Nhìn lại năm 2023, dự báo năm 2024: Đồng Nai kỳ vọng 'cất cánh' từ dự án sân bay quốc tế Long Thành

Nhìn lại kết quả thu hút đầu tư năm 2023, Đồng Nai là địa phương có sức hấp dẫn hàng đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Dự báo từ dự án sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục thu hút, giải ngân FDI trong những thời gian tới và khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi, phát triển nền kinh tế.
Với thông điệp tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Đồng Nai đã tập trung khơi thông các nguồn lực. Bước sang năm 2024, Đồng Nai sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo hướng chọn lọc, thu hút các dự án có trình độ công nghệ cao, nguồn nhân lực có tay nghề, nâng cao giá trị gia tăng, giảm thâm dụng lao động.

Nỗ lực thu hút đầu tư

Bà Đoàn Thị Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, về thu hút đầu tư trong nước, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 20/11, tổng vốn đầu tư trong nước đạt 12.486,937 tỷ đồng, gấp hơn 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến ngày 20/11, số dự án còn hiệu lực là 1.092 dự án với số vốn hơn 318.123 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến 20/11, thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1.059,47 triệu USD, đạt 97% so với cùng kỳ và đạt 96,3% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, số dự án FDI còn hiệu lực là 1.593 dự án với số vốn 34,05 tỷ USD.

Các dự án FDI thu hút mới gồm các dự án thuộc ngành cơ khí, thực phẩm, năng lượng, với suất đầu tư bình quân 6 triệu USD/ha, số lượng lao động bình quân 110 người/ha; không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, không thâm dụng lao động; đảm bảo các tiêu chí về công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề, những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo theo đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai. Việc thu hút các dự án mới theo định hướng của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng và các dự án trong nước và nước ngoài vẫn tập trung chủ yếu trong khu công nghiệp.

Đặc biệt, trong 11 tháng, Đồng Nai thu hút được 33 dự án mới thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (chiếm 52,4% số dự án mới) với vốn đầu tư đăng ký là 236,52 triệu USD, chiếm 74,5% tổng vốn đăng ký mới; thu hút được 1 dự án FDI (vốn đầu tư 80 triệu USD) và 1 dự án trong nước (vốn đầu tư 650 tỷ đồng) có tính chất công nghệ cao.

Theo bà Đoàn Thị Ngọc Vân, đối với dự án ngoài khu công nghiệp, việc cấp các dự án đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài ngoài khu công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chính sách pháp luật còn chồng chéo. Các dự án khu dân cư, khu đô thị, khu thương mại dịch vụ, theo quy định là phải thực hiện đấu giá hoặc đấu thầu, tuy nhiên một số hồ sơ dự án đến nay chưa đủ điều kiện để tổ chức đấu giá, đấu thầu theo quy định pháp luật hiện hành.
 

 Khu vực đang xây dựng sân bay Long Thành. (Ảnh: Dân trí).


Quy hoạch tỉnh đang được thực hiện nên việc cấp chủ trương dự án phải đảm bảo sự phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tuy nhiên lập quy hoạch hiện nay còn vướng mắc như quy hoạch chung xây dựng một số địa phương có khả năng thu hút các dự án đầu tư nhiều như thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành còn phải chờ được phê duyệt.

Về dự án trong khu công nghiệp, quỹ đất công nghiệp còn lại sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều, do một phần còn vướng bồi thường giải tỏa, một phần chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật (diện tích đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê còn lại rất hạn chế). Trong thời gian vừa qua, một số tập đoàn lớn sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, và có nhu cầu đầu tư vào tỉnh, tuy nhiên chưa có quỹ đất để bố trí, giới thiệu cho các nhà đầu tư.
 
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã ký ban hành Quyết định số 2492/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
 
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung thêm chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh; đánh giá cụ thể chi tiết từng khu công nghiệp dự kiến bổ sung; nghiên cứu các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút đầu tư các dự án tiên tiến, công nghệ mới, hiện đại, có giá trị tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; từ đó đề xuất UBND tỉnh xử lý các vấn đề liên quan thúc đẩy thành lập khu công nghiệp và hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Theo ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, để làm được điều đó, Đồng Nai đang hoàn thiện và trình phê duyệt hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, qua đó công khai, minh bạch quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch tại các địa bàn quan trọng như Long Thành (khu vực xung quanh sân bay quốc tế Long Thành), huyện Nhơn Trạch, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa.
 
