Toàn TP HCM chỉ có 39 hộ không có nhà ở: Cục Thống kê đã điều tra thế nào?

Kết quả điều tra dân số mới đây Cục Thống kê TP HCM công bố, toàn TP chỉ có 39 hộ không có nhà ở. Con số trên khiến nhiều người thắc mắc về phương pháp điều tra, Cục Thống kê TP HCM giải thích như thế nào?
avatar_1571034824324

Theo chuẩn thống kê, những hộ không có nhà là những hộ ở cố định một nơi nhưng không đáp ứng chuẩn nhà ở. (Ảnh: Lam Ngọc)

Ngày 14/10, trả lời phóng viên Thanh Niên, ông Võ Thanh Sang, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM cho biết con số trên hoàn toàn có cơ sở vì những người đi lấy thông tin thống kê đã làm đúng yêu cầu quy trình của ngành thống kê.

Thế nào được tính là có nhà ở?

Theo đó, ông Sang cho biết đơn vị điều tra dân số là hộ. Hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Theo khái niệm về hộ cư dân, những người giúp việc gia đình, người ở trọ và những người không có quan hệ họ hàng cũng được coi là thành viên hộ nếu họ thường xuyên ăn chung và ngủ trong trong ngôi nhà/căn hộ/nơi ở của hộ từ 6 tháng trở lên tính đến thời điểm điều tra.

Về khái niệm đơn vị nhà ở, ông Sang giải thích: Nhà ở là một công trình xây dựng bao gồm 3 bộ phận: sàn, mái, tường và được dùng để ở.

Đơn vị nhà ở là nơi ở có cấu trúc riêng biệt và độc lập, theo đó nó được xây dựng, biến đổi hoặc sắp xếp, được dùng làm nơi ở cho 1 hoặc nhiều hộ. Nó có thể là 1 khu nhà, ngôi nhà, căn hộ hoặc phòng ở.

Trường hợp nhà bè ở trên sông, hồ có đầy đủ 3 bộ phận: sàn, mái, tường như định nghĩa trên được tính là nhà ở. Một phần của một ngôi nhà (phòng hoặc nhóm phòng) cũng có thể là đơn vị nhà ở nếu thỏa mãn 2 điều kiện: Riêng biệt (một phần của ngôi nhà phải có tiện nghi để ngủ, nấu ăn và những người cư trú trong đó phải tách biệt với các hộ khác trong ngôi nhà bằng bức tường hoặc vách ngăn), lối vào trực tiếp (có thể vào trực tiếp một phần của ngôi nhà từ bên ngoài ngôi nhà. Tức là những người cư trú có thể đi vào trong hoặc ra ngoài ngôi nhà mà không phải đi qua nơi ở của bất ai).

Toàn TP HCM chỉ có 39 hộ không có nhà ở: Cục Thống kê đã điều tra thế nào? - Ảnh 2.

Người đàn ông ngủ trên vỉa hè đường Hoàng Diệu (Q.4, TP HCM)

Nhân khẩu thực tế thường trú (NKTTTT) tại hộ là những người thực tế thường xuyên ăn ở tại hộ tính đến thời điểm điều tra đã được từ 6 tháng trở lên và những người mới chuyển đến dưới 6 tháng nhưng xác định sẽ ăn, ở ổn định tại hộ, trẻ em mới sinh trước thời điểm điều tra và những người tạm vắng, không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu thường trú.

Khi nào được tính là không có nhà ở?

Một số trường hợp đã sống tại hộ từ 6 tháng trở lên tính đến thời điểm điều tra nhưng không được tính là NKTTTT tại hộ gồm: biên chế ngành công an, quân đội, học sinh phổ thông đến trọ học, ở nhờ, những người đến thăm đến chơi, chữa bệnh … đào tạo ngắn hạn dưới 1 năm.

“Do đó, những người sinh viên đến TP HCM học tập ở KTX, công nhân, người lao động vào TP thuê nhà trọ ở đi làm,… cũng đều được tính là có nhà ở. Không có nhà ở là những người không đáp ứng được điều kiện về nhà ở như trên. Nơi ở của họ có thể là lều, ván, trại được dựng tạm bên đường hoặc bãi đất bỏ hoang”, ông Sang giải thích.

Còn những người lang thang, cơ nhỡ ngủ vỉa hè nay đây, mai đó không được tính vào nhóm không có nhà ở, mà thuộc nhóm người lang thang.

Dựa trên quy tắc thống kê trên, 39 hộ không có nhà ở, gồm có một hộ ở Q.1, một hộ ở Q.4 và 37 hộ ở H.Cần Giờ.

Nói về sự chênh lệch giữa số người thực tế đang ở TP với kết quả thống kê, ông Sang cho rằng vì không thống kê khách vãng lai, những người đi du lịch ở qua đêm tại TP, kể cả những người đi chữa bệnh và ở lại TP HCM 1-2 tháng thì không tính. Bên cạnh đó, những người ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Bình Dương lên TP HCM làm nhưng tối chạy về lại cũng không tính vào dân số TP HCM.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.