Tiền ảo của Campuchia sẽ có tên là Entapay và được đề xuất tại một hội nghị về blockchain của các quốc gia Đông Nam Á diễn ra tại thủ đô Phnom Penh ngày 7/3 với sự tham dự của phó thủ tướng Men Sam An.
Theo thông cáo được phát đi trước thềm hội nghị này, Entapay sẽ đóng vai trò là "cầu nối giữa hệ thống thanh toán tiền kỹ thuật số với thế giới thực. Đồng Entapay hứa hẹn sẽ thay thế cả thẻ Visa với vai trò là phương thức thanh toán chính thống mới. Đồng tiền này sẽ giúp Campuchia tận dụng được những lợi thế của cuộc cách mạng blockchain".
Trong thông cáo trên, đồng Entapay được so sánh với đồng tiền số Petro của Venezuela.
"Tiền số quốc gia sẽ giúp đất nước thoát khỏi lệnh trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây, đồng thời là một kênh phát triển kinh tế mới cho những quốc gia đang chìm trong lạm phát trầm trọng", thông cáo trên nói.
Thông cáo này cũng đề cập tới việc sẽ sớm có viện nghiên cứu công nghệ đầu tiên của ASEAN.
Đây không phải lần đầu Campuchia quan tâm đến tiền ảo. Năm ngoái, ngân hàng trung ương nước này đã hợp tác với một công ty Nhật để thử nghiệm công nghệ phân quyền dịch vụ thanh toán.
Trong khi đó, kế hoạch phát hành tiền ảo Petro của Venezuela được Tổng thống Nicolas Maduro công bố lần đầu vào tháng 12 năm ngoái trong bối cảnh lạm phát 4 con số. Ông Maduro cho rằng tiền ảo Petro được hậu thuẫn bằng dầu lửa và sẽ giúp Venezuela vượt qua được tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Chính phủ Venezuela sẽ bắt bán đầu đấu giá đồng tiền kỹ thuật số mới phát hành của nước này tới các công ty tư nhân sau vài tuần nữa, thông qua hệ thống giao dịch ngoại hối có tên Dicom.
Tháng trước, Iran cũng cho biết đang có kế hoạch phát hành một đồng tiền số quốc gia. Cũng giống Venezuela, Iran nằm trong danh sách các nước đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Thời gian gần đây, có nhiều thông tin nói rằng Triều Tiên cũng đang nỗ lực đào tiền ảo và sử dụng loại tiền này để "lách" các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.