Nỗi bất an lúc trời chuyển mưa!

Nỗi lo lắng Sài Gòn “thất thủ” khi bầu trời chuyển mưa đang xuất hiện trong suy nghĩ mọi người, dù chính quyền thành phố đã chi “đậm” cho các dự án chống ngập nhưng “ngập càng ngập hơn”.
noi bat an luc troi chuyen mua
Trời kéo cơn chuyển mưa đang là nỗi bất an của người dân thành phố sau 3 ngày liên tiếp phải "bơi" trên phố.

Ba ngày mưa liên tiếp, 59 tuyến đường của TP HCM đã ngập sâu làm giao thông rối loạn, hàng chục nghìn nhà dân, cửa hàng, bãi xe… bị nước tràn vào; nhiều chuyến bay phải chuyển hướng do bãi đỗ ngập nặng... cuộc sống của hàng triệu người ở đô thị lớn nhất nước một phen điêu đứng.

Những con số biết nói

noi bat an luc troi chuyen mua
Những công trình chống ngập của thành phố đang có vấn đề - Ảnh: Văn Dũng

Theo Quyết định 752 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thế hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020 đối với tuyến cống cấp cao nhất đạt trên 95 mm trong 3 giờ, triều cường trên 1,3 m.

Từ năm 2008, TP đã đầu tư gần 29.000 tỷ đồng để chống ngập. Hàng loạt các công trình trọng điểm như hệ thống cống ngăn triều tại Bến Nghé, Phú Định, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Xuân, Tân Xuân… được thiết lập; xây mới và cải tạo hơn 3.100 km trên 6.000 km hệ thống thoát nước; song song đó là việc cải tạo và nạo vét hệ thống các kênh rạch.

Ít nhiều các dự án đã phát huy tác dụng trong mức thiết kế, làm giảm ngập đáng kể. Cụ thể hơn, năm 2007 - 2008 là đỉnh điểm ngập lụt, số điểm ngập lên đến 150 vì khả năng thoát nước chỉ chịu được vũ lượng 40mm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây biến đổi khí hậu khiến lượng mưa ngày càng lớn và đỉnh triều trên sông ngày càng cao. Các cơn mưa có vũ lượng trên 100 mm xuất hiện ngày càng nhiều (mỗi năm 3 lần) và triều cường năm sau luôn cao hơn năm trước với đỉnh triều hiện khoảng 1,68 m so với 10 năm trước đây chỉ là 1,5 m.

Ngoài ra, địa hình thấp (41% diện tích có cao độ dưới một mét) và hệ thống kênh rạch chằng chịt (hơn 3.000 tuyến dài hơn 5.000 km) cũng góp phần làm cho TP HCM ngập nặng hơn những nơi khác.

Trong trận mưa chiều 26/9, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, lượng mưa lớn nhất xuất hiện tại các quận trung tâm TP HCM. Với vũ lượng chuẩn xác là hơn 179 mm, đây là cơn mưa lớn nhất tính từ năm 1975 đến nay. Nên TPHCM ngập nặng là điều có thể lý giải được.

Trước những con số cho thấy TP HCM đang nỗ lực chống ngập nhưng cũng không thể không nhắc đến việc quản lý còn bất cập dẫn đến quy hoạch thiếu đồng bộ khi tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Nhiều con kênh được lấp đầy để làm cao tốc, những túi nước được phủ kín để xây nhà. Điển hình như trong quá trình xây dựng tại quận 7, chúng ta mải miết đô thị hóa mà không tính đến phương án thoát nước cho cả thành phố nên hậu quả là những cung đường ngập lụt liên tiếp xuất hiện trong những năm qua.

noi bat an luc troi chuyen mua
Đã có hàng chục nghìn tỷ đồng chi cho việc chống ngập nhưng phố vẫn thành sông khi có mưa - Ảnh Văn Dũng.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chánh rườm rà làm các doanh nghiệp trúng thầu không thể xúc tiến nhanh quá trình chống ngập. Nhiều dự án đã được triển khai nhằm xóa các điểm ngập còn lại (giai đoạn 2016-2020) như: Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, Cải tạo rạch Ông Búp, Kênh tiêu Liên Xã... Hoặc thi công chậm như: Xa lộ Hà Nội (chân cầu Rạch Chiếc), Nguyễn Văn Quá (quận 12)... gần như vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Nói về việc thành phố bỏ ra rất hàng chục nghìn tỷ đồng để chống ngập nhưng kết quả chưa được như mong đợi, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc chống ngập thời gian vừa qua có một điều cần rút kinh nghiệm, đó là sự đồng bộ trong các giải pháp. Ông Phong khẳng định thời gian qua thành phố thấy việc quản lý các công trình thoát nước cũng còn có vấn đề.

