Zing.vn theo chân một gia đình đưa con đi học để trải nghiệm thời gian học sinh đến trường và về nhà. Nhà chị Lan ở gần sân vận động Mỹ Đình, tuy các cháu 7h15 mới phải có mặt ở trường, cả nhà chị sáng nào cũng dậy sớm trước 6h để chuẩn bị các thủ tục như vệ sinh cá nhân, ăn sáng.
6h30, hai vợ chồng chị dắt xe ra khỏi nhà, đèo con đi học.
Đứa lớn nhà chị Lan theo học ở Trường THPT Nhân Chính (cách nhà khoảng 5 km), còn cháu nhỏ học tại Trường THCS Nam Trung Yên (cách nhà gần 4 km). Để tránh tắc đường và con được đến trường đúng giờ, chị Lan phải đi trước 1 tiếng so với giờ đóng cổng trường, trong khi đoạn đường lẽ ra chỉ mất 10-15 phút di chuyển trong điều kiện bình thường.
Hai mẹ con cũng mất từng ấy thời gian để về nhà, nếu trời mưa, còn lâu hơn nữa. Chị cho biết điều kiện giao thông như hiện nay khá nguy hiểm nên không dám để con tự đến trường dù đã học cấp 3.
Buổi chiều, cháu tan học lúc 17h30, khi đón con chị phải xuất phát trước đó 1 tiếng để đảm bảo có mặt tại cổng trường đúng giờ. Sau khi đưa con về đến nhà, trời đã tối thui. Ngoài đường, xe cộ vẫn ùn ùn như mắc cửi, không khí rất ngột ngạt.
Chị Lan đèo con học cấp 3 đến trường cách nhà 5 km. (Ảnh: Duy Hiệu).
Nhà chỉ cách trường 5 km nhưng khi về đến cửa trời đã tối thui. Lúc này đã 18h30 trời mùa hè.
Trên cung đường này còn nhiều cảnh khổ sở khác. Trẻ con mệt mỏi gục đầu vào lưng cha mẹ, thanh niên sốt ruột chốc chốc lại rướn mình nhìn về phía trước, người ngáp ngắn ngáp dài… Đó là những hình ảnh quen thuộc có thể gặp bất cứ chỗ nào trên đường phố Hà Nội vào giờ cao điểm.
Cửa hàng của chị Hoà đều đặn mở cửa lúc 7h30, đó cũng là thời điểm đường Trường Chinh ùn ứ xe cộ. Chị chia sẻ từ lúc chị đến đây thuê nhà 3 năm trước, công trình trên con đường này đang thi công, đến nay vẫn vậy. Lòng đường bị hạn chế, có nhiều thời điểm công trình lấn ra sát vỉa hè, chỉ đủ một người đi xe máy di chuyển. Người dân sống tại đây đi xuống chợ cạnh Viện Thú y cả đoạn đường dài không có điểm quay đầu nên vỉa hè trước cửa nhà chị trở thành đường hai chiều của xe máy.
Không rõ từ khi nào, chị Hòa có thói quen mỗi khi bước ra khỏi cửa là phải ngó trái liếc phải mặc dù từ bậc thềm nhà tới lề đường rộng 5 m. Mỗi sáng mở cửa, trước mắt chị là cảnh xe cộ ồn ào, nhốn nháo. Tiếng động cơ, tiếng còi xe, tiếng công trường ồn ào… cả ngày, chị cảm thấy quá ngột ngạt, bức bối.
Tuyến này được mệnh danh con đường khổ ải của người Hà Nội. Việc thi công dự án đường vành đai 2 trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở với nhiều lô cốt được dựng trên đường khiến diện tích lưu thông bị thu hẹp, đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Sơ lược những điểm đen ùn tắc giao thông ở thủ đô. Đồ họa: Minh Hồng.
Căn nhà của chị Hòa thuê vừa ở vừa kinh doanh luôn bị bụi, tiếng ồn từ ngoài dội vào. Con đường Trường Chinh chỉ là một trong 33 điểm kẹt xe trên toàn thành phố mà Sở GTVT Hà Nội công bố năm vừa qua.
