Những đặc sản Việt Nam đắt tiền nhưng vẫn hút khách

Mặc dù có giá từ vài trăm nghìn đến cả nửa triệu đồng/kg nhưng nhiều đặc sản vùng miền của Việt Nam vẫn rất hút khách. Nhiều người tranh thủ đang vào mùa thu hoạch nên đổ xô đi "săn" để bán kiếm lời.

Sâu tre có giá lên đến nửa triệu đồng/kg

Những đặc sản Việt Nam đắt tiền nhưng vẫn hút khách - Ảnh 1.

Để bắt sâu tre, người đi rừng sẽ dùng dao chặt ngang ống tre tạo hốc để kiểm tra. Nếu thấy có sâu bên trong sẽ tiến hành làm rộng hốc tre và dùng tay bắt. Mỗi tổ có thể chứa tới nửa kg sâu đang sinh sống. (Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị).

Theo báo Kinh tế & Đô thị, sâu tre (sâu măng) hay còn gọi với tên gọi dân dã là sùng tre, là loại sâu sống trên cây măng, phổ biến là măng nứa có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Lạng Sơn và một số tỉnh miền núi của Thanh Hóa như Mường Lát.

Loài sâu này sinh sôi nảy nở trong thời gian ngắn thường từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm, vì vậy đây được xem là món đặc sản quí hiếm.

Vì giá trị dinh dưỡng cao và có hương vị đậm đà, ngon miệng nên rất nhiều người tìm mua sâu tre để ăn. Tuy nhiên, lượng cung không đủ cầu dẫn đến giá thành của món sâu tre này khá đắt đỏ, khoảng 500 nghìn đồng/kg. 

Khi cây măng nứa đã cao quá đầu người cũng là lúc những con sâu trưởng thành và vào độ béo nhất.

Chế biến ngon nhất, đơn giản và hấp dẫn là sâu tre xào lá chanh. Vị béo của sâu lẫn trong gia vị, tẩm ướp khiến sâu tre càng thêm thơm ngon, hấp dẫn. Bên cạnh việc xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày, sâu tre xào còn thường được dùng làm mồi nhậu trong những dịp hội họp, lễ Tết.

Đặc sản châu chấu có giá hơn 200 nghìn đồng/kg

Những đặc sản Việt Nam đắt tiền nhưng vẫn hút khách - Ảnh 3.

Châu chấu được rao bán trên các chợ online, tùy loại và tùy châu chấu săn được ở từng vùng, giá dao động từ 200 - 250 nghìn đồng/kg. (Ảnh: Infonet).

Theo báo Dân trí, thời điểm đầu tháng 8 sang tháng 9 là bước vào mùa thu hoạch lúa, đây cũng là thời điểm châu chấu xuất hiện nhiều trên các cánh đồng, nhất là ở các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. 

Nhiều người săn châu chấu cho biết, vào vụ thu hoạch Đông Xuân, nghề săn châu chấu chỉ kéo dài khoảng 10 ngày. Tuy nhiên bước sang vụ Hè Thu, nghề này kéo dài 3 - 4 tháng. Thời điểm đầu vụ, giá thu mua lên tới 100 - 150 nghìn đồng/kg.

Châu chấu được nhiều người ví là “tôm bay” vì nó có thân mình thon dài, có nhiều càng giống con tôm.

Mấy năm gần đây, không chỉ người dân thôn quê mà người thành phố cũng săn lùng, coi châu chấu như đặc sản khó tìm vì chỉ đến gần mùa thu hoạch lúa mới có.

Chế biến món châu chấu này cũng rất đơn giản, sau khi chần qua nước sôi thì vặt sạch cánh, rút ruột cẩn thận sau đó cho ít mỡ lợn vào chảo đảo đều. Khi châu chấu ngả sang màu vàng cánh gián thì nêm thêm gia vị, ớt, tiêu,… đảo tiếp đến khi châu chấu có màu nâu bóng, thơm giòn thì rắc thêm chút lá chanh thái nhỏ là có thể ăn được.