Lỗi tại cơn mưa!

noi bat an luc troi chuyen mua
Những cơn mưa lớn vừa qua làm cho Sài Gòn "thất thủ"? - Ảnh Duy Phong.

Sài thành trở thành sông, người ta chới với giữa dòng nước, người ta chèo thuyền trên phố, y tá bắt được lươn trong bệnh viện và người dân bức xúc khi nước ngập. Nhưng lỗi liệu có phải nằm tất cả ở cấp lãnh đạo thành phố, những người hoạch định chính sách, chiến lược và quản lý đô thị?

Thưa có, nhưng không là tất cả vì chúng ta vẫn lấy bạt phủ miệng cống để mùi hôi không bốc vào nhà, vào quán; chúng ta vẫn để rác trên các nắp cống hay vô tư vứt rác cạnh nắp cống. Để rồi khi mưa xuống, những tấm bạt, bao nylon, rác thải… trở thành vật cản đường thoát của nước.

Thành phố nhiều lần quyết liệt về xử phạt hành vi “Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường”. Tuy nhiên trên thực tế, hầu như rất ít người bị phạt do không bắt được quả tang vì lực lượng hữu trách còn mỏng và không chú trọng bắt phạt việc “cỏn con” này.

noi bat an luc troi chuyen mua
Mương A41 thoát nước cho sân bay đầy rác.

Đó là chưa kể tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch còn phổ biến nhưng việc xử lý quá chậm dù chính quyền thành phố đã chỉ đạo xử lý nhiều lần. Trong chuyến khảo sát các tuyến kênh thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất mới đây của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, đoàn đã ghi nhận hàng loạt công trình nhà dân xây lấn chiếm bờ kênh. Dưới lòng kênh cũng có lượng lớn rác thải và vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, chắn ngang dòng chảy, bít kín cửa thoát nước khiến nước tù đọng, bốc mùi khó chịu.

Chúng ta, dù là những người Sài thành chính danh hay những người nhập cư đang được thành phố này cưu mang và luôn tự hào khi nói về chỗ ở hiện tại của mình với hai từ thân thương “Sài Gòn”. Nhưng chúng ta chưa thực sự yêu mảnh đất này - nơi mà mọi người luôn được chào đón và nhận được rất nhiều cơ hội để đổi đời, thăng tiến hay chí ít là đủ khả năng nuôi sống gia đình mình - khi vẫn đang đối xử tệ bằng cách vứt rác bừa bãi, lấn chiếm kênh rạch.

noi bat an luc troi chuyen mua
Khi đi thị sát mương A41 là một trong những tuyến thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất thuộc địa bàn quận Tân Bình ông Phong đã yêu cầu trước khi chờ dự án thoát nước được triển khai và đi vào hoạt động thì phải thực hiện những biện pháp trước mắt như gia cố hai bờ, đào sâu mương để cải thiện việc thoát nước.

Khảo sát thực tế tại các xóm dừa, xóm bắp ở Q.8 nằm sát Kênh Tẻ, Kênh Đôi. Chỉ sau một thời gian dòng kênh huyết mạch thoát nước đã bị san lấp bởi vỏ dừa, vỏ bắp. Như vậy sao mà không ngập!

Chống ngập là câu chuyện vĩ mô nhưng mỗi công dân vẫn có thể góp tay bằng thái độ và ý thức để “tất cả các dòng kênh đều chảy”.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/7 - 26/7): Hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang, chính thức mở rộng TP Nam Định
Chính thức mở rộng TP Nam Định; thông tin mới về dự án khép kín đường Vành đai 3 Hà Nội qua huyện Đông Anh; hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang; duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Cam Ranh... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.