Những sự kiện kinh tế nổi bật năm 2016

Bức tranh kinh tế 2016 với nhiều biến động, tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu, thiên tai gây thiệt hại 1% GDP cả năm. Tuy nhiên, năm nay cũng là năm khởi sắc với phong trào start - up phát triển mạnh mẽ, số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỉ lục.

Tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu

Kinh tế Việt Nam năm 2016 không mấy thuận lợi. So với đà tăng trưởng 6,68% năm 2015, năm nay tăng trưởng Việt Nam chỉ đạt 6,21% thấp hơn kế hoạch 6,7% năm.

nhung su kien kinh te noi bat nam 2016
Tốc độ tăng trưởng GDP theo quý năm 2016.

Ngoài nguyên nhân do sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng, giá dầu, các yếu tố về môi trường cũng là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng GDP giảm sút. Thủ tướng cho biết, năm 2016, thiên tai xảy ra nhiều và nặng nề làm cho nước ta thiệt hại khoảng 1,7 tỷ USD (gần 1% GDP). Trong đó ảnh hưởng đặc biệt là nông nghiệp với 2 quý tăng trưởng âm. Cả năm 2016 ước đạt tốc độ tăng GDP toàn ngành là 1,2% do sự thảm họa trường biển miền Trung, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Về các chỉ số vĩ mô khác, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra như giữ lạm phát dưới 5%, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được thực hiện theo lộ trình đề ra, thu hút vốn FDI tương đối tốt. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 8,6% thấp hơn mục tiêu 10% năm 2016 không đạt được bởi những bất lợi của nền sản xuất trong nước.

Nợ Chính phủ vượt trần

Theo báo cáo của Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hồi tháng 3 năm nay, nợ Chính phủ đã vượt trần 50,3% GDP năm 2015.

Tại kì họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII vào hồi tháng 11 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dư nợ Chính phủ ở mức 53% GDP cho cả giai đoạn 5 năm là rất khó thực hiện do năm 2016 đã vượt giới hạn này (53,2% GDP). Vì vậy, Chính phủ đã xin Quốc hội nới trần nợ Chính phủ không quá 54% GDP và đã được chấp nhận.

Nợ Chính phủ của Việt Nam chủ yếu bù đắp bội chi, trả nợ công, chi đầu tư phát triển, bảo lãnh các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước vay...

Các chỉ số khác như nợ công, nợ nước ngoài quốc gia cũng đang tiến sát mức trần. Tuy vậy, Chính phủ vẫn giữ mức trần với nợ công là 65% GDP, nợ nước ngoài là 50% GDP.

Sự cố môi trường biển Formosa

Quốc hội đồng ý nâng trần nợ Chính phủ không quá 54%

Bắt nguồn từ việc xả thải của công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ khu công nghiệp Vũng Áng lan khắp dải 200 km bờ biển miền Trung. Các chuyên gia cho rằng, cả hệ sinh thái biển của vùng bị hủy diện hàng trăm năm sau mới có khả năng phục hồi lại.

nhung su kien kinh te noi bat nam 2016
Ngư dân ảnh hưởng bởi thảm họa môi trưởng biển Formosa. Ảnh: AFP.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 39.000 người mất việc sự cố Formosa. Trong đó, hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cũng theo đó, sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng đầu năm của Hà Tĩnh giảm 14,4%, Quảng Bình giảm 13,4%. Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lần lượt giảm 27,1% và 23,9%. Cùng với đó, tốc độ tăng GDP cả nước tụt xuống mức 5,93% so với 9 tháng đầu năm 2015.

Nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Theo kết luận của Ban Kiểm tra Trung ương, nguyên bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016. Bên cạnh đó, 3 thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, cựu Bí thư tỉnh ủy, hai cán bộ ban Tổ chức Trung ương cũng nhận các hình thức kỷ luật về những vi phạm trong việc điều chuyển công tác và khen thưởng ông Trịnh Xuân Thanh.

Căn cứ trên Thông báo số 138 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 27/10/2016 về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và ông Vũ Huy Hoàng ở trên, chiều ngày 28/12, Bộ Công Thương thu hồi Quyết định bổ nhiệm một loạt chức danh.

Trong đó, Bộ Công thương quyết định đưa 3 trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn và Võ Thanh Hà ra khỏi Quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2016 - 2021. Ngoài ra, một loạt các Phó cục trưởng, Chánh văn phòng Bộ bị thu hồi chức danh.

nhung su kien kinh te noi bat nam 2016
Khen thưởng ông Trịnh Xuân Thanh.

Về ông Trịnh Xuân Thanh, là nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Đây là diễn tiến mới nhất, sau thời gian Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) - Bộ Công an thụ lý điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC - mã PVX).

