Trưa tháng 5, một cô nữ sinh dáng dong dỏng, gương mặt trắng trẻo, mái tóc ngang vai ngập ngừng bước vào trung tâm tư vấn tâm lý ở quận Ba Đình, Hà Nội. Sau vài phút e dè, em òa khóc rồi kể mình tên Giang, đang học lớp 11. Mấy tháng nay em luôn chán nản, mệt mỏi vì áp lực học tập, không biết chia sẻ với ai vì cảm thấy cô đơn trong gia đình nên phải tìm tới đây.
Giang cho biết, bố em là giám đốc một tập đoàn bất động sản lớn ở Hà Nội, mẹ làm quản lý trong công tư vấn tài chính. Giang tự nhận mình có lực học bình thường nhưng bố mẹ luôn kỳ vọng em sẽ giỏi giang. Lên cấp 3, được phụ huynh xin cho vào một trường có tiếng, Giang choáng ngợp khi thấy bạn cùng lớp đều học rất giỏi. Cô bé càng thu mình khi nghe một số bạn nói sau lưng rằng hẳn em được bố mẹ "mua điểm" chứ làm sao đủ sức vào trường. Khi thấy Giang kết bạn với vài thành viên giỏi, một nhóm bạn còn rêu rao "chắc nó dùng tiền mua quan hệ".
Thấy vậy, Giang cố gắng học nhưng kết quả vẫn không cải thiện. Em thất vọng về bản thân và tâm sự với bố mẹ thì nhận lời khuyên: "Bố mẹ thấy do con chưa cố gắng hết khả năng. Con phải cố lên". Nghe Giang kể chuyện ở lớp cô giáo tạo áp lực yêu cầu em lần sau phải đạt 9,10 vì điểm 6 lần này đã kéo tụt thành tích của lớp, thì phụ huynh bảo: "Cô nói đúng rồi. Con cố lên chứ căng thẳng ích gì".
Xen giữa những tiếng nấc, Giang thổ lộ, bố mẹ em rất bận, cả nhà hầu như ít khi ngồi ăn cùng. Thường bố hoặc mẹ bận tiếp khách tới khuya hay đi công tác cả tuần. Thi thoảng gặp nhau, câu Giang hay nghe được nhất là "Con học hành thế nào rồi?", "Con phải cố gắng lên".
Thấy tâm lý Giang thực sự suy sụp, cần được sự hỗ trợ từ gia đình, các chuyên gia đã gọi phụ huynh của em tới nhưng lại một lần nữa bất ngờ về phản ứng của bố em: Thấy con gái mắt đỏ hoe ở phòng tư vấn, ông bố trong bộ comple lịch lãm, lắc đầu: "Bố đã dạy con bao nhiêu lần là phải đơn giản hóa mọi việc đi. Bố mẹ gặp bao vấn đề khó khăn nhưng vẫn tự giải quyết hết".
Cảm thấy mình luôn kém cỏi trong mắt cha mẹ giỏi giang là một áp lực lớn với trẻ. Ảnh: H.T. |
"Thật buồn là người bố ấy đã đưa con về ngay mà không hề lắng nghe tư vấn. Thực tế, bố mẹ giỏi giang dường như rất khó chấp nhận con mình không được như kỳ vọng hoặc có vấn đề tâm lý", thạc sĩ Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội) bày tỏ.
Bà Nga cho biết, như trường hợp Giang, bố mẹ em vẫn cho rằng họ đã làm điều tốt nhất cho con khi không hề đòi hỏi trẻ phải xuất sắc, luôn động viên con cố gắng. "Thực tế, câu nói 'con phải cố gắng lên' vô tình lại thể hiện rằng "con như thế là chưa được, con chưa cố gắng hết sức", nhà tâm lý bày tỏ.
