Nhu cầu mua bất động sản giảm tốc sau cơn sốt sáp nhập tỉnh

Sau quý I bùng nổ nhờ kỳ vọng sáp nhập địa giới, nhu cầu mua bất động sản giảm mạnh trong tháng 4 do tâm lý hạ nhiệt và lo ngại rủi ro vĩ mô.

Báo cáo thị trường từ DKRA Group cho thấy, trong ba tuần đầu tháng 4, lượng giao dịch bất động sản tại các tỉnh phía Nam (TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh) đã giảm 30-40% so với tháng trước. Giao dịch hạ nhiệt trên diện rộng, ở cả loại hình phục vụ nhu cầu thực là căn hộ và sản phẩm thuần đầu tư như đất nền, nhà liền thổ và bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo đó, tháng vừa qua căn hộ ghi nhận tỷ lệ hấp thụ trên rổ hàng mở bán đạt 22%, nhà liền thổ là 21%, đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng từ 3-6%. Hơn một nửa tháng 4, thị trường gần như đóng băng, giao dịch chỉ tập trung vào cuối tháng và đầu tháng 5.

Theo dữ liệu từ chuyên trang Batdongsan, mức độ quan tâm tìm mua bất động sản trên cả nước trong tháng 4 giảm 18% so với tháng trước. Trong đó, phân khúc chung cư giảm mạnh nhất với 20%, kế đến là đất nền giảm 18%, nhà riêng và nhà mặt phố cùng giảm 14%. Lượng tin đăng bán bất động sản cũng giảm 5-9% ở hầu hết các phân khúc.

Về khu vực, nhu cầu mua tại Hà Nội giảm 18%, TP HCM giảm 19%, còn các địa phương khác ghi nhận mức giảm trung bình 16-20%. Đáng chú ý, căn hộ và đất nền là hai loại hình giảm sâu nhất: Hà Nội giảm 23%, TP HCM giảm 21%.

Ghi nhận từ thực tế từ nhiều sàn phân phối bất động sản cho thấy, diễn biến về thanh khoản nhà đất tháng 4 có sự sụt giảm và không như kỳ vọng.

Lãnh đạo một sàn môi giới tại TP Thủ Đức cho biết, doanh nghiệp kỳ vọng thị trường phục hồi trong quý II, song bước sang tháng 4, tỷ lệ hấp thụ thực tế thấp hơn nhiều so với dự kiến. Hiện đơn vị này đang phân phối ba dự án chung cư và đất nền tại TP HCM và Đồng Nai. Nếu quý I vẫn còn giao dịch nhờ thông tin tích cực về hạ tầng và điều chỉnh địa giới hành chính, thì nửa đầu tháng 4 gần như không có giao dịch đáng kể, dù đã đẩy mạnh truyền thông. Lượng đặt mua chỉ đạt chưa tới 30%. Nửa cuối tháng có tín hiệu khởi sắc hơn nhưng thị trường nhìn chung vẫn trầm lắng.

Tương tự, một chủ đầu tư dự án chung cư tại Bình Dương cho hay, trong tháng 3 vẫn có giao dịch nhưng bước sang tháng 4 thị trường chững lại rõ rệt. Cuối tháng 3, doanh nghiệp mở bán 200 căn hộ, nhưng trong hơn ba tuần đầu tháng 4 chỉ ghi nhận 50 lượt đặt mua trước. "Phải đến cuối tháng thị trường mới bắt đầu chuyển biến, sang đầu tháng 5 tỷ lệ tiêu thụ dần cải thiện", vị này nói.

Bất động sản khu đông TP HCM với các khu dân cư, nhà phố, đất nền. Ảnh: Quỳnh Trần

Lý giải yếu tố khiến đà giảm giao dịch nhà đất giảm mạnh trong tháng 4, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, nhận định có ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất, sau giai đoạn kỳ vọng từ thông tin sáp nhập địa giới, thị trường bước vào giai đoạn "nguội lạnh" do thiếu các chính sách kích cầu hoặc đầu tư hạ tầng cụ thể. Nhóm nhà đầu tư lướt sóng vì kỳ vọng thường rút lui, khiến nhu cầu sụt giảm.