Tỉnh cũng công khai danh mục thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư, danh mục dự án đấu giá, đấu thầu, để thưc hiện kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức hội nghị về thu hút đầu tư sau khi hoàn thành xong quy hoạch.
 
Theo ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, đối với quỹ đất phát triển khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghiệp tiếp tục rà soát kỹ, thận trọng trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án, đảm bảo dự án được cấp đúng tiêu chí công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, ít thâm dụng lao động.
 
Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương các dự án đầu tư khu công nghiệp, với quỹ đất phát triển khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghiệp tiếp tục rà soát kỹ, thận trọng trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án, đảm bảo dự án được cấp đúng tiêu chí công nghệ tiên tiến.
 
Biến khu công nghiệp thành đô thị xanh
 
Ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đang triển khai đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại- dịch vụ và cải thiện môi trường, với mục tiêu là hình thành nên khu đô thị hiện đại, xứng tầm vị thế là cửa ngõ vào trung tâm thành phố Biên Hòa.
 
Do đó, cần phải lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất, có năng lực nhất để triển khai dự án.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, về Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt.
 
Đề án được phê duyệt là cơ sở để các Sở, ngành, UBND thành phố Biên Hòa triển khai các nhiệm vụ được giao trong giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030 để từng bước đưa dự án Khu đô thị - thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 đi vào triển khai xây dựng.

Đối với quỹ đất cụm công nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai liên quan đến hiện trạng và định hướng phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có văn bản giao UBND tỉnh triển khai và UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá lại việc sắp xếp, bố trí các cụm công nghiệp hiện hữu và điều chỉnh bổ sung, rút khỏi danh sách quy hoạch cụm công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực hiện địa phương và định hướng phát triển của tỉnh.
 
Đồng thời, xây dựng cụ thể tiêu chí phát triển cụm công nghiệp của tỉnh, làm cơ sở phát triển cụm công nghiệp trong tương lai; nghiên cứu đề xuất chính sách thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các giải pháp đưa doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào cụm công nghiệp.

Về các vướng mắc liên quan đến các dự án trên địa bàn, UBND tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy dự án đầu tư; trong đó kiến nghị Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Đồng Nai trong việc áp dụng các quy định pháp luật hiện hành đối với các dự án đầu tư trong nước; các dự án có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, đồng thời kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án Khu công nghiệp để địa phương có quỹ đất kêu gọi đầu tư.

Về xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, logistics và khai thác lợi thế sân bay quốc tế Long Thành vào ngày 23/11/2023, thu hút khoảng 470 đại biểu tham dự; trong đó có 104 doanh nghiệp FDI và 150 doanh nghiệp trong nước, 11 địa phương, 6 hiệp hội trong nước và 5 hiệp hội nước ngoài, các ngân hàng và các tổ chức khác. Đây là cơ hội để tỉnh Đồng Nai tìm đươc những nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tiềm năng đầu tư vào các lĩnh vực thương mại dịch vụ logistics đang là lĩnh vực mà tỉnh quan tâm kêu gọi đầu tư.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, Đồng Nai luôn cầu thị, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để đón nhà đầu tư. Tỉnh mong muốn doanh nghiệp hợp tác để phát triển, tạo sự chuyển biến lớn trong ngành thương mại, dịch vụ, logistics tại địa phương. Các ngành chức năng trong tỉnh cần minh bạch thông tin về quy hoạch, các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án đường cao tốc.
 
Các đơn vị xây dựng phương án kết nối giao thông đảm bảo có chiều sâu về khoa học; quan tâm lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang tính thực tiễn, đưa ra các giải pháp đẩy nhanh thực hiện các đột phá; loại bỏ quy hoạch chồng chéo, cản trở sự phát triển.

Năm 2023 với những khó khăn đang dần khép lại, bước sang năm 2024 với những thuận lợi được mở ra, kỳ vọng được bứt phá trở lại đỉnh cao, từ những quyết sách trên Trung ương, đến nội lực địa phương sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy Đồng Nai tăng tốc hơn nữa để hiện thực hóa một Đồng Nai kiến tạo. Từ dự án sân bay quốc tế Long Thành, thu hút đầu tư mở ra thêm những hướng đi mới, cơ hội mới đưa Đồng Nai "cất cánh" vươn lên với một khát vọng mới, một tầm nhìn mới.
chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.