Nikkei: Việt Nam trở thành 'công xưởng khẩu trang' của thế giới nhờ Covid-19

Việt Nam đang khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc chuyển sang tập trung sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang để bù đắp cho mức sụt giảm trong xuất khẩu hàng dệt may cũng như trong vốn đầu tư nước ngoài vào chuỗi cung ứng trong nước.

Chiếc máy khâu phải chững lại

Nikkei Asian Review đưa tin, trong nhiều năm qua, các công ty sản xuất quần áo và giày dép nước ngoài đã từ từ chuyển dây chuyền sang Việt Nam để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng như để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại của nước ta.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 lại kìm hãm xu hướng trên. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cơ quan đại diện khoảng 450 công ty dệt may tại Việt Nam, gọi đại dịch là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Tính từ đầu năm đến ngày 20/8, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giảm 13,7% so với cùng kì năm ngoái. Trong nhiều năm qua, vốn FDI vào Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng, chỉ trong năm 2019 tăng 7% so với một năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, sau khi đơn hàng từ Mỹ và châu Âu cạn kiệt, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng giảm 11,6% trong giai đoạn 8 tháng đầu năm nay.

Sau Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới. Theo Nikkei, dệt may là lĩnh vực đã giúp Việt nam thoát khỏi đói nghèo và trở thành một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 32,6 tỉ USD hàng may mặc và dệt may dưới nhiều thương hiệu như Walmart và Adidas.

Chia sẻ với Nikkei, thương hiệu thời trang nhanh H&M của Thụy Điển cho hay: "Mùa xuân năm nay, nhu cầu hàng may mặt trên toàn cầu đi xuống, tác động lớn đến số lượng đơn hàng của chúng tôi với các nhà cung cấp ở tất cả các thị trường đối tác của công ty, bao gồm Việt Nam".

Hôm 14/9, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS, cho biết: "Chưa bao giờ ngành dệt may chịu áp lực và thay đổi kế hoạch nhanh chóng mặt như hiện nay".

"Lần đầu tiên trong lịch sử, dệt may phải chịu áp lực với dịch bệnh, thị trường diễn biến phúc tạp, hàng loạt mặt hàng truyền thống như veston, sơ mi cao cấp giảm rất mạnh, thậm chí giảm 70 - 80% so với kế hoạch đặt ra", ông Giang nói tiếp.

Khi máy khâu không chỉ may quần áo

Để tồn tại trong cuộc khủng hoảng Covid-19, Bộ Công thương cho biết Việt Nam phải "trở thành công xưởng sản xuất khẩu trang của thế giới".

Khi các thị trường nước ngoài giảm bớt nhu cầu với quần áo, một số nhà máy chuyển sang mục tiêu khác. Theo Bộ Công thương, ít nhất 50 công ty dệt may Việt Nam đang sản xuất khẩu trang y tế hoặc lên kế hoạch tương tự.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG - một trong các công ty lớn nhất ngành dệt may Việt Nam, thường cung ứng hàng cho nhiều đối tác nước ngoài như Levi's, Tesco và Decathlon. Tuy nhiên, kể từ mùa xuân năm nay, TNG đã xuất khẩu hàng triệu chiếc khẩu trang.

Ông Frank Weiand, cố vấn về nội địa hóa chuỗi cung ứng tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Hà Nội cho biết: "Rất nhiều công ty dệt may chuyển sang sản xuất khẩu trang, ít nhiều đều đã thành công".

Dù khẩu trang chỉ là mặt hàng có giá trị nhỏ, Chủ tịch VITAS cho biết sản phẩm này lại có tiềm năng xuất khẩu lớn vì chúng đang trở thành mặt hàng bắt buộc và phổ biến trên toàn thế giới.

Các hãng dệt may Việt Nam đang đặt cược vào sản xuất khẩu trang với giả định là nhu cầu khẩu trang trên toàn cầu sẽ duy trì ổn định vì việc chấm dứt đại dịch Covid-19 sẽ mất nhiều thời gian.

