Nhiều kỳ vọng vào thị trường bất động sản 2023

Sáng 13/1, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023” với sự tham dự của các vị khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp.

Bên cạnh nhận diện những khó khăn, vướng mắc, nút thắt cần tháo gỡ của thị trường hiện nay, các khách mời đã phân tích xu hướng, triển vọng phát triển của thị trường bất động sản năm 2023.

Thị trường thuận lợi hơn từ nửa cuối năm

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, bối cảnh chung của nền kinh tế còn đang phải đối mặt với hai “cơn gió ngược” là suy thoái kinh tế thế giới và điều kiện tài chính tiền tệ “ngặt nghèo".

Tuy nhiên, điểm tích cực là có thể tình trạng “ngặt nghèo” này sẽ giảm dần do lạm phát thế giới đã qua đỉnh, mức tăng và cường độ tăng lãi suất của các ngân hàng cũng sẽ giảm so với năm 2022. Chưa kể, mục tiêu lạm phát năm 2023 cũng cao hơn, có dư địa để chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, năm 2023 sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh đầu tư công, thực hiện tốt hơn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những yếu tố thuận lợi trong bối cảnh năm 2023 có thể có rất nhiều thách thức và khó khăn. 

Cũng theo chuyên gia, tình hình thị trường bất động sản 2023 còn phụ thuộc vào việc tháo gỡ các khó khăn về pháp lý, thủ tục hành chính, tài chính tiền tệ (trái phiếu, tín dụng)

Theo chuyên gia, công tác điều hành tín dụng sẽ được điều chỉnh uyển chuyển, linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, đang có kiến nghị Chính phủ tung ra gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường hướng tới tái cấu trúc, tập trung vào nhóm nhà ở xã hội, nhà ở bình dân.

Chuyên gia kỳ vọng niềm tin trên thị trường sẽ hồi phục, nhà đầu tư xuống tiền trở lại và những vấn đề về thanh khoản, áp lực thị trường sẽ cơ bản được xử lý trong 3 - 5 tháng đầu năm 2023. Tình hình thị trường sẽ thuận hơn từ nửa cuối năm.

Sẽ sớm tháo gỡ vướng mắc pháp lý 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng bày tỏ tin tưởng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cuối năm các luật Kinh doanh bất động sản, Đất đai và Nhà ở sẽ được thông qua, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất hơn và sẽ tháo gỡ vướng mắc pháp lý - khó khăn lớn nhất trên thị trường hiện nay.

Ông Châu cũng bày tỏ kỳ vọng, Chính phủ sẽ sớm ban hành các Nghị định để tháo gỡ cho các dự án đang gặp vướng mắc, trong thời gian chờ đợi các dự án Luật được thông qua và chính thức có hiệu lực, đi vào đời sống.

Ở góc độ tổ chức tín dụng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng thị trường bất động sản năm 2023 sẽ từng bước được tháo gỡ, vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển ổn định. Ông Hùng cũng rất mong muốn các cơ chế chính sách sớm được sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại. Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở hiệu quả dự án có thể cấp tín dụng đối với các dự án đã hoàn thiện về mặt pháp lý.

Đại diện Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, với các vướng mắc trong quy định pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Các bộ, ngành liên quan đang rất khẩn trương hoàn thiện các nội dung sửa đổi các quy định liên quan đến kinh doanh bất động sản. Với cách làm và tinh thần như vậy, ông Dũng cho rằng các vướng mắc liên quan đến triển khai dự án bất động sản sẽ được tháo gỡ nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ. Đấy cũng là một cơ sở thuận lợi để có thể hy vọng thị trường bất động sản 2023 và thời gian tới phát triển ổn định. 

5 yếu tố giúp vượt qua khó khăn và phục hồi

TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân tích thị trường bất động sản sẽ vượt qua khó khăn và dần phục hồi nhờ 5 yếu tố. 

Thứ nhất là dân số 100 triệu người với sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa tốt.

Thứ hai là các vấn đề liên quan đến tín dụng đã được nhận biết, điều chỉnh và được Thủ tướng, Tổ công tác chỉ đạo rất sát sao. Do đó, những khó khăn, vướng mắc về tín dụng sẽ được xử lý trong hài hòa lợi ích của nền kinh tế và của quốc gia. 

Yếu tố thứ ba ảnh hưởng là chính sách của Nhà nước. Ông Dũng cho biết hiện một số chính sách, quy định đang được xử lý, điều chỉnh và sẽ có tác động rất lớn.

Thứ tư là niềm tin của thị trường, trong đó quan trọng nhất là sự cam kết. Với các cam kết của Thủ tướng, Chính phủ và những giải pháp đã được đề ra, những vấn đề đã được nhận biết thì niềm tin thị trường sẽ được gây dựng, phục hồi.

Cuối cùng là kinh tế năm 2023 vẫn phát triển khá, nhiều dự báo tăng trưởng trên 6%.

Cả 5 yếu tố tác động trên đều cho thấy thị trường có điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, ông Dũng cũng nhấn mạnh không nên dàn trải mà cần có chính sách ưu tiên đúng đắn cho các doanh nghiệp, dự án hiệu quả và có khả năng thúc đẩy thị trường, nếu không việc khởi động thị trường trở lại sẽ là rất khó.

chọn
Chi tiết tồn kho hơn 11 tỷ USD tại 10 doanh nghiệp bất động sản
Các chủ đầu tư kỳ vọng việc mở bán và ghi nhận doanh thu dự án sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới, qua đó giảm áp lực hàng tồn kho và có thanh khoản dòng tiền.