Theo thống kê của đơn vị này, năm 2016, Hà Nội có 41 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, năm 2017 chỉ còn 37 điểm. Đến năm 2018, thủ đô giảm được 12 điểm nhưng lại phát sinh 8 khu vực ùn tắc mới, như vậy tổng số khoảng 33 điểm ùn tắc. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực tế của giao thông Hà Nội, những con số thống kê trên có lẽ sẽ không dừng lại ở đó.
Chị Hòa vừa làm việc vừa phải để ý xe máy đi qua để tránh va chạm. (Ảnh: Duy Hiệu).
Trục đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh là tuyến huyết mạch nối trung tâm thủ đô với các quận lân cận. (Ảnh: Hoàng Hà).
Những ngả đường huyết mạch đổ về trung tâm là nơi xảy ra ùn tắc thường xuyên nhất. Mỗi người tham gia giao thông cũng muốn né tránh nhưng không đương đầu, họ không còn đường nào để đi. Vào giờ cao điểm, ôtô lấn làn xe máy, xe máy phóng lên vỉa hè, còn người đi bộ buộc phải xuống lòng đường là chuyện cơm bữa.
Tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh là một trong những trục đường lớn nối cửa ngõ phía tây với các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình. Đường này được mở rộng tới 10 làn xe từ năm 2018 nhưng vẫn luôn trở thành "lối cũ ta về" cực nhọc.
Những năm đầu, thời mới nhận danh hiệu là "con đường đẹp nhất Việt Nam" việc lưu thông qua đây không đến nỗi, nhưng kể từ khi các khu đô thị ở phía tây nam thủ đô mọc lên... nơi này đã khác.
Đường Phạm Văn Đồng xuất hiện những chiếc bẫy gây nguy hiểm cho người qua lại. (Ảnh: Hoàng Đông).
Ngán ngẩm nhất phải kể đến tuyến đường Phạm Văn Đồng. Sau hơn một năm thi công, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tháng 9 này đã hoàn thành được hơn nửa "chặng đường".
Công trường của dự án này nằm dọc dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng, điểm đầu tuyến là cầu vượt Mai Dịch, điểm cuối nối với đường dẫn cầu Thăng Long. Việc lập lô cốt để thi công ở đây đã khiến lòng đường bị thu hẹp, nhiều đoạn xuống cấp. Hai bên vỉa hè, lề đường xuất hiện nhiều chiếc bẫy vô hình, gây nguy hiểm cho người đi xe máy, xe đạp. Cửa ngõ tây bắc thủ đô vì thế thường xuyên bị ùn tắc kéo dài vào bất cứ khung giờ nào trong ngày.
Cảnh ùn ứ ở cả hai chiều đường tại dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. (Ảnh: Việt Linh).
Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long khiến tuyến đường Phạm Văn Đồng mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bặm, người dân đi lại khổ sở. (Ảnh: Việt Linh).
Trong khi đó, tại cửa ngõ phía đông, dù nhiều năm qua đã có các cây cầu Long Biên, Vĩnh Tuy, Thanh Trì để hỗ trợ giảm tải cho cầu Chương Dương nhưng nút giao Nguyễn Văn Cừ đều đặn ngày nào cũng tắc dài vài cây số vào giờ cao điểm.
Người dân ở khu vực ngoại thành như quận Long Biên, huyện Gia Lâm và một số địa phương lân cận đổ dồn về trung tâm thành phố mỗi buổi sáng khiến trục đường này luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều người cho rằng còn may mắn khi khu dân cư ven sông Hồng, sông Đuống này chưa phát triển quá nhiều toà nhà chung cư hay cao ốc văn phòng, nếu không mật độ dân tăng lên, tình trạng kẹt xe còn tệ hơn.
Nút giao Nguyễn Văn Cừ - Chương Dương đều đặn tắc dài vài km vào giờ cao điểm trong ngày. (Ảnh: Duy Hiệu).
