Các bị cáo nguyên là lãnh đạo của TrustBank tại tòa. Ảnh: Ngọc Hoa |
“Nhắm mắt” ký hồ sơ cho vay, gây thiệt hại cho ngân hàng gần 500 tỷ đồng
Ngày 3/5, TAND TP.HCM tiếp tục đưa các bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank), Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc) và 5 đồng phạm ra xét xử cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Đây là nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo TrustBank, bị cáo buộc đã thực hiện các hành vi sai trái, thiếu thẩm định trong phê duyệt vay vốn, để 2 công ty sân sau của Phạm Công Danh vay 650 tỷ đồng, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 471 tỷ đồng.
Cáo trạng của Viện KSND Tối cao cáo buộc, trước khi chuyển giao quyền điều hành ngân hàng cho ông Danh, cuối tháng năm 2012, ông Toàn cùng các thành viên Hội đồng tín dụng Trustbank đã thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Thịnh Quốc vay 370 tỷ đồng và Công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình xem xét, phê duyệt cấp tín dụng cho hai công ty trên vay vốn, các thành viên Hội đồng tín dụng của TrustBank đã không thực hiện đúng các quy định về cho vay, bỏ qua cảnh báo rủi ro về tài chính, tài sản đảm bảo…mà chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty CP Tư vấn, dịch vụ về tài sản, bất động sản DATC đối với khu đất tại Sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng).
Thực tế, dự án tại khu đất sân vận động Chi Lăng chưa giải tỏa xong, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, chưa có quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cũng không có bất kỳ hoạt động đầu tư nào, nên giá trị quyền sử dụng xác định tại chứng thư này không thể làm căn cứ phê duyệt cấp tín dụng.
Để xảy ra hậu quả thiệt hại hơn 471 tỷ đồng cho TrustBank như trên, trách nhiệm chính thuộc về Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam. Các bị cáo còn lại là đồng phạm với vai trò, trách nhiệm như nhau.
Ký duyệt cho vay bởi tin vào chứng thư thẩm định giá khu đất làm tài sản sản đảm bảo
Khai tại các phiên tòa trước đó, nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank Hoàng Văn Toàn không thừa nhận sai phạm. Bị cáo Toàn cho rằng hành vi của mình là không vi phạm pháp luật.
Cựu chủ tịch HĐQT TrustBank Hoàng Văn Toàn tại tòa. |
Theo bị cáo Toàn, khi ký duyệt cho 2 công ty sân sau của Phạm Công Danh vay 650 tỷ đồng, Toàn đã căn cứ vào hồ sơ vay vốn, đề nghị của chi nhánh Sài Gòn, tài sản đảm bảo và chứng thư thẩm định giá của công ty DATC....
Quá trình xét duyệt cho hai công ty trên vay, dựa vào chứng thư thẩm định giá số 1063 ngày 24/12/2012 của Công ty DATC để xác định giá trị quyền sử dụng đất sử dụng làm tài sản đảm bảo cho vay là đúng quy định pháp luật. Theo kết quả định giá tại chứng thư thẩm định giá trên lô đất tại sân vận động Chi Lăng có giá trị 940 tỷ đồng.
Khi thấy chứng thư thẩm định giá này là hợp pháp và công ty thẩm định giá DATC trực thuộc bộ Tài chính, đồng thời được ngân hàng Nhà nước chấp thuận nên Toàn mới ký giải ngân các khoản vay.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn cho rằng, theo quy trình, trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và quyết định cho vay đối với hai công ty trên thuộc về TrustBank chi nhánh Sài Gòn.
Do số tiền vay vượt hạn mức nên hồ sơ vay phải trình lên Hội đồng tín dụng cấp trên. Theo đó, Hội đồng tín dụng cấp trên chỉ có chức năng phê duyệt hạn mức đối với khoản vay chứ không ký quyết định cho vay.
Ngoài ra, sau khi hồ sơ vay được giải ngân, HĐQT mới của TrustBank (khi đó là Ngân hàng Xây dựng cho Phạm Công Danh tiếp quản) đã có quyết định gia hạn khoản vay từ 28/12/2013 kéo dài thêm đến 28/3/2014. Cùng với đó, lãi suất khoản vay cũng được giảm từ 15% xuống còn 12%.
