Những dự án cầu, đường lớn sắp hoàn thành ở Hà Nội

Dự kiến nhiều dự án giao thông lớn sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2023 như: Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao, cầu Vĩnh Tuy 2, cầu vượt nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài...

Đẩy nhanh tiến độ đưa 5 huyện lên quận

Phục vụ cho kỳ họp thứ 10 đang diễn ra, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi HĐND thành phố về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Liên quan đến quy hoạch, UBND TP Hà Nội cho biết, trong năm qua, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

UBND Thành phố đã phê duyệt 4 đồ án quy hoạch quan trọng: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hai quy hoạch phân khu đô thị sông Hông, sông Đuống; quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang đy nhanh tiến độ lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng của các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai, Phúc Thọ, ứng Hòa, Quốc Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Sóc Sơn, Đan Phượng, Mê Linh.

Đồng thời, thành phố tập trung đẩy nhanh thực hiện đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì thành quận. Rà soát, đánh giá mức độ đạt các tiêu chí thành lập phường, quận; trong đó tập trung đối với tiêu chí chưa đạt, xây dựng giải pháp, cân đổi nguồn lực để thực hiện đạt tiêu chí.

 Hầm chui vành đai 3 - Lê Văn Lương đã thông xe. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Về giao thông, năm qua, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Các thủ tục về đầu tư, giải phóng mặt bằng đang được gấp rút thực hiện; dự kiến khởi công dự án trong nửa đầu năm 2023. Hà Nội đã khánh thành hầm chui nút giao Lê Văn Lương - vành đai 3 sau 2 năm thi công; hoàn thành 10 cầu vượt cho người đi bộ, 3 cầu vượt sông và 5 dự án đường giao thông với tổng chiêu dài 16,07 km.

Cấp hơn 20.000 sổ đỏ

Về nhà ở, trong 10 tháng đầu năm, Hà Nội đã hoàn thành 819.000 m2 sàn nhà ở; trong đó: nhà ở thương mại 562.000 m2 sàn (tại 8 dự án); nhà ở xã hội 257.000 m2 sàn (tại 3 dự án). Dự kiến cả năm 2022, thành phố sẽ hoàn thành 1.340.000 m2 (đạt 109% kế hoạch), trong đó: 985.000 m2 sàn nhà ở thương mại (tại 16 dự án) và 257.000 m2 sàn nhà ở xã hội (tại 3 dự án). Thành phố cũng đã cấp 13.993 giấy phép xây dựng với 4,4 triệu m2 sàn xây dựng.

Trong thời gian này, UBND Thành phố đã ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 108 khu đất với tổng diện tích 112,3 ha. Kết quả, đến nay công tác đấu giá đất thu khoảng 3.106 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch; thu tiền sử dụng đất được 6.264 tỷ đồng, đạt 31,32% kế hoạch; thu tiền thuê đất 2.067 tỷ đồng, đạt 37,58% kế hoạch; tiếp tục xác định nghĩa vụ tài chính theo quyết định giao đất, cho thuê đất đối với 52 dự án, dự kiến thu 11.434 tỷ đồng.

Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Hà Nội; đã thực hiện hạng mục đo đạc trên 27/27 địa bàn và hoàn thành đo đạc bản đồ ngoại nghiệp và tổ chức nghiệm thu 473/489 xã, phường, thị trấn; 11 phường, xã còn lại đơn vị thi công đã thực hiện công tác đo đạc ngoại nghiệp, chuẩn bị tổ chức nghiệm thu. Đã tổ chức bàn giao mốc giới và định vị mốc giới phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện 314 dự án.

Tổng họp giao đất dịch vụ trên địa bàn Thành phố đến nay được 40.535 hộ/49.945 hộ đủ điều kiện, đạt 81,16% tương ứng với 397,7 ha; 9.410 hộ còn lại (18,84%) tương ứng vói 142,7 ha chưa được giao đất dịch vụ. Tiến độ giao đất dịch vụ chậm, nguyên nhân chủ yếu do còn vướng mắc về chính sách cũ (tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc trước đây), UBND Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế đặc thù giải quyết giao đất dịch vụ trên địa bàn các quận, huyện.

Thành phố đã cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và và đăng ký kê khai đất đai lần đầu cho các tổ chức được 21.969 thửa đất. Trong đó cấp giấy chứng nhận cho 20.605 thửa; cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu 1.364 thửa.

Chạy thương mại metro Nhổn - ga Hà Nội, thông xe cầu Vĩnh Tuy 2

Về các kế hoạch năm 2023, UBND TP Hà Nội cho biết sẽ hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh; hoàn thành một số quy hoạch chi tiết khu chung cư cũ...

Về giao thông, thành phố tiếp tục đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông và các tuyên đường sắt đô thị (Nhổn - ga Hà Nội; Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo). Vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

 Cầu Vĩnh Tuy 2 đang xây dựng. (Ảnh: Báo Giao thông).

Thành phố cũng sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công Dự án đâu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đưa vào sử dụng cầu vượt nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài; thông xe cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…

UBND TP tập trung xử lý đối với 191 dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai chưa xử lý; tiếp tục đề xuất, kiến nghị xử lý đối với 173 dự án do các quận, huyện, thị xã bổ sung. Hoàn thành việc hậu kiểm 30 Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp sử dụng vào công ích và đất công đối với 30 quận, huyện, thị xã.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ hát triển các mô hình kinh tế ban đêm; làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực quận Hoàn Kiếm và phụ cận; Triển khai tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, tại khu đô thị Nam vành đai 3 (quận Hoàng Mai), tại khu vực Thiền Quang - Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng)... Triển khai một số mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức...

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.