Ngoài ra, vì bận rộn công việc, nhiều cha mẹ là lãnh đạo lại ít trò chuyện tâm tình với con mà chỉ đưa ra lời khuyên, chỉ đạo như khi ứng xử với nhân viên cấp dưới. Khi con chia sẻ về áp lực tại trường học, phụ huynh ít khi tìm hiểu xem con gặp khó khăn ở đâu, con mong muốn như thế nào mà sẽ ào ào đưa ra các phán quyết như lúc làm sếp ở cơ quan: "Con học kém môn này chứ gì, mẹ sẽ thuê gia sư kèm, tìm cô giỏi cho con học thêm...". Như Giang chia sẻ "Bố mẹ toàn cho thứ con không cần, là các thứ đồ vật chất và những lời khuyên. Cái con cần là thời gian, những cuộc chuyện phiếm, sự lắng nghe, cảm giác thoải mái, tin cậy từ bố mẹ thì không thể có".
Theo nhà tâm lý, khi phải chịu áp lực chồng chất từ cả trường học lẫn gia đình mà không được giải tỏa, hỗ trợ, các vấn đề tâm lý của trẻ sẽ ngày càng trầm trọng. Ở tuổi teen hay đầu tuổi đôi mươi, tâm lý chưa chín chắn, sức chịu đựng kém, trẻ càng dễ thất vọng và chao đảo. Trường hợp của chàng trai trẻ Hoài Nam (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một điển hình.
Sinh ra trong gia đình trí thức, bố mẹ đều là tiến sĩ, người giữ chức vụ cao trong một viện nghiên cứu, người làm giám đốc công ty về xuất bản, Hoài Nam từ nhỏ đã được gia đình định hướng đi du học. Hết cấp 3, Nam được bố mẹ lo cho sang Mỹ học ngành quản trị doanh nghiệp nhưng chỉ được một năm, cậu cảm thấy đuối quá nên đòi về. Khi ở nhà, Nam luôn trong trạng thái căng thẳng. Em khóa cửa phòng, suốt ngày chỉ nằm dài đọc truyện tranh, không muốn gặp ai.
Khi phát hiện Nam có ý định tự sát, người nhà mới đưa em đến trung tâm tư vấn tâm lý. Nam kể, em luôn cảm thấy ngột ngạt trong căn biệt thự của gia đình ở phía đông Hà Nội. Em rất sợ mẹ. "Mẹ cực giỏi và soi rất kỹ, hay bắt bẻ người khác. Mẹ là giám đốc và không chỉ có uy ở công ty mà khiến mọi người ở nhà cũng khiếp vía", Nam kể.
Chàng thanh niên 20 tuổi cho biết, mỗi lần mình viết luận chuẩn bị nộp, nghe câu "đưa mẹ xem nào" là em sợ cứng người vì biết thể nào cũng bị chỉ ra đống lỗi sai và phải thức thâu đêm viết lại cho đúng ý mẹ. "Trước mẹ, em luôn cảm thấy mình là đứa vô cùng kém cỏi, vô tích sự", Nam thổ lộ.
Bà Linh Nga cho biết, một đặc điểm chung của những trẻ bị áp lực khi bố mẹ giỏi giang, thành đạt là các em đều yêu sớm và yêu nhiều người. "Có lẽ, khi gia đình không còn là nơi ấm áp, tin cậy, trẻ thường muốn tìm kiếm một điểm tựa về tình cảm bên ngoài. Điều đáng nói là, đa phần các em hay rơi vào quan hệ với những người không đàng hoàng. Các em vui thích khi có người rủ bỏ học đi chơi và thấy mình không cần phải cố gắng học thật giỏi mới được yêu và khen ngợi", nhà tâm lý chia sẻ.
Nhà tâm lý cho rằng, bố mẹ yêu con, mong con học tốt để có tương lai rộng mở là đúng nhưng cần xem phương pháp hướng dẫn con thế nào, và quan trọng nhất là phải biết lắng nghe và chấp nhận những gì con có. "Nếu sức bạn chỉ vác được 50kg nhưng bị người khác đặt lên vai 80kg thì rõ ràng bị sẽ đuối và dễ gục ngã", chuyên gia phân tích.
XEM THÊM