Quang cảnh Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 21/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đây là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm.
Tránh tình trạng loạn sách giáo khoa
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết có ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Với quan điểm này, trên nền tảng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất dùng chung trong cả nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, sách giáo khoa là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học, nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong dự thảo Luật.
Để bảo đảm chất lượng của chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dự thảo Luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh.
Đồng thời, Luật cũng quy định quy trình chọn sách giáo khoa tại địa phương do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần hết sức cân nhắc trong quá trình tiếp thu giải trình các quy định dự thảo Luật về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Những quy định như việc xuất bản sách giáo khoa tuân theo quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo... nhưng quy định này là gì thì không rõ.
"Đây là những điểm hạn chế của dự thảo luật, có thể dẫn đến trường hợp loạn sách giáo khoa, mỗi trường một kiểu, mạnh ai nấy làm, học một đường, thi một nẻo," đại biểu Nguyễn Tạo nói.
Ông cũng chỉ ra rằng quy định Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương còn rất chung chung, không rõ là tài liệu gì, có giá trị như sách giáo khoa không, có gì khác với sách tài liệu tham khảo.
Đại biểu đề nghị có các quy định cụ thể, rõ ràng về chi phí, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông...
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhìn nhận chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và của cơ sở giáo dục; địa phương chủ động biên soạn tài liệu lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội để bổ sung vào chương trình cơ sở giáo dục vận dụng; xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường là phù hợp với điều kiện hiện nay.
Theo đại biểu, xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa là cần thiết nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định lâu dài, không thể sử dụng mỗi năm rồi lại thay sách khác, gây lãng phí.
Mặt khác, sách tham khảo do giáo viên bộ môn lựa chọn nhưng phải quy định cụ thể, rõ ràng để phòng ngừa giáo viên lợi dụng sách tham khảo để dạy thêm, học thêm, học sinh nào không học thêm thì không biết làm bài tập kiểm tra, gây bức xúc trong phụ huynh. Sách giáo khoa giảng dạy phải được công bố có thời hạn trước khi năm học mới khai giảng để học sinh chủ động tìm sách để học, không để thiếu sách cục bộ, gây khó cho học sinh và giáo viên như thời gian qua.
Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về thành phần Hội đồng thẩm định quốc gia chương trình sách giáo khoa.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nên có sự cân nhắc về thành phần của Hội đồng, có thể giao cho Thủ tướng thành lập sẽ đa dạng thành phần hơn.
Thời gian qua, xã hội rất quan tâm về tính khách quan của Hội đồng này khi thẩm định sách giáo khoa, nhất là xã hội hóa trong biên soạn sách.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) băn khoăn việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa là người thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa để thẩm định sách giáo khoa, đồng thời là người phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông sau khi Hội đồng quốc gia thẩm định.
"Tôi cho rằng không logic lắm trong điều kiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Tôi đề nghị Chính phủ phải thành lập hội đồng hoặc nếu không thành lập Hội đồng thì Chính phủ phải phê duyệt sách giáo khoa sau khi Hội đồng thông qua. Tôi không dám nói Bộ trưởng không làm nổi nhưng cần có sự khách quan trong vấn đề lớn này; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm," đại biểu Dương Minh Tuấn bày tỏ.
Nhiều gia đình vẫn khoán trắng trách nhiệm giáo dục cho nhà trường
Ở một góc độ khác, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhìn về sự kết nối giữa nhà trường-gia đình-xã hội và triết lý giáo dục.
Theo đại biểu, qua gần một năm rưỡi lấy ý kiến, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang trên đường về đích, song, còn một số ý kiến cần tiếp tục thảo luận. Sự vận động của đời sống, trong đó vai trò của gia đình và xã hội chưa được nhận thức một cách đầy đủ, nhằm đảm bảo sự kết nối thực chất với nhà trường, để tạo nên hành lang an toàn, môi trường tốt nhất cho giáo dục.
Theo đại biểu, khi những tiêu cực trong thi cử ở một số nơi bị phát hiện, xử lý, đã đặt giáo dục vào tâm điểm của dư luận suốt thời gian dài, thì trong một chiều hướng khác, vai trò của gia đình trong vụ việc trên cần được suy xét đến tận cùng gốc rễ của vấn đề. Cái sai của người lớn từ trong gia đình đến xã hội không chỉ là hệ lụy quá lớn cho giáo dục mà còn góp phần nhào nặn nên nhân cách của con em mình, sẽ đau xót, thậm chí phẫn nộ khi nhắc lại vấn đề này.
Trách nhiệm của gia đình là tạo điều kiện cho con em hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc theo quy định, tuy nhiên, việc tạo điều kiện đó lại đi theo một cách thức phi giáo dục, như vậy, gia đình ở khía cạnh này có là thành trì bảo vệ các em khỏi cái xấu trong xã hội, hay là nơi khởi phát những giá trị lệch lạc trong quá trình hình thành nhân cách của các em, đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề.
Ông cho rằng hiện nay, nhiều gia đình vẫn khoán trắng trách nhiệm giáo dục cho nhà trường, trong khi chưa chú trọng xây dựng và gìn giữ nếp cư xử giữa các thành viên trong gia đình. Do đó, những hành xử thiếu quy chuẩn của trẻ con sẽ rất bất công nếu đổ hết cho nhà trường.
Đặt câu hỏi về việc chúng ta đã thực sự xây dựng được một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hoạt động xấu của người học mà Luật hiện hành đã chế định từ 20 năm trước, hay ở góc độ nào đó có những diễn biến phức tạp hơn, đại biểu nhìn nhận, sức đề kháng của trẻ em trước các thói hư, tật xấu còn yếu ớt, trong khi những hành xử lệch chuẩn giữa con người với nhau trong các mối quan hệ xảy ra hàng ngày, hàng giờ, trong mọi ngóc ngách và không ít trường hợp xảy ra trong chính ngôi nhà của các em.
"Vì sao có sự nảy nở ngày càng nhiều gia đình văn hóa, nhưng những hành vi lệch chuẩn, phi giáo dục lại có cơ hội bẽn rễ trong đời sống," đại biểu nêu.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, khi gia đình và xã hội chưa thể hiện hết trách nhiệm thì một mình nhà trường không đủ sức gồng gánh cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Mục tiêu, phương pháp đã có, nhưng dường như thiếu điều để tạo nên hướng đi minh định và không gì khác hơn là triết lý giáo dục. Xã hội phải định hình rõ được triết lý giáo dục, để từ đó đối tượng, mục tiêu và phương pháp giáo dục trong dự luật sẽ đi theo tinh thần triết lý đó./.