Nguyễn Ngọc Mai Ly đang sống vui vẻ một mình trong một căn hộ ở Hà Nội. (Ảnh: BÔNG MAI)
Nhiều chuyên gia cho rằng kết quả thống kê này (Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019) cho thấy một thực trạng đáng báo động về tốc độ già hóa dân số Việt Nam, cũng như nguy cơ đất nước "chưa giàu đã già".
Và với việc nhiều người dân chọn lối sống độc thân hoặc lập gia đình nhưng không thích sinh con, xã hội Việt Nam sẽ gánh nhiều hệ lụy trong tương lai.
Hà Nội vào độ chớm đông, tôi gõ cửa một căn hộ tại tầng 6 của một chung cư để thăm cô gái Nguyễn Ngọc Mai Ly (27 tuổi) sau 5 năm không gặp, kể từ chuyến tình nguyện xuyên Việt nhằm tuyên truyền vận động hiến máu. Đón tôi vào nhà, Mai Ly cho biết đã mua và vào ở căn hộ này tròn 9 năm. Ban đầu Ly cho một người quen ở cùng 2 năm, nhưng sau đó quyết định tách riêng.
Bởi theo Mai Ly, ở một mình có đủ thứ lợi như tự do giờ giấc, không bị ai làm phiền, đi làm về mệt nhoài chỉ cần lăn ra nằm mà không phải chứng kiến cảnh người ở chung đã làm nhà cửa bừa bộn, không dọn dẹp, tới tháng dùng bao nhiêu điện trả bấy nhiêu, không phải gánh tiền điện cho người ở cùng nếu họ cứ khất hẹn.
Ngày từ Hà Giang lên Hà Nội học, lập nghiệp và có một căn hộ riêng, sống một mình một nhà, Mai Ly thủ thỉ nhờ vậy mà cô biết cách quản lí, chăm sóc bản thân khi ốm đau, vun vén căn nhà tốt hơn. Từng bị mẹ hối thúc lấy chồng, sinh con, nhưng sau khi nghe cô bảo sẽ sinh ngay cho mẹ đứa cháu mà không cần lấy chồng, mẹ cô đã không bàn tính đến chuyện này nữa.
Thực ra, theo Mai Ly, ở một mình trong căn hộ đôi khi cũng buồn, nhưng mọi thứ đều vượt qua vì ở riêng giúp cô thoải mái. Chuyện chồng con, "có cũng được mà không có cũng chẳng sao" bởi cô được tự do về tài chính, tự do trong suy nghĩ.
32 tuổi, Trần Thanh Trà (đã đổi tên) dáng người cao ráo, xinh đẹp, toát nên nét tự tin, bản lĩnh của người phụ nữ độc lập, đang vận hành hàng loạt cửa hàng thời trang quần áo, giày dép. Mỗi ngày trôi qua tất bật trong công việc, Trà cho biết đã quen dần với việc không có thêm người ở trong căn nhà mình, bởi giờ giấc làm việc không cố định, có khi 2 giờ sáng vẫn bật đèn làm việc.
Trà tâm sự trong sâu thẳm cô vẫn rung động khi gặp chàng trai hợp ý, nhưng lập gia đình để chung sống trong một mái nhà sẽ khó diễn ra, vì không thể quên hình ảnh cha cô nắm tóc đánh mẹ liên hồi. Rồi cú sốc người yêu phản bội ập đến khiến cô ám ảnh, chỉ muốn bước vào nhà chỉ có một mình.
Dẫu vậy, Thanh Trà vẫn lạc quan: "Ở một mình không đáng sợ, đáng sợ là ở chung mà giày vò nhau. Ít ra hiện tại sống một mình giúp mình vui vẻ, tự do".
Anh Hồ Hoàng Huy (30 tuổi) sống một mình trong căn hộ tại Q.7, TP HCM. (Ảnh: NG.PHƯỢNG)
Gặp nhau một cách tình cờ sau hơn 10 năm, chúng tôi không ngờ Mỹ Linh (quận Tân Bình) trông già hơn cái tuổi 38, với mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc. Sau một vài câu thăm hỏi và giới thiệu về công việc đang làm tại một shop quần áo thời trang, Linh cho biết cả 6 cô gái mà chúng tôi từng gặp để viết bài về đời sống nữ công nhân vào năm 2008, đến nay chỉ duy nhất bạn Ánh (quê Trà Vinh) đã lập gia đình.
Cả năm cô bạn còn lại trong nhóm gồm Huyền (quê Đồng Tháp), Hạnh (Vĩnh Long), Mỹ và Lành (Hậu Giang) cùng Mỹ Linh (Thừa Thiên Huế) vẫn "độc thân vui tính", nhưng tất cả đều không còn làm công nhân.
"Cũng như em, lớn tuổi rồi nghỉ làm công nhân và... sống một mình. Tụi em thỉnh thoảng gặp nhau tại vì cũng loanh quanh ở Sài Gòn cả, chỉ có Hạnh về quê tu hành trong một ngôi chùa nhỏ ở Vĩnh Long" - Linh cho biết.
