4 sai lầm khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng | |
Bệnh tay chân miệng đã bùng phát trên khắp cả nước |
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường do siêu vi trùng đường ruột Coxsackieviruses A16 và enterovirus 71 gây ra. Bệnh chân tay miệng ở trẻ có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt từ trẻ bệnh sang trẻ lành.
(Ảnh: VNN) |
Bệnh chân tay miệng ở trẻ thường xuất hiện ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ…Bệnh thường có những dấu hiệu khác nhau tùy vào từng giai đoạn cụ thể.
Bệnh thường bắt đầu với các biểu hiện như: sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng. Một hoặc hai ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má.
Phát ban trên da, không ngứa trong 1 - 2 ngày với những đốm màu đỏ không nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện trên mông hoặc ở cơ quan sinh dục.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: "Bệnh tay chân miệng do một loại vi trùng đường ruột gây nên. Bệnh lây dễ dàng theo đường tiêu hóa, từ người bệnh sang người khỏe mạnh qua nước bọt, dịch tiết cơ thể và có khả năng gây thành dịch lớn".
Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 14/02 - 20/02 ghi nhận 100 trường hợp mắc tay chân miệng tại 22 tỉnh, thành phố. Tích lũy từ đầu năm 2018 đến ngày 20/02, cả nước ghi nhận hơn 3.200 trường hợp mắc. |
Theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng được chia làm 4 độ bệnh, thể hiện mức độ nguy hiểm khác nhau.
Bị tay chân miệng độ 1, trẻ chỉ bị loét miệng và có những tổn thương da chân, tay, mông nhẹ. Ở mức độ này không cần phải nhập viện mà có thể điều trị ngoại trú tại nhà. Ở độ này nặng nhất trẻ sẽ bị đau đớn, không thể ăn hay bú do những vết loét trong miệng vỡ ra.
Ở độ 2, trẻ có biểu hiện sốt liên tiếp nhiều ngày, sốt cao trên 90 độ, thường xuyên bị nôn, cơ thể lừ đừ khó ngủ, hay quấy khóc, thi thoảng trẻ bị giật mình. Ở mức độ này, bạn nên cho trẻ nhập viện và theo sát mọi biểu hiện của con để đến gặp bác sĩ và xử lý kịp thời vì bệnh đã khá nặng, nguy hiểm.
Độ 3 - 4 là tình trạng bệnh nặng và rất nặng cần được điều trị hồi sức cấp cứu tích cực tại bệnh viện. Trẻ bị chân tay miệng độ 3 thường có biểu hiện mạch nhanh trên 170 lần/phút, cao huyết áp, thở nhanh, thở bất thường, rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ.
Bệnh tay chân miệng thường là một bệnh nhẹ, hầu hết bệnh nhân hồi phục trong vòng từ 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị và thường không gặp các biến chứng. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn biến nặng như viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, thường do virus EV71 gây ra.
Những tổn thương do bệnh tay chân miệng. (Ảnh: Pinterest) |
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Bệnh nhân nên uống nhiều nước và có thể được điều trị triệu chứng để giảm sốt và giảm đau từ vết loét, phòng biến chứng.
Cho đến nay, chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1: bệnh tay chân miệng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra biến chứng, do đó phụ huynh cần theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo như nôn ói nhiều, ăn uống kém, lở miệng… để đưa trẻ vào bệnh viện kịp thời. Trẻ có các biến chứng như sốt cao liên tục không hạ nhiệt, giật mình chới với, đi đứng loạng choạng, yếu tay chân… có thể dẫn đến tổn thương thần kinh sau này hoặc phụ thuộc vào máy thở.
Khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà nên cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu, không kiêng khem quá mức. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn uống đồ có vị chua hoặc có gia vị.
Cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm; chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau cùng các thuốc khác do bác sĩ kê. Bên cạnh đó, tránh làm vỡ mụn nước và rửa tay sau mỗi lần chăm trẻ trong vài tháng.
(Ảnh: Nihe) |
Biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng như sau: - Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. - Tránh tiếp xúc với những trẻ có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng và không đến những nơi có mầm bệnh, đặc biệt những vùng có nguy cơ phát triển thành dịch. - Làm sạch môi trường xung quanh như đồ chơi, nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch Cloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường. - Bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng và miễn dịch. - Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. |
4 sai lầm khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng | |
Trẻ bị bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần làm gì? | |
Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch Tay chân miệng cho trẻ |