(Ảnh: Greycaps) |
Ung thư thanh quản là loại ung thư hay gặp ở Việt Nam, nếu trong phạm vi vùng tai mũi họng thì ung thư thanh quản đứng vào hàng thứ 4 sau ung thư vòm họng, ung thư mũi xoang và ung thư hạ họng. Căn cứ thống kê của nhiều nước trên thế giới thì ung thư thanh quản chiếm khoảng 2% tổng số các loại ung thư thường gặp.
Hàng năm, tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thường khám và điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân ung thư vùng thanh quản. Ung thư thanh quản xuất hiện ở đàn ông gấp nhiều lần so với phụ nữ, thường gặp chủ yếu ở đàn ông trong độ tuổi từ 40 đến 60.
Bệnh ung thư thanh quản thường gặp chủ yếu ở đàn ông trong độ tuổi từ 40 đến 60. (Ảnh: Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt) |
Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta dễ mắc ung thư thanh quản. Những thói quen dù rất nhỏ, bạn không hay để tâm nhưng có thể khiến bạn điêu đứng.
Theo PGS.TS Phạm Trần Anh, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết: “Nguyên nhân quan trọng theo thứ tự khiến bạn dễ mắc bệnh ung thư vòm họng như sau: thuốc lá, rượu, yếu tố nghề nghiệp, bị tia xạ vùng trước cổ, nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, vitamin, viêm thanh quản mạn tính, tình trạng sừng hóa, bạch sản, u nhú của dây thanh được coi là tình trạng tiền ung thư”.
Người bệnh khi thấy xuất hiện các triệu chứng nói trên cần đi khám. Vì lý do tiên lượng nặng nề của bệnh ung thư thanh quản giai đoạn muộn nên việc phát hiện sớm có liên quan chặt chẽ đến tiên lượng sống của bệnh nhân, nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và nhân viên y tế.
Theo PGS.TS Võ Thanh Quang, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết: “Ngày càng có nhiều người trẻ mắc ung thư thanh quản. Điều đặc biệt nguy hiểm là bệnh chỉ có triệu chứng sớm duy nhất là khàn tiếng kéo dài. Dấu hiệu cảnh báo ung thư thanh quản sớm duy nhất đó là khàn tiếng. Nếu một người khàn tiếng 5 đến 7 ngày không có dấu hiệu đỡ cần đi kiểm tra ngay vùng thanh quản nhất là người có tiền sử hút thuốc lá và uống rượu”.
Các dấu hiện xuất hiện muộn trên bệnh ung thư thanh quản có thể kể đến là ho khan, rồi ho khạc đờm nhầy lẫn máu; đau vùng cổ trước thanh quản, có thể đau lan lên tai; khó chịu ở họng, cảm giác như có dị vật; khó thở thanh quản. Khi khối u phát triển, nó có thể gây đau, giảm cân, khó thở và khiến người bệnh hay bị nghẹn thức ăn. Trong một số trường hợp, khối u ở thanh quản có thể gây khó nuốt.
Để chẩn đoán ung thư thanh quản, bệnh nhân nhất thiết phải đến khám bác sĩ tai mũi họng. Việc sàng lọc ung thư thanh quản cũng rất đơn giản, bệnh nhân chỉ cần được bác sĩ soi thanh quản, nếu phát hiện ra những vùng bất thường, bệnh nhân cần phải được sinh thiết.
(Ảnh: ung bướu Việt Nam) |
Thành công của điều trị ung thư thanh quản phụ thuộc vào giai đoạn của khối u. Ở giai đoạn sớm các bác sĩ có thể sử dụng phẫu thuật cắt dây thanh, vẫn có thể bảo tồn giọng nói. Khi đến giai đoạn muộn, phải cắt thanh quản bán phần, hoặc cắt thanh quản toàn phần, kèm theo phẫu thuật nạo vét hạch cổ.
Ung thư thanh quản là một trong các bệnh lý ung thư vùng tai mũi họng có thể mổ cắt bỏ được triệt để và có thể phục hồi phát âm tốt, tiên lượng sống sau 5 năm trên 70%. Về tiên lượng của bệnh ung thư thanh quản phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và việc chọn lựa phương pháp điều trị đúng, triệt để. Tiên lượng trở nên xấu khi xuất hiện ung thư thứ 2.
Một bệnh nhân mổ ung thư thanh quản giai đoạn muộn vì chủ quan (Ảnh: Báo Giao thông) |
Ung thư thanh quản nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời thì có thể khỏi được với tỉ lệ ngày càng cao. Do vậy, người dân cần đi khám phát hiện sớm khi có các dấu hiệu gợi ý như khàn tiếng hoặc thay đổi giọng, nhất là khi tình trạng kéo dài sau 2 đến 3 tuần.
Nhiều báo cáo ở các hội nghị quốc tế đều cho rằng hút thuốc lá là một trong các yếu tố có liên quan đến ung thư phổi cũng như ung thư thanh quản. Bên cạnh công tác đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về bệnh ung thư thanh quản, các bác sĩ chuyên khoa cũng cần nâng cao năng lực chuyên môn để tránh chẩn đoán nhầm.
Cách phòng chống ung thư thanh quản hiệu quả nhất là tránh các yếu tố có nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh ung thư thanh quản.
- Không sử dụng thuốc lá và hạn chế rượu bia: Để phòng chống bệnh ung thư thanh quản, các chuyên gia khuyến cáo nên ngừng sử dụng thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc và hạn chế sử dụng các thức uống có cồn, trong đó có rượu bia.
- Tránh xa môi trường độc hại: Những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại cần có biện pháp bảo vệ an toàn cho bản thân và sử dụng mặt nạ phòng độc công nghiệp để phòng tránh ung thư.
- Chế độ ăn uống khoa học: Nên hạn chế sử dụng đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, rau củ quả muối chua. Tích cực ăn nhiều rau xanh, ăn thực phẩm tươi sống chưa qua tẩm ướp bảo quản, thực phẩm giàu vitamin.
Để phòng tránh ung thư thanh quản hiệu quả, mọi người hãy xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, chế độ ăn đủ chất, đảm bảo sức khỏe.