Theo lời Thắng, anh trai của Linh và cũng là người mà tôi từng phỏng vấn, dù từng được mai mối vài nơi nhưng "vì duyên số nên cũng không thành" và Linh không muốn nhận con nuôi một phần vì thu nhập chỉ đủ trang trải cho bản thân, nhưng một phần muốn được sống tự do, độc lập.
Cũng như Linh, ngày càng nhiều bạn trẻ tại TP HCM chọn sống độc thân, không phải chỉ bởi quá bận rộn mưu sinh, cũng không phải là vì ngoại hình kém, càng chẳng phải ít có điều kiện giao tiếp... Có những cô gái có địa vị, thu nhập cao, nhan sắc không thua ai... cũng chọn cho mình cách sống độc thân.
Minh Thu (gần 40 tuổi, quận 6) cho biết đã xác định là sẽ chấm dứt nghĩ đến chuyện lập gia đình. "Hồi mới bước qua tuổi 30, tôi thực sự hoảng hốt. Bây giờ thì... bình thường bởi bạn bè, đồng nghiệp trong cơ quan cũng nhiều người giống tôi" - Thu cho biết. Công ty Thu đang làm là một công ty truyền thông và "rất ít người lập gia đình". Thi thoảng, cả nhóm bạn độc thân lại hẹn nhau đi ăn, rủ nhau đi du lịch...
Ngoài ra, mỗi người lại có niềm vui riêng biệt. Ví dụ như Nga, bạn cùng công ty và trạc tuổi Thu, đang sống với mẹ và em trai ở quận 6, giờ dành hết thời gian rảnh rỗi cho mấy chú mèo.
"Nó nuôi tới hai chục con mèo. Mà không chỉ mèo, con vật gì nó cũng yêu. Trong nhà nó còn có chuồng thỏ, lồng chim, chậu cá... Thậm chí có lần mẹ nó mua mấy cái hột vịt lộn (chưa luộc) về nhà rồi để quên và một trong số đó nở ra một con vịt. Vậy mà nó nuôi cho tới bây giờ, con vịt đó đã có thể đẻ ra trứng!" - Thu kể về bạn mình đầy hào hứng.
Đã 41 tuổi, đang làm chủ một công ty xây dựng ăn nên làm ra và khá đẹp trai, nhưng mỗi lần ngồi cà phê với nhau, anh Trần Trọng Thanh (đã đổi tên, quê Quảng Ngãi) chỉ cười khi nghe tôi hỏi về chuyện lập gia đình. Theo anh Thanh, gia đình anh có 3 anh em trai, cả 2 anh lớn ngoài quê đều đã lập gia đình và có con nên bản thân anh cũng không bị áp lực lập gia đình để bà có cháu.
Thời gian đầu, mỗi lần về quê ăn tết hay có đám giỗ, nhiều người bà con gần xa cũng hỏi lí do sao chưa lập gia đình nhưng Thanh chỉ ậm ừ cho qua chuyện, rồi ít về quê dần mà "ở lì" tại TP HCM. "Công việc nhiều, mà làm trong lĩnh vực xây dựng lại đi khắp nơi nên nếu cưới về không sớm thì muộn cũng bỏ nhau vì khó có cô gái nào chấp nhận chồng mình đi xa quanh năm suốt tháng" - Thanh giải thích.
Ngoài chuyện sự nghiệp và đặc điểm công việc, trong một lần ngồi uống cà phê, Thanh cho biết đã có một gái tên My mà Thanh rất yêu, muốn lập gia đình nhưng My chỉ muốn làm bạn chứ không muốn cưới với lí do sẽ đi du học và ra nước ngoài sinh sống. "Sau khi chia tay My, hơn 5 năm nay tôi có quen một số bạn gái nhưng cũng không tính đến chuyện cưới xin. Có lẽ sống độc thân đã quen rồi" - Thanh nói.
Phần lớn những cô gái hay chàng trai đã ngoài 30 tuổi vẫn chưa lập gia đình hoặc không muốn lập gia đình đều có những nhóm bạn chung, tự tạo niềm vui bằng những cuộc gặp mặt, ăn uống, hát hò và đi du lịch. Và một điểm chung của hầu hết những chàng trai hay cô gái "độc thân vui tính" này là đều chọn "bám trụ" tại TP HCM chứ kiên quyết không về quê, ngay cả với những người đang sống chật vật tại TP HCM.
"Về quê... bực bội lắm vì ai gặp cũng hỏi đúng một câu: Sao chưa lấy chồng?" - Linh (đang sống tại một chung cư ở quận 9) nói. Trong khi đó, dù được gia đình ở quê dành sẵn một ngôi nhà nhỏ nhưng Linh chưa hề có ý định về quê sống, cho dù là sống tuổi già. "Tôi quen ở đây rồi, yêu Sài Gòn rồi, về quê vài ngày là nhớ chịu không nổi" - Linh thừa nhận.
