Nghiên cứu mới phát hiện virus Zika tiêu diệt tế bào u não | |
Đồng Nai phát hiện thêm một trường hợp nhiễm vi rút Zika | |
TP HCM: 123 người nhiễm vi rút Zika |
Cần ngăn ngừa để không bùng phát thành dịch bệnh
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, virus Zika do muỗi lây truyền hiện đang trở thành mối đe dọa toàn cầu vì tốc độ lan truyền nhanh chóng và sẽ để lại hậu quả nặng nề cho thế hệ sau. Hiện tại đã có hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận có sự "lưu hành" của virus Zika.
Tại Việt Nam, do loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết (cùng chủng muỗi lan truyền virus Zika) đang hoành hành, đồng thời có sự giao lưu, đi lại giữa các quốc gia đang có dịch bệnh, cho nên khả năng xuất hiện bệnh do virus Zika là hoàn toàn có thể.
Bệnh do virus Zika là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi Aedes gây nên. (Ảnh: Science) |
Mới đây, vào ngày 20/ 9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại tỉnh. Đó là ông Nguyễn Hoàng Khang (63 tuổi, ngụ xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm). Trước đó, ông Khang có các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, phát ban, đau nhức cơ… Sau khi nghi ngờ ông Khang bị nhiễm virus Zika, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Vũng Liêm đã lấy mẫu xét nghiệm gửi lên Viện Pasteur TP. HCM và nhận được kết luận là bệnh nhân Khang dương tính với virus Zika.
Sau khi phát hiện ca bệnh trên, cơ quan y tế dự phòng của tỉnh Vĩnh Long và Đồng Nai (ông Khang phát bệnh sau khi đi Đồng Nai) đã tiến hành phun xịt thuốc khử trùng cũng như cô lập khống chế ổ dịch.
Ngày 20/ 9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại tỉnh (Ảnh: Khmer Breaking News) |
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương: Không thể nói trước được sự bùng phát của virus Zika, bởi hiện nay loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành trên khắp cả nước. Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát thành dịch thì mỗi người cần phải có ý thức tự phòng ngừa bệnh. Cũng như hạn chế việc đi du lịch tới những nơi đang có virus Zika.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm virus Zika
Thông thường, thời gian ủ bệnh Zika sẽ kéo dài từ 2 – 12 ngày sau khi bị muỗi đốt. Và có đến khoảng 80% số bệnh nhân bị nhiễm virus Zika không có dấu hiệu lâm sàng. Tốt nhất, ngay khi có các triệu chứng như dưới đây thì bạn nên đi xét nghiệm, kiểm tra:
- Sốt nhẹ trên 37 độ C, cơ thể mệt mỏi, mọc ban sẩn trên da, các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân đau nhức.
- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược cơ thể.
- Bệnh nhân còn có thể bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét, ngứa niêm mạc.
Khi người mẹ mang thai mà bị muỗi mang virus Zika đốt thì khi sinh con ra rất dễ bị dị tật, mắc bệnh đầu nhỏ. (Ảnh: Newsweek) |
Tiến sĩ Masaya Kato, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết: Sở dĩ WHO nhận định Zika là mối quan ngại đối với y tế cộng đồng không chỉ là do tốc độ lây lan, truyền nhiễm của bệnh mà còn bởi những biến chứng nguy hiểm do virus Zika gây nên.
Cụ thể là trẻ sơ sinh nhiễm virus Zika có thể bị teo não, yếu cơ tay và chân. Còn khi người mẹ mang thai mà bị muỗi lưu hành virus Zika đốt thì sau này sinh con ra rất dễ bị dị tật, mắc bệnh đầu nhỏ.
Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM cho biết:“Tỷ lệ dị tật trên thai nhi do virus Zika gây ra tại Brazil là 42%, còn tại Mỹ là 6%. Chi phí để chăm sóc trẻ bị dị tật do nhiễm Zika ước tính khoảng 90.000 đến 10 triệu USD”
Cách điều trị và phòng ngừa bệnh do virus Zika
Cũng như bệnh sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika đến hiện tại vẫn chưa có loại thuốc đặc trị. Chỉ có các liệu pháp điều trị hỗ trợ bao gồm nghỉ ngơi, điện giải, bồi phụ nước, hạ sốt… Tốt nhất, khi có các dấu hiệu phát ban, sốt cao thì bệnh nhân nên đến các trung tâm y tế, bệnh viện để được thăm khám và làm xét nghiệm.
Mọi người cần phải tích cực diệt loăng quăng, bọ gậy và diệt muỗi để phòng ngừa virus Zika. (Ảnh: tntmediasandiego.com) |
Do chưa có vắc xin phòng bệnh cho nên cách phòng ngừa virus Zika tốt nhất là bạn không nên đến các vùng có dịch bệnh. Những người sống trong khu vực có bệnh nên mặc quần áo dài tay, sáng màu, sử dụng các loại thuốc chống côn trùng, chống muỗi, khi đi ngủ nên mắc màn… Đặc biệt là phụ nữ mang thai và những người đang mắc các bệnh suy giảm miễn dịch.
Những người đi từ vùng có dịch về cần phải tự theo dõi tình hình sức khỏe của mình trong khoảng 2 tuần. Khi có các biểu hiện của bệnh thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
Một trong 3 con đường lây truyền của virus Zika đó là bị muỗi đốt, cho nên tất cả mọi người cần phải tích cực diệt loăng quăng, bọ gậy và diệt muỗi… Đồng thời, tự tăng cường sức đề kháng cho bản thân bằng cách ăn uống đầy đủ chất cũng như tích cực luyện tập thể thao.
Tích cực luyện tập thể thao và ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch. |
Virus Zika được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại vùng rừng Zika, Uganda. Đây là loại virus tồn tại chủ yếu ở châu Phi và sau đó đã xuất hiện rải rác ở các nước châu Á. Vào năm 2007, một trận đại dịch do virus Zika gây ra tại đảo Yap thuộc Micronesia (khu vực Thái Bình Dương) đã khiến 70% dân số nơi đây bị lây nhiễm. Tiếp đó, từ năm 2013 đến 2015, danh sách các nước có sự lưu hành của virus Zika đã mở rộng thêm: Thái Lan, Chile, Brazil, Guatemala, Elsalvador, Venezuela, Senegal, Honduras, Panama… Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2016 từ Cục Y tế dự phòng, cả nước có 212 trường hợp dương tính với virus Zika. Trong đó, TP. HCM dẫn đầu về số lượng với 186 trường hợp, kế tiếp là Bình Dương 7 trường hợp, Khánh Hòa 6 trường hợp, Đồng Nai 4 trường hợp, các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Cần Thơ, Bình Phước, Đắk Lắk... mỗi tỉnh ghi nhận từ 1-2 trường hợp. Đáng chú ý là trong số 212 trường hợp nhiễm virus Zika có 28 phụ nữ đang mang thai. |