Vật liệu, rác thải vứt bừa bãi, công trình giao thông dựng lô cốt thu hẹp lòng đường. (Ảnh: Việt Hùng).
Bến xe Mỹ Đình và nút giao Nguyễn Hoàng - Tôn Thất Thuyết. (Ảnh: Hoàng Hà).
Từ người đi xe máy, đi bộ, lái ôtô đều lưu thông lộn xộn ở ngã tư Phạm Hùng - Nguyễn Hoàng. (Ảnh: Hoàng Hà).
Xe ôm công nghệ đỗ chờ khách lề đường Phạm Hùng gây ùn tắc vào thời điểm gần buổi trưa. Ảnh: Hoàng Hà.
Ngoài ra, không thể không kể đến các khu vực tập trung đông cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến xe. Bất cập nhất là ngã tư Phạm Hùng - Nguyễn Hoàng, nơi tiếp giáp hai mặt cửa bến xe Mỹ Đình.
Nhiều người không hiểu vì sao đến nay Hà Nội vẫn để một bến xe án ngữ trong nội đô, lại ở khu vực đang gia tăng mạnh mật độ dân cư và nhà cao tầng. Xung quanh đây, người tham gia giao thông đi lại rất tuỳ tiện, những người hành nghề xe ôm công nghệ dừng đỗ chờ bắt khách nhốn nháo, chiếm lề đường, cản trở giao thông.
Đầu các cầu vượt qua ngã tư đều có nút thắt cổ chai gây ùn ứ phương tiện. Hình ảnh tại Ngã Tư Sở, đoạn đầu đường Nguyễn Trãi, nơi tiếp giáp giữa hai quận Thanh Xuân và Đống Đa. (Ảnh: Hoàng Hà).
Giáp trung tâm hơn là nút giao Thái Hà - Tây Sơn - Chùa Bộc, nhiều năm qua vẫn gây nhức nhối với người tham gia giao thông ở thủ đô. Kể từ khi có cầu vượt thép vượt ngã tư Tây năm 2012, cảnh ùn tắc ở đây không những không thuyên giảm, trái lại còn xảy ra nhiều hơn. Chính những nút thắt cổ chai ở hai đầu cầu làm cho tình hình thêm rối ren.
Nhiều người cho rằng, quanh đây có tới 3 trường đại học như Đại học Thủy lợi, Đại học Công đoàn, Học viện Ngân hàng cùng loạt khu dân cư đông đúc, phố xá nhỏ hẹp, người đi xe máy thiếu ý thức tuân thủ luật lệ là những nguyên nhân gây quá tải. Riêng phố Chùa Bộc là tụ điểm kinh doanh thời trang sầm uất, chủ hàng bày quần áo tràn ra vỉa hè góp phần gây mất mĩ quan và làm rối ren thêm cho tình hình giao thông.
Cảnh ùn tắc ở nút giao Chùa Bộc - Tây Sơn - Thái Hà đã xảy ra hàng thập kỉ. Ảnh: Hoàng Đông.
Chị Lan cho biết từ nhà đến trường của con có 2 lối đi. Hoặc đi đường Tôn Thất Thuyết - Phạm Hùng qua ngã tư Nguyễn Hoàng hoặc đi đường Dương Đình Nghệ để ra Mễ Trì, qua sân vận động Mỹ Đình xa thêm 2 km. Hai cung đường này đều khó có thể tránh được ùn tắc vì cung đường 1 đi qua bến xe Mỹ Đình – nơi luôn tấp nập xe qua lại, còn cung đường 2 đang được rào chắn để thi công dự án đường đua F1.
Nếu mẹ con chị vòng sang Trần Thái Tông rẽ về Xuân Thuỷ, Hồ Tùng Mậu còn bị tắc nghẽn hơn nữa.
Tuy nhiên, dù chọn cung đường nào thì bản thân chị chỉ đang cố tìm cách để đi được hành trình đỡ vất vả hơn, không phải là cách để góp phần vào việc giảm thiểu ùn tắc.
