Đồng Nai là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ, tiếp giáp Bình Dương, TP HCM, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng và Bình Phước.
Trong tất cả các thành phố vệ tinh của TP HCM, Đồng Nai được xem là tỉnh có tiềm năng phát triển lớn nhờ vào vị trí địa lý, dư địa quỹ đất và những chuyển động trong quy hoạch hạ tầng giao thông. Cũng bởi vậy, thị trường bất động sản (BĐS) Đồng Nai từ lâu đã trở thành đích đến của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân.
Bên cạnh đặc thù là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai cũng tập trung phát triển mạnh phân khúc đất đấu giá. Theo kế hoạch, trong năm nay và các năm tiếp theo, Đồng Nai sẽ đưa ra đấu giá 105 khu đất với diện tích gần 782 ha, ước tính giá trị khoảng 12.902 tỷ đồng, tạm tính theo bảng giá đất tỉnh Đồng Nai 5 năm giai đoạn 2020 - 2024.
Đồng Nai hiện đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn như sân bay Long Thành, đường Vành đai 3, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu,...
Trao đổi với người viết, một môi giới tên T. cho biết, các dự án hạ tầng như đường Vành đai 3, sân bay Long Thành hay các cao tốc đang xây dựng đang tác động đến giá đất của nhiều địa phương ở Đồng Nai.
Theo anh T., so với các năm trước, đất đấu giá tại các huyện như Long Thành, Nhơn Trạch... hiện tại đã tăng khoảng gấp đôi, ví dụ một nền đất có giá trị khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng/nền, nay đã tăng lên khoảng khoảng 3 - 4 tỷ đồng/nền.
Các khu vực này tăng theo đường Vành đai 3 và các tuyến mở rộng về các khu công nghiệp Bàu Xéo, tuyến kết nối sân bay Long Thành, giá trị đất tại các khu vực này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, môi giới này cho biết, không phải giá đất khu vực nào cũng có biên độ tăng giống nhau, có khu vực giá đất hiện đã đứng giá, ví dụ như đất đấu giá về tới TP Biên Hòa không còn tăng nữa, nhiều khu đã ổn định giá từ 5 - 10 năm trước, do đó, giá đất tại các khu vực này tăng rất ít, không đang kể.
Những khu vực có biên độ tăng giá lớn nhất hiện tại là các vùng ven TP Biên Hoà như huyện Vĩnh Cửu, huyện Long Thành, huyện Thống Nhất, huyện Nhơn Trạch, huyện Trảng Bom... lý do là vì hạ tầng giao thông các khu vực này đang được đầu tư hoàn thiện với rất nhiều dự án hạ tầng lớn.
Anh T. cũng cho biết, nhà đầu tư tìm đến đất đấu giá tỉnh Đồng Nai để đầu tư "lướt sóng" cũng không nhiều, tỷ lệ chỉ chiếm khoảng 30 - 40%, nhà đầu tư "lướt sóng" phần lớn đang đầu tư tại các dự án bất động sản đã và đang xây dựng.
Ngoài ra, giá đất đấu giá tại các khu vực đang nóng sốt hiện tại có thể sẽ ngừng tăng khoảng 6 tháng đến một năm sau khi sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 và các dự án hạ tầng khác hoàn thành và đi vào hoạt động, vì lúc đó giá đất đã đạt đỉnh. Nếu như các dự án này không đạt đủ công năng như mong đợi, giá đất tại các khu vực này sẽ giữ giá hoặc có chiều hướng giảm.
"Ví dụ như sân bay Long Thành, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025, giá đất sau đó sẽ ngừng biến động. Khi đi vào hoạt động, nếu như sân bay không đáp ứng đủ công năng dự kiến, giá đất khu vực sẽ neo giá hoặc có xu hướng giảm", anh T. nói.