Những điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu

Theo Bộ Công thương, trong giai đoạn 2015 - 2019, tăng trưởng xuất khẩu đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Sáng ngày 24/10, Bộ Công thương đã công bố kết quả xuất nhập khẩu trong giai đoạn từ đầu năm 2016 cho đến quí III/2020. 

Về tổng quan, theo Bộ Công thương, hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn trên đã đạt những kết quả tích cực với điểm nổi bật là xuất khẩu tăng trưởng cao và liên tục.

Cùng với đó, công tác phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu đi liền với kiềm chế nhập siêu đạt hiệu quả cao.

Tăng trưởng xuất khẩu đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đã đề ra - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: JobsGo)

Đánh giá về kết quả hoạt động xuất nhập khẩu, giai đoạn 2016 - 2020 chứng kiến kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm nhiều rủi ro, đặc biệt xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng.

Nền kinh tế, thương mại Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi xung đột thương mại Mỹ - Trung (bắt đầu từ tháng 4/2018), tiếp theo đó là sự bùng phát dịch COVID-19 đầu năm 2020.

Tuy nhiên, đi kèm với khó khăn thì Việt Nam cũng có những thuận lợi về sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; hội nhập quốc tế sâu rộng có tác động tạo ra sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển sản xuất.

Hết năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015 - 2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội lần thứ XII đề ra.

Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của nước ta vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 202,4 tỉ USD, tăng 4% so với cùng kì năm 2019.

Kim ngạch nhập khẩu có tốc độ tăng trung bình trong giai đoạn 2015 - 2019 ở mức 11,2%/năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kim ngạch nhập khẩu trong giai đoạn này thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu (13%), đạt mục tiêu Chiến lược đề ra.

Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, lần lượt là 1,77 tỉ USD (năm 2016), 2,11 tỉ USD (năm 2017), 6,83 tỉ USD (năm 2018), 10,87 tỉ USD (năm 2019). Riêng 9 tháng đầu năm 2020, xuất siêu đạt 16,5 tỉ USD.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 9 tháng đầu năm 2020 chiếm tới 84,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng so với mức 78,9% của năm 2015; nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỉ trọng khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên đã tăng qua các năm. Năm 2019 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.

Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người năm 2019 đạt khoảng 2.740 USD/người, bằng 2,5 lần so với năm 2011. Mục tiêu giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD theo Chiến lược đề ra đã đạt được từ năm 2017.

Tăng trưởng xuất khẩu đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đã đề ra - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Tạp chí tài chính)

Về cải cách hành chính, Việt Nam đã kết nối C/O điện tử mẫu D với toàn bộ các nước trong khối ASEAN. Toàn bộ qui trình, thủ tục xin cấp C/O mẫu D điện tử hoàn toàn qua mạng Internet, không tiếp nhận hồ sơ giấy, không phát hành bản C/O giấy.

Về công tác phát triển thị trường, Việt Nam đã tham gia đàm phán và kí kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 13 FTA đã kí kết và đi vào hiệu lực.

Các thị trường mới trong các nước đối tác thuộc Hiệp định CPTPP đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao. Tính hết 9 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19, xuất khẩu sang Canada vẫn tăng 10,2% so với cùng kì (đạt 3,1 tỉ USD) và sang Mexico tăng 7,9% (đạt 2,34 tỉ USD).

Đối với Hiệp định EVFTA, trong vòng hai tháng kể từ ngày 1/8 đến hết 30/9, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 20.680 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 830 triệu USD đi 28 nước EU, chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan...

Về xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, trong 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 131,1 tỉ USD, giảm 2,8% so với cùng kì năm 2019, còn chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Doanh nghiệp FDI đã góp phần làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỉ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỉ trọng hàng chế tạo (điện tử, máy tính và linh kiện, các sản phẩm từ nhựa, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng...).

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước năm 2019 đạt 82,96 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2018, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,2% của khu vực FDI. 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của khu vực này tăng 19,5%, trong khi đó xuất khẩu của khu vực FDI giảm 2,8%.

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng tích cực trong bối cảnh xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp khó khăn cho thấy động lực tăng trưởng của khối trong nước không chủ yếu phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước mà từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...