Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV, thị trường bất động sản bây giờ rất khác với thời điểm thị trường đóng băng giai đoạn 2012 - 2013.
Thời điểm trước, khó khăn của thị trường bất động sản bắt nguồn từ sự lây lan của khủng hoảng tài chính tại Mỹ. Thị trường dư thừa nguồn cung.
Trong khi đó, khó khăn hiện nay xuất phát từ nguyên nhân chiến tranh, dịch bệnh; bất ổn lan sang nền kinh tế, bao gồm cả bất động sản và tài chính. Thị trường cũng không dư cung mà ngược lại rất thiếu cung, đặc biệt là các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực.
Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế, thực lực doanh nghiệp, hệ thống tài chính ngân hàng hiện nay cũng vững chãi hơn nhiều so với cách đây 10 năm. Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng, quản trị điều hành của cả Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp cũng đều khá hơn.
Do đó, chuyên gia tin tưởng, nếu các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ thì thị trường bất động sản thì sẽ phục hồi rất nhanh.
“Khả năng phục hồi tương đối cao vào khoảng quý IV/2023. Thị trường sẽ phục hồi dần dần vì có nhiều vướng mắc cần thời gian mới xử lý được. Tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng cần có thời gian để hồi phục”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Nhận định thị trường thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường còn phải đối mặt với nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực từ bên ngoài, khi kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định thị trường không khủng hoảng vì còn nhiều động lực như tăng trưởng kinh tế ổn định, tốc độ phát triển đô thị cao, lực cầu mạnh…
“Thị trường chỉ đang xấu đi do các điểm nghẽn. Chỉ cần gỡ các điểm nghẽn đó thị trường sẽ cân bằng, ổn định trở lại”.
Chủ tịch VARS cũng nhấn mạnh, thị trường bất động sản phải được coi là thị trường trung tâm của nền kinh tế vì khả năng tác động lớn đến nhiều ngành nghề khác. Do đó, ông cho rằng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phải quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là các vấn đề về pháp lý, tín dụng cho các dự án, đặc biệt là dự án nhà ở xã hội, nhà ở bình dân đáp ứng nhu cầu thực.
“Trước Tết Nguyên đán Tổ công tác sẽ trình phương án tháo gỡ khó khăn lên Thủ tướng Chính phủ. Sau khi phương án được phê duyệt, chúng ta có thể sẽ được đón Tết trong niềm hân hoan vì thị trường được cởi trói.
Tất nhiên thị trường có độ trễ nhất định nên đến cuối quý I và đầu quý II các sản phẩm phù hợp bắt đầu được đưa vào thị trường, khi đó các hoạt động của thị trường sẽ bắt nhịp trở lại”, chuyên gia dự đoán.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên NewstarLand cho biết, dù thị trường suy giảm, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn nhưng vẫn còn các doanh nghiệp giàu năng lực, có dự phòng. Các doanh nghiệp này đã thực hiện tái cấu trúc, thay đổi về nhân sự, chi phí và đạt được sự ổn định trong quý IV/2022, cũng như lên kế hoạch cho năm 2023.
Bà Huyền cũng chỉ ra nhiều tín hiệu tích cực của thị trường năm 2023. Đơn cử, một số thị trường, phân khúc vẫn có tính thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ đáp ứng được nhu cầu ở, kinh doanh thực.
Thị trường cũng có sự thanh lọc hơn. Các dự án mở bán ra thị trường năm 2023 sẽ phải đầy đủ pháp lý, được chủ đầu tư chăm chút, nghiên cứu kỹ lưỡng để có khả năng thu hút và được khách hàng chấp nhận.
Từ đó, bà Huyền dự đoán, thị trường sẽ có những tín hiệu tốt hơn từ những tháng cuối quý II/2023, phục hồi rõ nét trong quý III. Tới quý IV, thị trường sẽ có lại sự sôi động của thị trường cuối năm như trước đây.