Nhiều tuyên bố sai lệch trong cuộc tranh luận Tổng thống Mỹ đầu tiên

Trong cuộc tranh luận đầu tiên vào tối ngày 29/9, ông Trump dường như có nhiều bình luận thiếu chính xác hơn đối thủ Joe Biden, theo hãng tin Bloomberg.

Ông Trump: Nguy cơ gian lận trên diện rộng, đặc biệt là với các lá phiếu gửi qua thư

Gian lận bầu cử là cực kì hiếm. Theo nghiên cứu của The Washington Post hồi năm 2014, trong hơn 1 tỉ phiếu bầu thuộc giai đoạn 2000 - 2014 thì chỉ xuất hiện 31 vụ gian lận. Một nghiên cứu khác của Brennan Center cho thấy một người Mỹ có nhiều khả năng bị sét đánh hơn là đóng giả một cử tri khác.

Dù Tổng thống Trump liên tục cáo buộc có gian lận thì không có khác biệt lớn nào giữa phương thức bỏ phiếu vắng mặt và qua thư. Hầu hết các bang tại Mỹ không yêu cầu cử tri đưa ra lí do bỏ phiếu vắng mặt hoặc qua thư và phần lớn đều chấp nhận đại dịch COVID-19 làm lí do cho năm nay.

Khoảng 44 triệu phiếu bầu sẽ được gửi tự động đến các cử tri đã đăng kí bỏ phiếu ở 9 bang và thủ đô Washington. Các chuyên gia cho hay tổng số phiếu bầu qua đường bưu điện có thể lên tới 80 triệu, tuy nhiên con số đó còn bao gồm các bang có cử tri yêu cầu bỏ phiếu qua thư.

Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho biết gần như không ai có thể làm giả các lá phiếu gửi thư do khó khăn từ khâu sao chép kích thước và trọng lượng của phiếu bầu đến vấn đề chữ kí của cử tri trong hồ sơ.

Ông Trump: Lượng phát thải khí nhà kính giảm trong nhiệm kì hiện tại

Đúng là lượng khí thải CO2 liên quan đến tiêu thụ năng lượng của Mỹ đã giảm (khoảng 15% kể từ năm 2005). Ngoài ra, phát thải khí nhà kính còn giảm sâu hơn trong năm nay do lệnh phong tỏa và hạn chế di chuyển vì đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, mức sụt giảm trên chủ yếu liên quan đến yếu tố thị trường, chứ không phải do chính sách của chính phủ liên bang và thậm chí diễn ra bất chấp việc chính quyền ông Trump nới lỏng các qui định hạn chế khí thải nhà kính đối với nhà máy phát điện, ô tô và giếng dầu.

Bloomberg: Ông Trump bình luận sai lệch hơn đối thủ Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên - Ảnh 1.

Sau khi kiểm tra, Bloomberg cho biết ông Trump đưa ra khá nhiều lập luận thiếu chính xác khi tranh luận với đối thủ Joe Biden. (Ảnh: CNN)

Ông Trump: Hunter Biden cấu kết với công ty nước ngoài

Đầu năm 2016, ông Joe Biden - khi đó đang làm Phó Tổng thống Mỹ - đã thúc ép Ukraine sa thải công tố viên Viktor Shokin. Ông Shokin khi đó đang điều tra Burisma, một công ty năng lượng Ukraine đã đưa con trai của ông Biden là Hunter Biden vào hội đồng quản trị (HĐQT). Tuy nhiên, cuộc điều tra này không đi đến đâu.

Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa cáo buộc Hunter Biden đã kiếm được hơn 1 tỉ USD từ một ngân hàng nhà nước của Trung Quốc, tuy nhiên khẳng định này không đúng. Con trai ông Biden đúng là thành viên HĐQT của một công ty cổ phần tư nhân do Trung Quốc hậu thuẫn nhưng đã từ chức vào tháng 10/2019.

Vào thời điểm Hunter Biden từ chức, luật sư riêng George Mesires cho biết ông này chỉ có 10% cổ phần trong công ty trên, trị giá khoảng 420.000 USD nhưng chưa nhận được lợi tức nào từ khoản đầu tư.

Việc Hunter Biden tham gia vào một công ty nước ngoài trong khi cha đang giữ chức Phó Tổng thống Mỹ khiến nhiều người nghi hoặc về khả năng xảy ra xung đột lợi ích. Tuy nhiên, báo cáo của Thượng viện Mỹ (công bố hồi tuần trước) không tìm được bằng chứng nào cho thấy ông Biden có hành vi sai phạm.

Ông Trump: Antifa là mối đe dọa lớn nhất đến an ninh Mỹ

Đầu tháng 9, Giám đốc FBI Chris Wray bác bỏ thông tin phong trào Antifa là mối đe dọa lớn nhất tại Mỹ.