Việc một cá nhân như chị có thể làm được đó là sử dụng phương tiện công cộng (xe buýt) đưa con đi học và đi làm. Nhưng điều này dường như là không thể khi từ nhà chị ra đến điểm đón xe cách khoảng 500 m và chị sẽ phải bắt thêm một vài chuyến xe nữa để đến cơ quan.
Người đi xe máy lách vào mọi chỗ trống để vượt lên. (Ảnh: Hoàng Hà).
Mỗi khi mưa trút xuống, tình hình giao thông càng rối loạn. Cảnh đèn tín hiệu bị vô tác dụng tại ngã tư Mạc Thái Tông - Nguyễn Chánh. (Ảnh: Hoàng Việt - Hoàng Hà).
Dù Hà Nội được cho là thành phố có phương tiện giao thông công cộng tốt nhất cả nước khi có hệ thống xe buýt đáp ứng 15,7% nhu cầu đi lại của người dân (TP.HCM là 9,7%) nhưng hệ thống buýt nhanh BRT chưa thực sự hiệu quả, việc người dân mòn mỏi chờ đợi một ngày được đi đường sắt trên cao thì việc sử dụng phương tiện cá nhân là tất yếu.
Nếu như 10 năm trước, Hà Nội chỉ bị ùn tắc ở một vài nút giao thông vào giờ cao điểm thì nay tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ thời gian nào trong ngày. Đôi khi chỉ một vụ va quệt nhỏ, một chiếc xe dừng đỗ lề đường, cơn mưa bất chợt, vài xe đi sai luật, không bên nào nhường bên nào cũng khiến tình hình giao thông rối như tơ vò.
Một chiếc ôtô chiếm diện tích bằng 5-6 chiếc xe máy. Hình ảnh trên đường Giải Phóng và Nguyễn Xiển. (Ảnh: Hoàng Hà).
Xe máy vẫn chiếm 86% lượng phương tiện tham gia giao thông ở Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hà).
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện từng trả lời báo chí rằng trong năm 2019 thành phố quyết tâm giảm 10 điểm đen ùn tắc. Tuy nhiên, đó là điều khó khả thi. Ngành giao thông của thành phố sẽ làm thế nào khi các công trình còn đang dang dở trên mặt đường, các khu chung cư, trung tâm thương mại mọc như nấm, dân số ở nội thành càng ngày càng tăng?
Hiện mật độ dân số tại Hà Nội tính được trên giấy tờ là 2.398 người/km2 (trong khi trung bình cả nước là 290 người/km2), chưa kể lượng người từ các tỉnh đổ về sinh sống, làm ăn không khai báo tạm trú. Tất cả cho thấy vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng giao thông.
Hà Nội có gần 750.000 ôtô chưa tính lượng xế hộp từ các tỉnh đổ vào thành phố mỗi ngày. (Ảnh: Hoàng Hà - Phạm Thắng).
Về con số thống kê quản lí phương tiện của CSGT Hà Nội, nếu chưa kể lượng ôtô, xe máy khổng lồ từ các tỉnh lưu thông vào nội đô thì con số 6,64 triệu chiếc đăng kí theo hộ khẩu Hà Nội là rất lớn. Trong số này có gần 750.000 ôtô và hơn 5,7 triệu xe máy (xe máy chiếm 86% phương tiện tham gia giao thông).
Cảnh đi lại bát nháo ở các tuyến đường Trường Chinh, Nguyễn Văn Cừ, Khuất Duy Tiến. (Ảnh: Việt Hùng - Duy Hiệu).
Những đề án thu phí phương tiện vào nội đô hay hạn chế đăng kí xe máy ở quận nội thành trong tương lai liệu có phải là biện pháp để giảm thiểu ùn tắc?
Câu chuyện ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân vẫn là điều nhiều người nói nhất. Theo nhiều chuyên gia, nếu mỗi người điều khiển ôtô hay xe máy đều tuân thủ luật lệ, đi đúng làn đường, nhường nhịn lẫn nhau, sử dụng phương tiện vận tải công cộng nhiều hơn, tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè không còn nữa... có lẽ bức tranh giao thông thành phố sẽ cải thiện được rất đáng kể.