Nhóm Hoàng Trường, Phú Thịnh Phát, Đức Mai, Biển Đông báo lỗ sau thuế nửa đầu năm

Trong đó, có doanh nghiệp ghi nhận vốn chủ sở hữu tăng gần 180%, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu qua đó giảm từ mức gần 119 còn gần 44 tại thời điểm cuối tháng 6 vừa qua.

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường vừa công bố các chỉ tiêu cơ bản trong kỳ bán niên năm 2023, qua đó cho biết ghi nhận lỗ sau thuế gần 140 tỷ đồng, sâu hơn so với mức lỗ 120 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. 

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Hoàng Trường đã tăng 4,3% so với đầu năm lên mức hơn 4.223 tỷ đồng. 

Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hoàng Trường đã giảm từ mức 118,77 tại thời điểm đầu năm còn 43,84 tại ngày 30/6, chủ yếu do công ty tăng vốn chủ sở hữu gần 180% so với đầu năm. Theo thông tin từ HNX, hiện vốn điều lệ của Hoàng Trường đang ở mức 1.100 tỷ đồng, tăng so với mức 900 tỷ đồng ghi nhận vào đầu tháng 4. 

Tổng nợ phải trả tại cuối quý II của Hoàng Trường cũng tăng gần 3% so với đầu năm lên mức hơn 4.129 tỷ đồng, trong đó, nợ từ trái phiếu cũng tăng nhẹ lên gần 1.400 tỷ đồng. 

Hiện, Hoàng Trường còn một lô trái phiếu đang lưu hành mã HTCH2024001, với khối lượng đang lưu hành là 1.400 tỷ đồng. Lô trái phiếu này đã được công ty phát hành từ tháng 12/2020 và sẽ đáo hạn vào tháng 12/2024. 

Đây là lô trái phiếu được công ty phát hành nhằm mua phần vốn góp tại Công ty TNHH Nova Nippon. Tài sản đảm bảo của trái phiếu là toàn bộ phần vốn góp tại Nova Nippon của công ty cùng hai doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Đầu tư Phú Thịnh Phát và Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Đức Mai; toàn bộ phần vốn góp tại Sun City thuộc sở hữu của Nova Nippon và Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn Quản lý Biển Đông. Ngoài ra còn có quyền tài sản, quyền sử dụng khu đất tại đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức, TP HCM. 

Các tài sản đảm bảo trên cũng được dùng để đảm bảo cho các lô trái phiếu phát hành trong năm 2020 của ba doanh nghiệp này. 

Bên cạnh Hoàng Trường, Phú Thịnh Phát, Biển Đông và Đức Mai cũng vừa công bố các chỉ tiêu tài chính trong kỳ bán niên năm 2023. 

Một số chỉ tiêu tài chính của nhóm Hoàng Trường, Phú Thịnh Phát, Biển Đông và Đức Mai. (Nguồn: HM tổng hợp từ các công bố của DN).   

Cụ thể, Phú Thịnh Phát cho biết ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 50 tỷ đồng, sâu hơn so với mức lỗ 42 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng tài sản của doanh nghiệp đã tăng 6,4% so với đầu năm lên mức gần 2.171 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả cũng tăng 10% lên mức 1.929 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu giảm 17% còn 242 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã tăng từ mức 5,99 lên mức 7,97 sau 6 tháng đầu năm. 

Trong tổng nợ phải trả, dư nợ trái phiếu là 900 tỷ đồng, đến từ lô trái phiếu duy nhất đang lưu hành của Phú Thịnh Phát. Lô trái phiếu này được phát hành vào tháng 12/2020 và sẽ đáo hạn vào tháng 6/2024. 

Tương tự Hoàng Trường, lô trái phiếu này được phát hành với cùng mục đích là mua phần vốn góp của Nova Nippon. 

Về phần Đức Mai, công ty lỗ sau thuế gần 148 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 140 tỷ đồng. 

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Đức Mai đạt 5.196 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả đạt 4.789 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu là gần 1.354 tỷ đồng. Các số dư nợ này tương đương lần lượt cao gấp 15 lần và 4,3 lần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. 

Đối với Biển Đông, công ty cũng báo lỗ sau thuế gần 98 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, sâu hơn mức lỗ 70,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. 

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Biển Đông đạt hơn 3.493 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là hơn 3.117 tỷ đồng, cao gấp 8,29 lần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. Trong đó, dư nợ trái phiếu là gần 1.320 tỷ đồng, cũng đến từ lô trái phiếu duy nhất đang lưu hành của Biển Đông.

Lô trái phiếu này được phát hành vào tháng 12/2020, đáo hạn vào thàng 6/2025. Mục đích phát hành trái phiếu không được Biển Đông công bố cụ thể. 

Khác với ba doanh nghiệp bất động sản trên là Hoàng Trường, Đức Mai và Phú Thịnh Phát, Biển Đông đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động tư vấn đầu tư. 

Tag: