Những dự án tỷ USD mà Vingroup, Sungroup, BRG và nhiều doanh nghiệp lớn cam kết đầu tư ở Hà Nội

Từ 2016 đến nay, UBND TP Hà Nội đã ký kết 70 biên bản ghi nhớ thực hiện dự án (tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 35,6 tỷ USD) với các nhà đầu tư như Vingroup, Aeon, T&T, FLC, BRG, Tân Hoàng Minh,...

Tháng 6 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo kết quả thực hiện kết luận của Chủ toạ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ ba của HĐND thành phố.

Trong đó, UBND TP cho biết đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và đầu tư rà soát kết quả thực hiện các chương trình, dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các biên bản ghi nhớ, cam kết thực hiện tại các hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển giai đoạn 2016 đến nay.

Cụ thể, qua 4 hội nghị, thành phố đã ký kết 70 biên bản ghi nhớ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 35,6 tỷ USD (tương đương 906.709 tỷ đồng). Trong đó có 18 biên bản ghi nhớ vốn đầu tư nước ngoài, 52 biên bản ghi nhớ vốn đầu tư trong nước.

Năm 2017, Hà Nội ký 16 biên bản ghi nhớ trị giá 5,934 tỷ USD (232.010 tỷ đồng). Năm 2018 là 16 biên bản ghi nhớ 1,252 tỷ USD (29.010 tỷ đồng). Năm 2020, thành phố ký 38 biên bản ghi nhớ với tổng vốn đầu tư khoảng 28,43 tỷ USD (tương đương 645.579 tỷ đồng). 

Đến nay, 21/70 biên bản ghi nhớ đã hoàn thành và đang triển khai; một dự án chấm dứt hoạt động; hai dự án vường mắc; 46 nội dung biên bản ghi nhớ chưa thực hiện.

UBND TP cho biết, tỷ lệ các biên bản ghi nhớ ký kết trong các hội nghị được hiện thực hoá thành các dự án đầu tư còn ít, hiện nay có 46/70 biên bản chưa được thực hiện.

Cụ thể, một số biên bản giá trị lớn đã hoàn thành cam kết là trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông của Tập đoàn Aeon (192 triệu USD); biên bản ghi nhớ hợp tác về việc xúc tiến thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây do Tập đoàn Daewo E&C và công ty THT (2 tỷ USD);...

Phối cảnh dự án Thành phố thông minh do Tập đoàn BRG và tập đoàn Sumitomo Nhật Bản đầu tư (4,138 tỷ USD). (Ảnh: BRG).

Các biên bản ghi nhớ đang thực hiện là dự án thành phố thông minh do Tập đoàn BRG và tập đoàn Sumitomo Nhật Bản đầu tư (4,138 tỷ USD); hợp tác phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại TP Hà Nội của Tập đoàn Vingroup (4,5 triệu USD); đề xuất tăng vốn đầu tư dự án tổ hợp khách sạn, văn phòng tại ô B3CC1 trong Khu đô thị Tây Hồ Tây của Công ty JR22 - Singapore (220 triệu USD);...

Các cam kết chưa thực hiện như đề xuất nghiên cứu phát triển dự án khu đô thị vệ tinh thông minh tại huyện Chương Mỹ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty Sein I&D (3,5 tỷ USD); đề xuất nghiên cứu khả năng đầu tư các dự án công viên Hà Đông, công viên chủ đề thực vật và cải tạo sông Nhuệ đoạn qua quận bắc Từ Liêm của Tập đoàn Thái Bình Dương (1,5 tỷ USD); đề xuất nghiên cứu phát triển các dự án công viên chuyên đề thể thao, vui chơi giải trí và phát triển đô thị xanh tại quận Bắc Từ Liêm của Tập đoàn Daewon và Công ty TNHH Phát triển toàn cầu (500 triệu USD); đầu tư xây dựng trung tâm thương mại trên địa bàn TP của tập đoàn Aeon (200 triệu USD); Trường Đại học quản trị châu Âu (50 triệu USD) do CFVG, Solvay Việt Nam và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đầu tư; đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao tại KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội (1 tỷ USD) do CTCP MBI (Hàn Quốc), CTCP Đầu tư phát triển N&G là nhà đầu tư.

Một số cam kết khác chưa thực hiện như đề xuất nghiên cứu phát triển các dự án công nghiệp/công nghiệp phụ trợ công nghệ cao tại Hà Nội của Tập đoàn Vingroup ký với KCNC Hòa Lạc (3 tỷ USD); đề xuất nghiên cứu phát triển các dự án công viên lĩnh vực chủ đề vui chơi giải trí, thể thao và phát triển y tế giáo dục (1,87 tỷ USD) của CTCP Tập đoàn FLC; đề xuất nghiên cứu phát triển các dự án công viên chuyên đề nông nghiệp và công nghệ sinh học và dự án phát triển khu đô thị mới xanh tại quận Bắc Từ Liêm (1,075 tỷ USD) của CTCP Tập đoàn KDI Holdings;

Đề xuất nghiên cứu phát triển các dự án khu phát triển đô thị thuộc khu A khu vực phát triển đô thị Nhật Tân - Nội Bài và nhà hát Opera và khu văn hoá đa năng tại quận Tây Hồ của CTCP Tập đoàn Mặt trời (1,052 tỷ USD); dự án phát triển học viện thể thao T&T và tổ hợp thể thao, sân vận động và trung tâm quần vợt tại Hà Nội và dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Sơn Tây (680 triệu USD) của Tập đoàn T&T; đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án xây dựng thành phố sân bay của CTCP Tập đoàn BRG;...

Một dự án không thực hiện là Nidec Shimpo do Tập đoàn Nidec đầu tư (200 triệu USD).

Nguyên nhân là các nhà đầu tư chưa thấy rõ hiệu quả thực hiện dự án sau khi nghiên cứu thị trường; việc lập hồ sơ đề xuất, triển khai các thủ tục tiếp theo của các nhà đầu tư còn chậm; chi phí hạ tầng và giải phóng mặt bằng tại Hà Nội cao hơn nhiều so với các tỉnh khác, giá thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp còn cao so với các địa phương lân cận (gấp khoảng 1,5 - 2 lần) khiến chi phí đầu tư ban đầu của nhà đầu tư lớn, không tạo được lợi thế cạnh tranh so với các vùng lân cận;...

Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, phân loại các biên bản ghi nhớ có khả năng triển khai để thông tin cho nhà đầu tư.

Trong trường hợp nhà đầu tư tiếp tục quan tâm và đủ năng lực thực hiện triển khai, UBND TP sẽ chỉ đạo các sở ngành liên quan hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các thủ tục.

Trường hợp nhà đầu tư không có khả năng triển khai hoặc không quan tâm, UBND TP xem xét tiếp tục kêu gọi đầu tư theo quy định.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.