"Antifa là có thật chứ không phải hư cấu. Tuy nhiên, đó không phải là một tổ chức mà chúng tôi hiểu Antifa là một phong trào, hoặc bạn có thể gọi Antifa là một hệ tư tưởng", ông Wray lí giải.

Vừa tuần trước, ông Chad Wolf - người được ông Trump đề cử vào vị trí lãnh đạo cơ quan phụ trách xử lí khủng bố trong nước, chia sẻ với các thượng nghị sĩ Mỹ rằng các cá nhân theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng mới là "mối đe dọa dai dẳng và nguy hại nhất" bên trong nước Mỹ.

Ông Trump: Tôi đã đóng hàng trăm triệu USD thuế thu nhập liên bang

Ngày 27/9, New York Times (NY Times) đưa tin ông Trump chỉ đóng 750 USD thuế thu nhập liên bang trong hai năm 2016 và 2017. Ông chủ Nhà Trắng Trump nói bản thân đã trả "hàng triệu" USD thuế nhưng cũng tuyên bố ông đang tận dụng các khoản ưu đãi thuế.

Trong một đạo luật mà Tổng thống Barack Obama từng kí có đề cập đến một số ưu đãi thuế ông Trump áp dụng. Tuy nhiên, các luật sư thuế cho biết một số chi tiết trong bài báo của NY Times cho thấy ông Trump có thể đã vi phạm pháp luật, ví dụ như xem nhà ở gia đình là bất động sản đầu tư hay trừ chi phí cá nhân vào chi phí kinh doanh.

Sở Thuế vụ (IRS) cũng đang tranh chấp với ông Trump về khoản hoàn thuế 72,9 triệu USD từ năm 2010. Ông Trump thường viện cuộc chiến pháp lí này như một lí do khiến ông không thể công bố tờ khai thuế, dù luật pháp Mỹ cho phép làm điều đó.

Ông Biden: Trump sẽ là tổng thống đầu tiên tạo ra ít việc làm hơn vào cuối nhiệm kì

Nếu thị trường lao động Mỹ tiếp tục xấu đi như hiện nay thì nhận định của ông Biden có thể đúng.

Khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, Mỹ có 146 triệu việc làm. Theo số liệu của chính phủ thì tính đến tháng 8 năm nay, Mỹ chỉ còn 141 triệu việc làm. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách của chính quyền ông Trump trong đại dịch và cuộc suy thoái kinh tế hiện tại.

Tính từ Thế chiến II đến nay, chưa có nhiệm kì tổng thống nào khác ghi nhận mức giảm việc làm tương tự.

Ông Trump tuyên bố sắp có vắc xin ngừa Covid-19

Theo WHO, hiện có hơn 190 vắc xin ngừa Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm, 40 ứng viên đã bước vào giai đoạn nghiên cứu trên người.

Vắc xin thử nghiệm của Moderna; của Pfizer hợp tác cùng BioNTech; và của Đại học Oxford hợp tác cùng AstraZeneca là các ứng viên tiềm năng nhất.

Một số hãng dược, ví dụ như Pfizer, đã đưa ra nhận định khả quan về thời điểm có vắc xin, song nhiều quan chức y tế hàng đầu ước tính phải đến cuối tháng 3 hoặc đến cuối năm 2021 Mỹ mới có vắc xin, nguyên nhân là do các yêu cầu về sản xuất và phân phối vắc xin.

Ông Trump khẳng định Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho Covid-19

Đại dịch lần đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) và có một số bằng chứng cho thấy quan chức địa phương ban đầu coi thường mối nguy hiểm của dịch bệnh vì sợ làm phật lòng Bắc Kinh.

Dù ông Trump nhanh chóng hạn chế nhập cảnh với người đến từ Trung Quốc vào đầu tháng 2, các qui định này khá giật cục.

Ngoài ra, ông Trump còn nhiều lần hạ thấp mối nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 và ì ạch trong phản ứng chống dịch. Ông chủ Nhà Trắng liên tục khẳng định virus sẽ tự biến mất và sẽ có rất ít người Mỹ thiệt mạng. Tuy nhiên, thực tế trái ngược khi Mỹ đang là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 7 triệu ca xác nhận nhiễm và hơn 205.000 ca tử vong.

Ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc ngăn đại dịch lan ra ngoài Vũ Hán nhưng cố tình để dịch bệnh lây lan ra nước ngoài. Trên thực tế, khắp Trung Quốc đều báo cáo các ca bệnh, với khoảng 13.000 trong tổng hơn 81.000 ca nhiễm nằm ngoài tỉnh Hồ Bắc.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.