Thứ hai, nguồn cung mới chủ yếu là phân khúc cao cấp và hạng sang, tập trung tại Hà Nội và TP HCM. Giá căn hộ từ 70 đến 100 triệu đồng mỗi m², vượt khả năng chi trả của phần lớn người mua ở thực. Đất nền cũng tăng giá 10-15%, trong khi chủ đất giữ hàng chờ giá cao hơn khiến thanh khoản giảm.

Thứ ba, sau các đợt sốt đất trước, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã rút lui do thanh khoản thấp và rủi ro cao, nhất là tại Đông Anh, Nhơn Trạch, Đức Hòa... Ngoài ra, chính sách thuế đối ứng của ông Donald Trump cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Nhiều nhà đầu tư chuyển từ trạng thái sẵn sàng mua sang chờ đợi để phòng ngừa rủi ro vĩ mô.

Trong báo cáo mới đây về thị trường bất động sản quý I, Bộ Xây dựng nhận định, do tác động từ thông tin sáp nhập các tỉnh/thành, giao dịch nhà ở và đất nền có sự tăng trưởng mạnh tới 32% trong quý vừa qua. Mặt bằng giá đất cũng theo đó bị đẩy lên cao 20-30% tại một số địa phương. Đà tăng về giá và giao dịch có sự tác động từ yếu tố đầu cơ ăn theo thông tin sáp nhập tỉnh. Đây là xu hướng tăng thiếu bền vững, tiềm ẩn rủi ro. Khi các cơ quan quản lý vào cuộc kiểm soát, hoạt động đầu cơ giảm mạnh.

Đồng tình, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group, cho rằng giai đoạn đầu năm, giá và lượng giao dịch tăng mạnh do kỳ vọng từ thông tin chưa chính thức về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Những khu vực được đồn đoán trở thành trung tâm hành chính mới nhanh chóng thu hút dòng tiền. Kỳ vọng quá mức tạo điều kiện cho đầu cơ thổi giá, đẩy mặt bằng lên cao để trục lợi. Khi Nghị quyết 60 được công bố vào đầu tháng 4, chính quyền siết lại việc lan truyền thông tin sai lệch, dòng tiền đầu cơ rút lui, khiến thị trường nhanh chóng hạ nhiệt.

Dù bức tranh thị trường tháng 4 khá ảm đạm, nhưng theo các đơn vị nghiên cứu, từ đầu tháng 5 bất động sản đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Ông Võ Hồng Thắng cho biết, những tín hiệu tích cực về đàm phán thuế giữa Mỹ và các quốc gia trên thế giới những ngày qua đã nhóm mồi lửa giúp tâm lý nhà đầu tư trong nước ổn định trở lại. Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư đã tích cực giới thiệu dự án mới ra thị trường, kèm với chính sách bán hàng linh hoạt.

Giới chuyên gia dự đoán, trong nửa cuối quý II, giao dịch bất động sản sẽ phục hồi tích cực hơn nhờ các thông tin về giải ngân đầu tư công, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm triển khai cùng rổ hàng mới đa dạng phân khúc và mức giá.


Diễn đàn Đầu Tư Việt Nam 2025 - Mid-Year Update do trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào lúc 13h30 ngày 03/06/2025 tại Khách sạn L7 West Lake Hanoi by LOTTE, TP Hà Nội.

Sự kiện quy tụ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia tài chính, các định chế tài chính, đại diện từ các doanh nghiệp, ngân hàng, các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường.

Trong giai đoạn thị trường có nhiều thay đổi với những tác động chính sách, Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

BTC dành số lượng vé hạn chế cho độc giả Việt Nam Mới. Vui lòng đăng ký và hoàn thành khảo sát tại đây để xác nhận tham dự.

chọn
Bất động sản công nghiệp hưởng lợi gì từ việc sáp nhập?
Theo Savills, việc sáp nhập tỉnh, thành là cơ hội để tái cấu trúc lại khung pháp lý, đơn giản hóa thủ tục. Đây là yếu tố then chốt giúp bất động sản công nghiệp duy trì tính hấp dẫn, đặc biệt trong mắt các tập đoàn đang tìm điểm đến thay thế Trung Quốc.