Ông Vũ Đức Giang cho hay, một cách khác mà các công ty Việt Nam có thể thích ứng trong môi trường mới là áp dụng công nghệ mới, chẳng hạn như hợp tác với đối tác thông qua phương tiện kĩ thuật số.

Ví dụ, các công ty dệt may Việt Nam đã lần đầu tiên thực hiện toàn bộ giao dịch kinh doanh thông qua WeChat, từ giới thiệu sản phẩm đến đàm phán giá cả.

Hai chiến lược tăng tốc và cơ hội cho Việt Nam

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay, là một trong số ít các nước mà ADB cho là sẽ ghi nhận tăng trưởng. Tuy nhiên, dự báo này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7% mà Việt Nam đạt được trong năm 2019.

Nikkei: Dệt may Việt Nam chuyển mình thành 'công xưởng sản xuất khẩu trang của thế giới'  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP).

Hiện tại, Việt Nam đang tìm cách để thoát khỏi khủng hoảng và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô của Trung Quốc.

VITAS ước tính khoảng 60% nguyên liệu của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội phải nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. VITAS mong muốn giảm tỉ lệ này xuống còn 30% bằng cách phát triển chuỗi cung ứng trong nước.

Một trong các chiến lược của VITAS là cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài, khuyên họ đầu tư vào toàn bộ qui trình sản xuất chứ không chỉ may gia công.

Chiến lược thứ hai là vận động các công ty dệt may làm sạch qui trình sản xuất, chẳng hạn như xử lí nước bị nhiễm bẩn thuốc nhuộm, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư kí VITAS cho biết.

Bà Mai nói, một qui trình sản xuất sạch hơn sẽ cho phép các nhà sản xuất hiện đại hơn đến xây dựng nhà máy trong các khu công nghiệp địa phương.

Doanh nghiệp và giới phân tích cho rằng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng nếu nước ta có một chuỗi cung ứng lớn và tiên tiến hơn. Hiện tại, chuỗi cung ứng của chúng ta vẫn còn khá nhỏ so với của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi các công ty dệt may quốc tế tìm lại được "khẩu vị" đầu tư, họ sẽ tiếp tục rời khỏi Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc để tiết kiệm chi phí, ông Vũ Đức Giang của VITAS nhấn mạnh.

Ông Giang đề cập đến mức lương tối thiểu gần 140 USD/tháng (tương đương hơn 3,2 triệu đồng/tháng) của Việt Nam. Chủ tịch VITAS cho đây là lợi thế của Việt Nam trước Trung Quốc khi mà con số này chưa bằng một nửa mức lương tối thiểu tại đất nước tỉ dân.

Việt Nam cũng có nhiều thỏa thuận thương mại nhất khu vực Đông Nam Á, bao gồm hiệp định TPP và EVFTA.

H&M cho hay họ phải thay đổi "linh hoạt vì sự bất ổn" trong đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn là một đối tác "quan trọng" trong kế hoạch dài hạn của công ty.

Ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 khiến các công ty toàn cầu nhận ra rằng họ phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bao gồm cả phương án dịch chuyển sang Việt Nam.

"Ngay cả khi không có đại dịch, doanh nghiệp nước ngoài vẫn sẽ muốn phân tán chuỗi cung ứng", ông Giang chia sẻ. "Tuy nhiên, nhờ đại dịch mà các công ty này phải đối mặt với áp lực dịch chuyển nhanh hơn".

"Trên thực tế, sự dịch chuyển này đã xảy ra. Không chỉ dừng lại ở các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Trung Quốc mà sự dịch chuyển này còn đến từ các nước như Italy, Đức và thậm chí là của nước Nga xa xôi, điều mà những người làm trong ngành trước đây không hề nghĩ tới", ông Giang nói thêm.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch Covid-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

chọn
Hàng nghìn bị hại đổ về phiên tòa vụ Tân Hoàng Minh
8h20, hơn 1.000 bị hại đã được bố trí ngồi tại ba khu vực song hàng trăm người vẫn tiếp tục đến điểm danh tại 8 bàn đón tiếp trong phiên xét xử vụ án Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu khống.