Tước đó, ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVX.

Giải quyết các dự án nghìn tỷ yếu kém

Tháng cuối cùng của năm 2016, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương đã được thành lập. Thêm 7 dự án, nhà máy yếu kém được đưa vào diện xử lý xong đến năm 2018.

nhung su kien kinh te noi bat nam 2016
Nhà máy đạm Ninh Bình càng hoạt động càng lỗ.

Ban chỉ đạo sẽ đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các dự án, nhà máy còn năng lực sản xuất sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nguồn nhân lực, quản trị... Dự án, nhà máy nào không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo các hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản... theo quy định của pháp luật.

7 dự án đó là nhà máy đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.

Cũng trong kì họp thứ 2, khóa XIII, Quốc hội quyết liệt trong việc truy trách nhiệm và xử lý triệt để 5 dự án "nghìn tỷ" thua lỗ kéo dài. Trong đó, sẽ xem xét xử lý hình sự những cá nhân tập thể cố tình làm sai tại các dự án Xơ sợi Đình Vũ, Ethanol, Gang thép Thái Nguyên, Đạm Ninh Bình, nhà máy bột giấy Phương Nam.

"Chính phủ không đi bán bia, bán sữa"

Với quan điểm “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa”, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo cổ phần hóa, thoái vốn ở các Tổng công ty, Tập đoàn mà nhà nước không cần tham gia. Năm 2016, những cái tên như Vinamilk, Habeco, Sabeco… gây chú ý với nhà đầu tư trong và ngoài nước khi Chính phủ tích cực thực hiện thoái vốn.

Ngày 12/12 vừa qua, Vinamilk SCIC sẽ chào bán 130.630.500 cổ phiếu VNM, tỷ lệ 9% vốn nhà nước năm giữ tại doanh nghiệp này, với giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phần. Cùng ngày, Sabeco cũng tiến hành niêm yết với mã cổ phiếu SAB, đã giúp Sabeco trở thành doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn thứ hai trên sàn chứng khoán, chỉ sau Vinamilk.

Như vậy, năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng. Trong đó, tại 5 lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư, các Tổng công ty, Tập đoàn thoái được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ. Giá trị thu về thấp hơn giá trị đã đầu tư do Tổng công ty Thanh lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ, thu về 18,3 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm thu về 2.273 tỷ đồng sau khi thoái 1.579 tỷ.

Riêng tại SCIC đã bán vốn tại 67 doanh nghiệp với giá trị 1.577 tỷ đồng, thu về 4.116 tỷ. Số liệu của SCIC không bao gồm khoản bán đấu giá cổ phần Vinamilk vì mới đấu giá cổ phần ngày 12/12, đơn vị trúng thầu chưa hoàn tất việc chuyển tiền đấu giá.

Đã và đang tham gia 16 FTA

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký gửi Thường vụ Quốc hội ngày 21/12, Việt Nam đã ký kết và thực thi 10 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA, và đang đang đàm phán 4 FTA khác.

Trong 10 FTA đã ký kết và thực thi có 6 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN bao gồm AFTA, 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Ngoài ra, 4 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập (Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu.

Hai FTA đã kết thúc đàm phán là FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bốn FTA còn lại đang được đàm phán bao gồm: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN- Hồng Kông, FTA với Israel và FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA).

Tuy nhiên, năm 2016 cũng là năm "lao đao" của các FTA. TPP đã đàm phán xong chỉ chờ phê chuẩn tại các quốc gia nhưng lại gặp phải trở ngại từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khi chính sách của ông Donald Trump không mấy thân thiện với tự do thương mại. EVFTA cũng đã kết thúc đàm phàn nhưng gặp khó khăn hơn với Brexit từ Anh và "đòi ly khai" tại Italia.

Kỉ lục 110.000 doanh nghiệp đăng kí mới

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết số doanh nghiệp đăng ký thành lập cả năm 2016 đã đạt kỷ lục cao chưa từng có.

Tính đến ngày 20/12, đã có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1%.

Năm 2016 cũng đánh dấu một năm khởi nghiệp sôi động. Cùng với đó, Việt Nam cũng tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh trong năm nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Tuy vậy, về năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam lại tụt xuống xếp vị trí 60/138 nền kinh tế được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá, so với vị trí 56/140 năm 2015.

Lần đầu tiên đón 10 triệu lượt khách du lịch

Tính chung cả năm 2016, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt hơn 10 triệu lượt người, tăng 26% so với năm trước (tăng hơn 2 triệu lượt khách). Đây là kỉ lục của ngành du lịch Việt Nam cả về lượng khách và mức tăng tuyệt đối trong một năm.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cho biết phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa. Đạt tổng doanh thu toàn ngành là 400.000 tỷ đồng.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.