự án giao thông lớn đến hẹn khởi công trong tháng 6

Tháng 6 này có nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đến hẹn khởi công, trong đó có cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP HCM.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ đã có các Nghị quyết về triển khai các dự án gồm đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM. Thời gian khởi công các dự án được yêu cầu trước ngày 30/6 năm nay. 

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

 Hướng tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (CT 24).

Đối với cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cuộc họp với các sở, ban, ngành nhằm rà soát vấn đề liên quan đến triển khai cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhằm chuẩn bị khởi công trong tháng 6 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là dự kiến khởi công dự án vào ngày 17/6 tới đây.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5 km, qua hai tỉnh Khánh Hòa với chiều dài 32,7 km và tỉnh Đắk Lắk với chiều dài 85 km với quy mô 4 làn xe, chia làm ba dự án thành phần.

Tổng mức đầu tư của toàn dự án là 21.935 tỷ đồng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương) và nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026 - 2030.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, dự án sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 và đưa vào khai thác toàn bộ dự án vào năm 2027. 

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (CT 28).

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 54 km đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với ba dự án thành phần. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài hơn 34 km, được chia làm hai dự án thành phần.

Theo kế hoạch, Ban Quản lý Dự án 85 (đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư dự án) sẽ lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu thi công trước ngày 12/6 tới để đảm bảo khởi công dự án thành phần 2 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Trong khi đó, tại dự án thành phần 1, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư), đơn vị cũng đang đẩy nhanh tiến độ để khởi công dự án trước ngày 30/6 tới.

Đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đây là dự án thành phần 3, với chiều dài khoảng 19 km. TP Bà Rịa và TX Phú Mỹ hiện đang  đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao đất sạch triển khai cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Chủ đầu tư cũng nỗ lực hoàn tất những phần việc quan trọng, sẵn sàng khởi công dự án trước ngày 30/6.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức đầu tư công vào tháng 3/2022. Dự án có tổng chiều dài gần 54 km; tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng.

Tuyến đường bắt đầu tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa, kết thúc tại Km53+700 giao với QL.56 thuộc TP Bà Rịa. Dự án đi qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 34 km, qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài khoảng 19 km.

Nếu khởi công đúng kế hoạch, dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026. 

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 

Hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (CT 34).

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 với 4 dự án thành phần, dự kiến sẽ được 4 tỉnh, thành phố bao gồm An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ sẽ khởi công đồng loạt vào ngày 30/6 tới.  

Về tổng thể, đây là dự án thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, dài 188 km, đi qua 4 tỉnh, thành phố bao gồm An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ, với tổng mức đầu tư 44.700 tỷ đồng. Tuyến cao tốc sẽ được kết nối vào cảng biển Trần Đề, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang trục ngang cặp theo sông Hậu.

Dự án hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Đây là tuyến cao tốc trục ngang trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.

Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

 Hướng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội (CT 38).

Tuyến vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 113 km, chia thành 7 dự án thành phần. Công trình được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng. Đầu tháng 4 vừa qua, lãnh đạo TP Hà Nội đã ra quyết định bố trí thêm 3.840 tỷ đồng vốn đầu tư công cho dự án này.

Hiện nay, TP Hà Nội đang thực hiện các công việc theo tiến độ, dự kiến khởi công dự án vào tháng 6 này.

Theo kế hoạch, dự kiến trên địa bàn Hà Nội sẽ khởi công tại 4 vị trí. Cụ thể là vị trí giao cắt giữa tuyến đường vành đai 4 với quốc lộ 2 tại Km1+444 thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (gói thầu số 08/TP2-XL).

Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng tại Km28+000 thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức (gói thầu số 09/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa trục phía nam tại Km45+700 thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cách đường Vành đai 3 khoảng 11km (gói thầu số 10/TP2-XL).

Cuối cùng là vị trí tuyến nối đê trục Thường Tín tại Km56+750, thuộc địa phận xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (gói thầu số 11/TP2-XL). 

Đường vành đai 3 TP HCM

 Hướng tuyến đường vành đai 3 TP HCM (CT 40).

Ban Điều hành Dự án đường vành đai 3 TP HCM (Ban điều hành dự án) cho biết, vừa qua, Ban đã ra thông cáo về tình triển khai đường vành đai 3 TP HCM.

Về quy mô, tiến độ tổng thể của dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2, theo Ban điều hành dự án, dự kiến bàn giao mặt bằng và khởi công một số gói thầu trước ngày 30/6.

Từ nay đến cuối tháng 6, Ban Quản lý Dự án Công trình giao thông sẽ lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký kết hợp đồng để khởi công công trình trước 30/6. Dự kiến khởi công 4 gói thầu xây lắp qua 4 địa phương gồm Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Với dự án thành phần 2, hiện TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đã phê duyệt chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn của dự án.

Tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ khởi công công trình trước 30/6 tại hai vị trí có mặt bằng bao gồm nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gửi, bao gồm mặt bằng phía huyện Củ Chi cũng sẽ bàn giao trước 30/6.

Tại tỉnh Long An, chủ đầu tư dự án thành phần thuộc tỉnh này cũng có kế hoạch khởi công dự án đường vành đai 3 trước ngày 30/6. Còn chủ đầu tư dự án thành phần thuộc tỉnh Đồng Nai dự kiến khởi công vào giữa tháng 7 tới.

Đường vành đai 3 TP HCM dài hơn 76 km, đi qua TP HCM (47,5 km), Bình Dương (10,8 km), Đồng Nai (11 km) và Long An (6,8 km).

Toàn tuyến khi hoàn thành sẽ kết nối 5 tuyến cao tốc hướng tâm, gồm TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TP HCM - Mộc Bài và TP HCM - Chơn Thành. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Trung ương và địa phương.

chọn
Ông lớn bất động sản nghỉ dưỡng báo lãi tăng 600%
Nửa đầu năm 2024, Flamingo lãi sau thuế hơn 176 tỷ đồng, cao gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái.