Những hành vi bị cấm trong bán hàng đa cấp

Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp phải đáp ứng các quy định của pháp luật có liên quan.

Nhắc đến bán hàng đa cấp nhiều người sẽ cảm thấy đa cấp rất đáng sợ. Họ nghĩ về những người lừa đảo, về những món nợ mà nạn nhân phải gánh chịu khi tham gia vào “đường dây đa cấp”, về hình ảnh mất anh em, bạn bè, gia đình ,… Một thời, bán hàng đa cấp trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người, và trong suy nghĩ của rất nhiều người đa cấp đồng nghĩa với lừa đảo.

Tuy nhiên, những gì chúng ta nhìn ta nhìn thấy chỉ là những hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, còn thực sự bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, việc người tiêu dùng mua hàng trực tiếp từ công ty không phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ giúp giá thành sản phẩm không bị đội lên cao. Cùng với đó hình thức này còn giúp tiết kiệm các chi phí như quảng cáo, khuyến mại, kho chứa, vận chuyển hàng hóa. Hình thức này sẽ tạo ra một mạng lưới mua bán hàng hóa.

quy dinh cua phap luat ve ban hang da cap bat chinh

Bán hàng đa cấp đã từng tạo ra những làn sóng trên thế giới, khẳng định ưu thế của nó. Pháp luật Việt Nam cũng có ghi nhận về hoạt động này theo đúng bản chất của nó. Cụ thể, Luật Cạnh tranh 2004 có quy định Bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện sau:

- Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau.

- Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia.

- Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.

Những hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm: Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, Danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, cấm lưu thông hoặc tạm ngừng lưu thông theo quy định của pháp luật.

Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản), thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; các loại hoá chất nguy hiểm và sản phẩm có hoá chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật cũng không được kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Ngoài ra, mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh khác không phải là mua bán hàng hóa, không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp, trừ trường hợp pháp luật cho phép.

Tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam hình thức bị biến tướng, không còn mang đúng bản chất của bán hàng đa cấp nữa. Lợi nhuận không thực sự được xuất phát từ giới thiệu sản phẩm mà từ việc tuyển mộ các thành viên mới. Đối tượng làm việc của kinh doanh đa cấp bất chính là tiền chứ không phải là sản phẩm. Chính bởi những vấn đề biến tướng đó mà pháp luật có quy định về hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.

Hành vi bị cấm trong bán hàng đa cấp

Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định các hành vi bị cấm trong bán hàng đa cấp:

a) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

b) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

c) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;

d) Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào;

đ) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;

e) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;

g) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác;

h) Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về một trong các nội dung quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này phải trả tiền hoặc phí dưới bất kỳ hình thức nào, trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo;

i) Ép buộc người tham gia bán hàng đa cấp phải tham gia các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này;

k) Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này phải trả tiền hoặc phí cao hơn mức chi phí hợp lý để thực hiện hoạt động đó;

l) Thu phí cấp, đổi thẻ thành viên theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 21 Nghị định này dưới bất kỳ hình thức nào;

m) Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 26 Nghị định này;

n) Cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa theo quy định tại Điều 26 Nghị định này;

o) Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;

p) Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp;

q) Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp;

r) Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp;

s) Yêu cầu, xúi giục người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện hành vi bị cấm được quy định tại Khoản 2 Điều này.

Bên cạnh đó, người tham gia bán hàng đa cấp cũng không được cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hoá, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp...

Doanh nghiệp phải có vốn pháp định 10 tỷ đồng

Nghị định nêu rõ, hoạt động bán hàng đa cấp phải được đăng ký theo quy định. Tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh ngành bán lẻ theo phương thức đa cấp...

Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định là 10 tỷ đồng. Tiền ký quỹ cũng được nâng lên mức 5 tỷ đồng so với mức tối đa 1 tỷ đồng theo quy định trước đây. Cụ thể, Nghị định yêu cầu doanh nghiệp phải ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính...

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được giao cho Bộ Công Thương thay vì các Sở như quy định trước đây. Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung quy định về thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, theo đó, giấy chứng nhận cấp lần đầu có thời hạn 5 năm, sau đó doanh nghiệp được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 5 năm.

Tạm ngừng quá 12 tháng bị thu hồi giấy chứng nhận

Ngoài ra, doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư bị thu hồi hoặc hết hiệu lực; hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thông tin gian dối; doanh nghiệp bị xử phạt về một số hành vi vi phạm; doanh nghiệp không triển khai hoạt động bán hàng đa cấp trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp quá 12 tháng liên tục...

Mỗi cá nhân nên có những kiến thức nhất định để sáng suốt trong việc lựa chọn trước khi tham gia vào hoạt động này và để cảnh báo những người xung quanh không bị đối tượng xấu lôi kéo vào đường dây bán hàng đa cấp bất chính.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.