Những phận người lặng lẽ mưu sinh đêm Noel

Khi dòng người nô nức đi chơi Noel, đâu đó trên các con phố, ngõ hẻm những phận người khốn khó vẫn lặng lẽ mưu sinh trong đêm Giáng sinh để kiếm miếng cơm manh áo sống qua ngày.
 
nhung phan nguoi lang le muu sinh dem noel Những ước mơ ngọt ngào đêm Giáng Sinh
nhung phan nguoi lang le muu sinh dem noel Noel sớm của bệnh nhi tại bệnh viện Nhi Đồng 1
nhung phan nguoi lang le muu sinh dem noel
Cha con anh Khánh lặng lẽ mưu sinh đêm Noel. Ảnh: Văn Dũng

Dọc theo tuyến quốc lộ 1A đoạn qua chợ đầu mối Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP HCM), chúng tôi bắt gặp hình ảnh người đàn ông gầy gò trên vai vác một chiếc bì đang đi giữa đường nhặt nhạnh những chai nhựa, vỏ lon bia mà người đi đường vứt xuống. Ông là Phạm Hoàng Dương (48 tuổi, quê Tiền Giang), làm nghề lượm ve chai trên địa bàn quận Thủ Đức để mưu sinh.

Vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không có vợ con, bản thân lại mang bệnh nặng nên ông Dương không thể làm được công việc gì ngoài việc đi nhặt ve chai kiếm sống qua ngày.

nhung phan nguoi lang le muu sinh dem noel
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không có vợ con, sức khoẻ yếu nên ông Phạm Hoàng Dương phải đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày để lượm ve chai kiếm sống. Ảnh: Văn Dũng

Ông Dương kể, bình quân mỗi ngày ông đi bộ hàng chục cây số lượm ve chai và bán được vài chục nghìn đồng. Tối đến ông lại tìm đến các trạm xe buýt, vỉa hè gần chợ để ngả lưng sau một ngày vất vả.

“Có năm đúng đêm giao thừa, tôi phải ngủ trong chợ. Cũng may, Sài Gòn không có mùa Đông nên thân xác còm cõi của tôi mới tồn tại đến ngày hôm nay. Đã lâu rồi, tôi không dám về quê ăn Tết vì cả năm đi làm vẫn không đủ tiền để mua thuốc uống”, ông Dương tâm sự.

Khi được hỏi về ước nguyện cho bản thân trong ngày Giáng sinh, ông Dương khiêm tốn nói : “Tôi chỉ ước mỗi ngày có thể nhặt được nhiều ve chai, bán được chừng dăm ba chục đủ để ăn cơm và tích góp chút ít Tết mang về quê mua cặp bánh tét, ký thịt cúng cho ba mẹ đêm giao thừa. Chứ giờ bệnh tật triền miên thế này không dám ước gì nhiều”.

nhung phan nguoi lang le muu sinh dem noel
Ước mơ giản dị của ông Dương là mỗi ngày kiếm được dăm ba chục nghìn để có cơm ăn và tích cóp tiền Tết về quê mua cặp bánh tét, ký thịt cúng ba mẹ đêm giao thừa. Ảnh: Văn Dũng

Tạm biệt người đàn ông khốn khổ, chúng tôi tiếp tục đi về hướng cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh, TP HCM). Tại đây, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người cha chống nạng cùng cô con gái bé nhỏ đi bán đậu phộng tại các quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng.

Hai cha con ấy là anh Võ Quốc Khánh (44 tuổi, quê Quảng Ngãi) và cô con gái út 6 tuổi tên Võ Ngọc Huyền.

Vốn bị khuyết tật đôi chân nên không làm được những việc nặng, cả nhà anh Khánh dắt díu từ miền Trung vào Sài Gòn mưu sinh. Hằng ngày, cứ tối đến anh Khánh cùng con gái chống nạng đi khắp các nhà hàng, quán nhậu để bán bánh phồng tôm và đậu phộng luộc.

Vừa lê cặp nạng từ trong quán nhậu đi ra, anh Khánh thở dài nói: “Ở quê còn hai đứa lớn đang đi học, hai vợ chồng tôi cùng bé út kéo nhau vào đây bươn chải kiếm tiềm cho các con đi học. Đêm nào hai ba con cũng đi đến tận gần sáng mới về, tối nào mà bán ế thì sáng hôm sau cả nhà phải ăn đậu phộng trừ bữa”.

nhung phan nguoi lang le muu sinh dem noel
Bé Ngọc Huyền chỉ mong sao ba mẹ bán được thật nhiều đậu phộng để Tết này 3 chị em có quần áo mới để mặc. Ảnh: Văn Dũng

Đang đứng cạnh ba, bé Ngọc Huyền bỗng dưng nhảy tót lên khi thấy chiếc xe máy chở theo nhiều bóng bay, đồ chơi đi qua. Nhưng khi nghe ba nói rằng cố gắng bán thêm vài bịch đậu nữa thì mới đủ tiền mua thì ánh mắt của cô bé 6 tuổi chợt đượm buồn. Trong chốc lát, cô bé dõng dạc nói với ba rằng sẽ không đòi đồ chơi nữa, để dành tiền đó cho mẹ mua sách vở gửi về quê cho chị hai và anh ba đi học.

“Mình đi tiếp thôi ba, tối nay con sẽ cố gắng bán được thật nhiều đậu để mai ba cho con đi Thảo Cầm Viên nha ba”, bé Ngọc Huyền nói.

Khi được hỏi em ước gì trong đêm Giáng sinh, bé Ngọc Huyền hồn nhiên nói rằng không cần có quà hay đồ chơi gì hết, chỉ ước làm sao ba mẹ có thể bán được thật nhiều đậu để em cùng anh chị ở quê có quần áo mới mặc đi chơi ngày Tết.

Đứng lặng lẽ ở góc đường Lê Duẩn, Biên (16 tuổi, quê Đà Nẵng) cầm trên tay những chiếc sừng tuần lộc nhẹ nhàng mời chào người qua lại trước trung tâm thương mại Diamond Plaza mua.

Biên năm nay 16 tuổi, một mình lặn lội từ Đà Nẵng vào Sài Gòn bán sừng tuần lộc. Dáng người mảnh khảnh, tôi đoán Biên nặng khoảng 37-38kg. 16 tuổi đời, nhưng Biên có tới 8 năm lang bạt khắp nơi mưu sinh. Học hành dang dở, mỗi năm vào dịp Giáng sinh Biên lại thường vào Sài Gòn bán quần áo, mũ ông già Noel, sừng tuần lộc. Nhiều năm, khi phố phường không còn bóng người qua lại, đường phố tĩnh lặng dưới bóng đèn cao áp và khi cả thành phố say giấc nồng, Biên vẫn một thân một mình vẫn lang thang vô định.

nhung phan nguoi lang le muu sinh dem noel
Biên đứng lặng lẽ tại góc đường Lê Duẩn để bán sừng tuần lộc mưu sinh. Ảnh: Văn Dũng

Nói về điều ước đêm Giáng sinh, Biên nhoẻn miệng cười và chỉ mong sao cả năm đi làm gom góp được ít đồng để gửi về quê cho cha mẹ trả nợ, nuôi các em.

Những điều ước tưởng chừng rất giản đơn, rất đời thường, nhưng với các em dường như quá đỗi khó khăn để có được. Đêm nay, Giáng sinh đã tràn về khắp nơi, hy vọng mọi sự an lành sẽ đến với các mọi nhà, mong cho các em nhỏ luôn được ngủ tròn giấc, và những điều ước nhỏ nhoi của những phận người khốn khổ ấy sẽ trở thành sự thật.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.