Theo Toàn, quyết định này cho thấy khoản vay cũ đã được tất toán. Do đó, việc Ngân hàng không thu hồi được khoản vay này thuộc về trách nhiệm của Phạm Công Danh và dàn lãnh đạo cấp dưới.
Cũng giống như bị cáo Toàn, nguyên Tổng Giám đốc TrustBank Trần Sơn Nam nói mình làm đúng theo quy trình và tuân thủ theo thủ tục chung.
Việc xét duyệt cho vay là có căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của công ty DATC, đối chiếu tình hình tài chính và khả năng thu hồi nợ phù hợp nên quyết định ký cấp tín dụng. Bị cáo Nam thừa nhận quá tin tưởng nên bị cáo không cho người ra Đà Nẵng kiểm tra rõ lô đất tại sân vận động Chi Lăng.
“Bị cáo biết rõ ngân hàng Đại Tín đang bị đặt vào diện đặc biệt khó khăn, mọi giao dịch trên 5 tỷ đồng phải có sự đồng ý của tổ giám sát. Bị cáo có trình hồ sơ 2 khoản vay này lên tổ giám sát và được tổ giám sát đồng ý”, bị cáo Nam khai tại tòa.
“Quả bóng trách nhiệm"
Trước lời khai này, chủ tọa phiên tòa cho mời ông Hà Tấn Phước, nguyên Phó Giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An, nguyên tổ trưởng tổ giám sát TrustBank lên xét hỏi thì ông Phước khẳng định lời khai của các bị cáo là thiếu chính xác.
HĐXX cho ông Phước xem bút lục có “bút phê” của ông Phước liên quan tới khoản vay 650 tỷ đồng, ông Phước thừa nhận chữ viết trong hồ sơ này đúng là của mình.
Theo “bút phê” này: “Ngân hàng Đại Tín muốn cho vay thì phải đẩy dư nợ xuống bằng với dư nợ cuối ngày 31/12/2011”. Tuy nhiên ông Phước bất ngờ nói rằng Tổ giám sát không đồng ý để TrustBank cho vay.
Nghe đến đây, chủ tọa gọi cả 7 bị cáo lên yêu cầu giải thích rằng các bị cáo hiểu thế nào về bút phê của ông Phước. 7 bị cáo đều nói rằng đó là “bút phê đồng ý cho vay”. Tổ giám sát bút phê rất chung chung làm cho các bị cáo hiểu là cho vay nhưng số tiền cho vay khi cộng lại thì không được vượt quá dư nợ ngày 31/12/2011.
Trước khẳng định của 7 bị cáo này, ông Phước “đá” trách nhiệm trả lời sang đại diện ngân hàng Nhà nước: “Thưa Tòa, tại phiên tòa có đại diện NHNN, vì vậy nên để NHNN giải thích”, ông Phước nói với HĐXX.
Ngay lập tức, tòa cho gọi đại diện NHNN tham gia xét hỏi. Nhưng đại diện NHNN lại nói trách nhiệm trả lời thuộc về ông Phước. Do chưa thể làm rõ nội dung này nên HĐXX quyết định gác lại, sẽ xét hỏi bổ sung sau.
Tài sản thế chấp hình thành trong tương lai có bút phê của nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng?
5 bị cáo khác trong vụ án này nguyên là các thuộc cấp của Toàn, Nam khi được xét hỏi cũng khẳng định mình thực hiện theo đúng quy trình và thủ tục chung của TrustBank.
Các bị cáo nói rằng, Công ty DATC là doanh nghiệp của Bộ Tài chính, giám định trên hai cơ sở tình hình thực tế và giá trị hình thành trong tương lai. Chủ tọa yêu cầu các bị cáo giải thích giá trị hình thành trong tương lai là gì, khi mà dự án chưa hề có sự phê duyệt, cấp phép của chính quyền địa phương?.
Nghe đến đây, một bị cáo trình bày rằng, vào thời điểm đó, bị cáo đọc báo thấy rằng TP Đà Nẵng đã ưng thuận SVĐ Chi Lăng làm khu phức hợp. “ Bị cáo có tài liệu gì không?”, chủ tọa hỏi. Trả lời HĐXX, bị cáo lấy một văn bản ra trình bày.