Sâu chít nếu sấy khô có giá lên tới 4 triệu đồng/kg

Những đặc sản Việt Nam đắt tiền nhưng vẫn hút khách - Ảnh 4.

Sâu chít - đặc sản núi rừng Tây Bắc. (Ảnh: Blogcuaq.com)

Theo báo Lào Cai, sâu chít là loại ấu trùng sống trong thân cây chít - loại đặc sản nổi tiếng ở nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có Lào Cai. Sâu chít thoạt nhìn có hình dáng giống nhộng tằm nhưng nhỏ và dài hơn. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, thời điểm thu hoạch sâu chít từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau.

Sâu chít thường được dùng để chế biến thành các món ăn như rang lá chanh, tẩm bột chiên, nấu cháo… Người Mông còn dùng sâu chít để luộc chung với củ riềng chấm muối hoặc xào với các loại đọt bí, su su.

Một bó sâu chít khoảng 100 ngọn bán ra thị trường có giá từ 160 - 180 nghìn đồng. Loại đã chẻ, tách riêng sâu ra khỏi ngọn thì có giá đắt hơn, dao động từ 950 nghìn đồng đến một triệu đồng/kg. Đặc biệt, loại sâu chít đã tách ra và sấy khô có mức giá khoảng 4 triệu đồng/kg.

Na rừng "khổng lồ" giá nửa triệu đồng/quả

Những đặc sản Việt Nam đắt tiền nhưng vẫn hút khách - Ảnh 6.

Na rừng đỏ có trọng lượng lớn, chín tại cây có giá vào khoảng 500 nghìn đồng/quả. (Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị).

Theo báo Kinh tế & Đô thị, Na rừng còn tên gọi khác là Nắm cơm, Na dây, Xưn xe, Ngũ vị tử nam. Na rừng chủ yếu mọc trong những cánh rừng sâu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên.

Na rừng thường cho quả từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm.

Na rừng có kích thước càng to thì giá bán càng cao, trung bình với những quả na rừng nặng từ 3-5kg sẽ được bán với mức giá khoảng 400 - 800 nghìn đồng/quả.

Trên thị trường hiện nay có hai loại na rừng, là na rừng trắng và na rừng đỏ. Na trắng khi chín có màu vàng nhạt hoặc khe múi hơi đỏ, còn na đỏ sẽ đỏ toàn thân. Na rừng đỏ sẽ có giá cao hơn na trắng. Vị na đỏ ngọt nhẹ, cắn thêm một phần vỏ múi mềm sẽ có vị thơm đặc trưng. Đặc biệt na rừng đỏ có thể để chín ăn tươi được ngay.

Nhót bao tử Đà Lạt giá nửa triệu đồng/kg

Những đặc sản Việt Nam đắt tiền nhưng vẫn hút khách - Ảnh 5.

Sét nhót xanh kèm chẩm chéo được bán nhiều trên Mạng xã hội Facebook.

Theo báo Dân trí, trái nhót chủ yếu được trồng ở miền Bắc, song vài năm trở lại đây, loại quả này bắt đầu được trồng phổ biến ở Đà Lạt và trở thành món ăn vặt được nhiều chị em thích, dù giá bán không hề rẻ.

Cứ tháng 8, 9 là vào vụ thu hoạch. Một vụ trái mùa như thế này thường chỉ kéo dài 3 tháng, tức đến tháng 10 là hết hàng.

Nhót miền Bắc tháng 3 thu hoạch, thì thời điểm tháng 8, 9 đang là nhót xanh trái vụ của miền Nam, đắt gấp cả chục lần so với nhót miền Bắc khi vào vụ, lên đến 500 nghìn đồng/kg.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (13/4 - 19/4): Sắp khởi công nhiều cao tốc ở Bình Dương và Thái Bình
Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tiền khả thi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; sắp khởi công cao tốc CT 08 đoạn qua Thái Bình và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.