Phần lớn những người chọn lối sống độc thân như Thanh, Linh, Nga... đều có chung suy nghĩ là sẽ "chung tình" với mảnh đất Sài Gòn, dù mảnh đất đã không cho họ niềm hạnh phúc trọn vẹn.
Bs Trần Văn Trị - Chi cục trưởng Chi cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình TP HCM:
Tỉ suất sinh tại TP HCM hiện nay chỉ đạt 1,32, thấp nhất cả nước và thậm chí thấp hơn ở các quốc gia vốn từng nổi tiếng là ít sinh con như Nhật Bản. VN cũng là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Điều này làm rút ngắn giai đoạn dân số vàng, dẫn đến tình trạng đất nước "chưa giàu đã già".
Việc nhiều người chọn sống độc thân hoặc lập gia đình nhưng không thích sinh con hoặc sinh ít con dẫn đến tỉ suất sinh thấp. Và trong tương lai, xu hướng này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác: xã hội mất đi lực lượng lao động kế thừa, không đủ nhân lực để xây dựng, phát triển đất nước. Người cao tuổi về sau trở thành gánh nặng cho xã hội khi không có hoặc có rất ít con, cháu chăm lo.
Trong khi đó, những đứa trẻ hiếm hoi được nuôi dưỡng kiểu "gà công nghiệp", vốn đã thiếu hụt kĩ năng sống tự lập từ nhỏ nhưng khi lớn lên sẽ phải gánh trách nhiệm phụng dưỡng đến 6 người già gồm cha mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại. Để khắc phục những hệ lụy này, cần có những giải pháp như tăng ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích người dân lập gia đình, sinh đủ con.
Chẳng hạn, miễn giảm học phí, đặc biệt là cấp học mầm non, tiểu học; tăng độ tuổi trẻ em được khám chữa bệnh miễn phí từ 6 tuổi như hiện nay lên 12 tuổi (là độ tuổi hết tiểu học), tăng các khoản trợ cấp, phụ cấp cho phụ nữ trong giai đoạn mang thai, nuôi con nhỏ... Đặc biệt, có thể cân nhắc xem xét bỏ quy định kỉ luật cán bộ, đảng viên khi sinh con thứ ba ở một số địa phương có tỉ suất sinh thấp như TP HCM.
* Ông Võ Thanh Sang - Phó cục trưởng Cục Thống kê TP HCM:
Sự gia tăng nhanh tỉ lệ hộ gia đình chỉ có 1 - 2 người và sự giảm sâu tỉ lệ hộ có 5 - 7 người trong vòng 10 năm qua cho thấy những người có vợ có chồng hoặc độc thân đều có xu hướng muốn ở riêng, thích được tự do, không muốn sống chung kiểu đại gia đình như những thời kỳ trước.
Điều này cho thấy xu hướng về đời sống kinh tế độc lập, không phụ thuộc ngày càng rõ nét ở TP HCM. Thích sống một mình, không muốn sinh con, đó là xu thế không phải chỉ ở các đô thị lớn của VN mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Bây giờ người dân có tâm lí muốn lập nghiệp trước khi lập gia đình.
* Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:
Cùng với xu hướng quy mô gia đình ngày càng nhỏ tại TP HCM, việc xây dựng nhà ở cũng cần có sự thay đổi theo hướng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của người dân. Thực tế hiện nay, nhu cầu về những căn hộ diện tích vừa phải, có từ 1 - 2 phòng ngủ rất cao.
Khách hàng có nhu cầu sống từ 1 - 2 người trong một căn hộ cũng ngày càng nhiều: đó là những người trẻ mới lập nghiệp, người thành đạt độc thân không muốn lập gia đình, người đã ly thân, ly hôn, người đồng tính, người thuộc giới tính thứ ba, người không giới tính... không có nhu cầu kết hôn, sinh con.
Thậm chí ngày nay nhiều cặp vợ chồng già dù có con cháu thành đạt cũng chọn sống riêng cho thoải mái. Cũng có những cụ ông, cụ bà dù vợ/chồng đã mất, chỉ còn một mình vẫn không thích sống chung với con do khó tính, không hòa hợp... Những người này có xu hướng chọn căn hộ diện tích nhỏ để tiện trong vệ sinh, quét dọn mà vẫn đảm bảo tiện nghi sinh hoạt.
Do đó, chúng tôi vẫn luôn kiên trì với đề xuất cho phép xây dựng những căn hộ có diện tích sử dụng tối thiểu 25m2. Nhiều ý kiến lo ngại sẽ xuất hiện các khu ổ chuột nếu cho phép xây căn hộ nhỏ. Nhưng "ổ chuột" hay không chưa hẳn do diện tích căn hộ mà tùy vào trình độ quản lí dự án và ý thức của người sử dụng căn hộ.