Theo nội dung văn bản này, ông Trần Văn Minh (thời điểm này là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, hiện ông Minh bị bắt tạm giam để điều tra trong một vụ án khác), đã ký quy hoạch chủ trương biến SVĐ Chi Lăng thành khu phức hợp. Chủ tọa sau đó yêu cầu nộp tài liệu này cho HĐXX…
Hồ sơ vay vốn TrustBank hợp lệ?
Tại phiên xét xử bộ sậu TrustBank, chủ tọa phiên tòa còn triệu tập 4 bị án gồm Phạm Công Danh, Phan Thành Mai và 2 thuộc cấp của Danh.
Bị án Phạm Công Danh. Ảnh: Ngọc Hoa |
Khai tại tòa, Phạm Công Danh cho rằng, hồ sơ vay vốn của 2 công ty Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương tại TrustBank là hợp lệ. Cũng với bộ hồ sơ vay vốn này, các công ty của ông Danh đã từng hỏi phía Agribank và ngân hàng này cho rằng hợp lệ.
Về giá trị khu đất tại sân vận động Chi Lăng mà Danh lấy thế chấp vay 650 tỷ đồng tại TrustBank, bị án Danh nói bản thân chứng thư thẩm định của Công ty DATC, và cho rằng giá trị thẩm định tài sản là lô đất ở sân vận động Chi Lăng thời điểm đó hơn 900 tỷ đồng là hợp lý.
Về chứng thư thẩm định giá của DATC, cơ quan điều tra đã nêu rõ, thời điểm định giá thì trên thực tế khu đất tại Sân vận động Chi Lăng vẫn chưa giải tỏa xong, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, dự án chưa có quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không có bất kỳ hoạt động đầu tư dự án nào trên lô đất này.
“Do đó, không xác định được thời điểm hình thành giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp giả định, nên giá trị quyền sử dụng đất theo định giá của chứng thư này là giá trị quyền sử dụng đất được hình thành trong tương lai, không phải là giá trị thực và chỉ có giá trị khi dự án được phê duyệt và triển khai đầu tư”, cơ quan điều tra kết luận.
Không phải thành viên Hội đồng tín dụng vẫn “ký đại cho đủ người”
Cũng tại phiên tòa, HĐXX cho xét hỏi bị cáo Ngô Trí Đức, nguyên Phó tổng giám đốc TrustBank về chữ ký trong biên bản họp quyết định cho 2 công ty sân sau của ông Danh vay 650 tỷ đồng.
Bị cáo Đức cho biết, khi đang ngồi trong phòng của ông Trần Sơn Nam thì một nhân viên ngân hàng tên Bình đem biên bản vào phòng ông Nam. Lúc đó, Đức được đề xuất ký vào biên bản. Ông Đức nói ông không còn là thành viên chính thức lẫn thành viên không chính thức của hội đồng tín dụng tại sao phải ký.
“Anh Nam nói ký đi cho đủ người. Bị cáo nghĩa mình ký vào cũng không quan trọng gì. Giờ bị cáo thấy việc mình ký như vậy là sai”, bị cáo Đức khai tại tòa.
Cựu Chủ tịch HĐQT TrustBank Hoàng Văn Toàn bị đề nghị mức án cao nhất là 7 năm tù
Tại phiên tòa chiều nay (3/5), đại diện VKSND thực hành quyền công tố tại tòa mở đầu phần tranh luận đã nhận định, mặc dù các bị cáo kêu oan, cho rằng mình đã thực hiện đúng chủ quy trình, thủ tục, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ kết luận hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội nên đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo phạm tội như cáo trạng quy kết.
Cụ thể, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Toàn mức án từ 6 - 7 năm tù; Bị cáo Trần Sơn Nam bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù, các bị cáo còn lại mức án cao nhất 3 năm tù cùng về tội danh nói trên.
Đang xét xử cựu chủ tịch TrustBank gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Trước khi chuyển giao quyền điều hành ngân hàng cho Phạm Công Danh, bị can Toàn và các thuộc cấp tại TrustBank đã thẩm định, ... |