Những bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội

Người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo, khám sức khoẻ định kỳ, có hồ sơ sức khỏe riêng biệt.

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo, khám sức khoẻ định kỳ, có hồ sơ sức khỏe riêng biệt.

Ảnh minh họa

Thông tư 15/2016/TT-BYT công bố Danh mục gồm 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Cụ thể:

- Nhóm bệnh bụi phổi nghề nghiệp do silic, amiăng, bông, talc, than và bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, bệnh hen nghề nghiệp.

- Nhóm bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do chì, benzen và đồng đẳng, thủy ngân, mangan, trinitrotoluen, asen, hóa chất bảo vệ thực vật, nicotin, cacbon monoxit, cadimi.

- Nhóm bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý tác động gồm điếc do tiếng ồn, bệnh giảm áp, bệnh do rung toàn thân và rung cục bộ, bệnh phóng xạ, bệnh đục thể thủy tinh.

- Nhóm bệnh da nghề nghiệp gồm bệnh nốt dầu, bệnh sạm da, bệnh viêm da tiếp xúc do crôm, bệnh da do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài, tiếp xúc cao su tự nhiên và hóa chất phụ gia cao su.

- Nhóm bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp gồm: bệnh Leptospira, viêm gan virut B, lao, HIV, viêm gan virut C, ung thư trung biểu mô.

Theo đó, người lao động sau khi được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp cần được người sử dụng lao động bố trí vị trí làm việc hạn chế tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đó.

Người lao động mắc bệnh nghề nghiệp cần được tạo điều kiện và phải được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Đối với nhóm bệnh nhiễm độc nghề nghiệp phải được thải độc, giải độc kịp thời, đồng thời điều dưỡng, phục hồi chức năng và giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định.

Riêng đối với một số bệnh nghề nghiệp (bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ, do rung toàn thân, nhiễm độc mangan, các bệnh bụi phổi nghề nghiệp trừ bệnh bụi phổi bông) và ung thư nghề nghiệp, ung thư do các bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định thì cần phải chuyển khám giám định ngay.

Đặc biệt, đối với những trường hợp chẩn đoán các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp cho người lao động trong thời gian bảo đảm không nhất thiết phải có các xét nghiệm xác định độc chất trong cơ thể.

Người bị bệnh nghề nghiệp sẽ được bồi thường các khoản như sau:

- Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

-Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

- Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.

- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau: ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định trên.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Hình ảnh cầu Liêm Chính giai đoạn 2 ở TP Phủ Lý đang xây dựng
Theo kế hoạch đến tháng 7/2025, dự án cầu Liêm Chính giai đoạn II ở TP Phủ Lý, Hà Nam sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.