Phát hiện 44 gen trầm cảm - và ai trong chúng ta cũng có | |
Vì sao mẹ trầm cảm con kém thông minh? |
Trầm cảm đang là một trong những căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này là thời gian gần đây, liên tục những vụ học sinh tự tử xảy ra và phần lớn các em đều có những dấu hiệu trầm cảm nhưng phụ huynh không hề hay biết.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Tô Thanh Phương, Phó Giám Đốc Bệnh Viện Tâm Thần Trung ương cho hay: “Qua công tác thăm khám và điều trị trong nhiều năm qua tôi gặp rất nhiều trường hợp các bạn trẻ bị trầm cảm. Biểu hiện ban đầu của những trẻ bị trầm cảm là buồn, chán, mệt mỏi - đây là biểu hiện thường thấy nhất ở các em.
Tiếp theo nữa là không thích học; trốn học… Rồi trẻ không thích giao tiếp với bạn bè, thu hẹp mình lại. Trẻ thường hay thức khuya do bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, mất ngủ… Đặc biệt các em còn có biểu hiện sụt cân, da xanh xao.
Đây là những biểu hiện trẻ bị trầm cảm rõ ràng nhất ở trẻ mà các bậc phụ huynh có thể thấy rất rõ. Và khi thấy trẻ có những dấu hiệu này các cha mẹ nên đưa con đến khám chuyên khoa về tâm thần để được các bác sĩ thăm khám và điều trị sớm nhất. Bởi nếu để tình trạng này kéo dài trẻ sẽ có xu hướng tự tử”, TS Phương cho biết.
Tình trạng người trẻ mắc trầm cảm ngày càng gia tăng. (Ảnh: minh họa) |
Theo TS Phương, nguyên nhân của tình trạng trẻ bị trầm cảm gia tăng hiện nay do tác động của gia đình, nhà trường và xã hội.
“Các gia đình hiện này đang rơi vào ba thái cực: Một là không quan tâm gì đến con cái, mặc kệ chúng muốn làm gì thì làm. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ luôn cảm thấy thiếu thốn tình thương. Hai là quan tâm, chiều chuộng con thái quá.
Ba là bố mẹ “quân phiệt” quá, đánh đập, chửi bới con cái quá nhiều. Điều này khiến trẻ lúc nào cũng rơi vào trạng thái căng thẳng cảm xúc, trẻ dễ bị stress trường diễn sợ bố mẹ không muốn tiếp xúc với bố mẹ, lâu dần trẻ bị trầm cảm và có xu hướng tìm đến tự tử.
Tiếp nữa là vấn đề học tập, hiện nay các cháu đang học nhiều đến mức ngoài giờ ăn và ngủ ra thì lúc nào cũng học. Lâu dần áp lực học hành cộng với thi cử khiến trẻ dễ mắc trầm cảm.
Thực tế trong công tác khám, chữa bệnh tôi đã khám và điều trị rất nhiều trường hợp các cháu bị trầm cảm nặng vì học. Tính riêng trong năm 2017, tại bệnh viện của chúng tôi tiếp nhận từ 4-5 ca mắc trầm cảm liên quan đến học hành mà biểu hiện chung của các em đều là mất ngủ kéo dài.
PGS.TS Tô Thanh Phương. (Ảnh: Pháp luật Plus) |
Cuối cùng là nguyên nhân do tác động của xã hội, xã hội hiện đại, các bạn trẻ tiếp xúc với công nghệ từ sớm dẫn đến việc nghiện các thiết bị điện tử và nghiện mạng xã hội. Lâu dần các em thu hẹp không gian sống, ngại giao tiếp với thế giới thực bên ngoài mà chỉ tập trung vào thế giới ảo. Theo kết quả nghiên cứu thì 80-90% người nghiện điện thoại sẽ bị trầm cảm”, TS Phương chia sẻ.
Trước những nguyên nhân trên TS Phương cũng bày tỏ: “Sắp tới, các bạn học sinh lại tiếp tục bước vào một kỳ thi nữa, vì vậy mà tôi khuyên các bậc phụ huynh và cả những bạn trẻ nên chủ động hơn trong việc học tập.
Hạn chế dùng các chất kích thích như thuốc lá, café… Tránh học bài trong trạng thái căng thẳng cảm xúc bởi nó sẽ làm giảm khả năng ghi nhớ kiến thức. Tốt nhất nên học dần dần, chia nhỏ các bài học để tránh học dồn vào những ngày sắp thi.
Còn đối với phụ huynh, không nên tạo áp lực cho con quá để trẻ thoải mái sáng tạo”.
Làm sao cứu người trầm cảm? | |
NSƯT Diệu Thuần trầm cảm sau sự cố tại lễ trao giải Cánh Diều |