'Nói không' với VAT, lí do giải thích vì sao điện thoại xách tay giá rẻ chỉ bằng phân nửa điện thoại chính hãng

Hàng loạt các hệ thống bán lẻ điện thoại xách tay ở Hà Nội đã không thể xuất hóa đơn VAT, hoặc phải xuất hóa đơn thông qua một sản phẩm khác, khiến nhiều người đặt dấu hỏi về nguồn gốc xuất xứ? Những cửa hàng này có đang trốn thuế và thực hiện các hoạt động kinh doanh không đúng quy định?

Điện thoại xách tay có giá rẻ bằng nửa hàng chính hãng

66837681_506720240137568_966498925865336832_n

Những mẫu điện thoại chính hãng thường có giá đắt gấp đôi so với điện thoại xách tay. (Ảnh: Thiên Trường).

Không khó để tìm được một cửa hàng bán điện thoại xách tay tại Hà Nội, từ những hệ thống lớn đến các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ khác.

Các mẫu điện thoại xách tay ở đây chủ yếu thuộc hai thương hiệu lớn là Samsung và iPhone. Tại một cửa hàng điện thoại xách tay lớn, nhân viên khẳng định "muốn lấy số lượng bao nhiêu cũng được, chỉ cần báo trước 2-3 ngày".

Tại chuỗi cửa hàng MSMobile, khi khách bày tỏ muốn mua mẫu iPhone 7 Plus xách tay, nhân viên chắc chắn: "Bao nhiêu cũng có, chỉ 30 phút là giao hàng đến tận nơi".

Đặc biệt, những chiếc điện thoại xách tay này có giá chỉ bằng nửa so với hàng chính hãng. Cụ thể, tại TechOne, một mẫu iPhone 7 Plus bản 256GB xách tay được báo giá là 13.790.000 đồng, trong khi tại FPT phân phối chính hãng có giá lên tới 23.999.000 đồng, tức cao hơn 40%.

Tại Đức Huy Mobile, Galaxy Note 9 phiên bản Exynos hàng xách tay mới 100% có giá khoảng 13.000.000 đồng, trong khi cùng một phiên bản, tại Thế Giới Di Động đang bán với mức giá chính hãng là 19.990.000 đồng, tức cao hơn 35%.

Điện thoại xách tay có giá rẻ bằng nửa hàng chính hãng. (Ảnh chụp màn hình).

Những mẫu điện thoại xách tay chủ yếu là các flagship có tuổi đời từ 1-2 năm, đến từ các thương hiệu nổi tiếng, từ hàng 99% đến 100% với đủ chất lượng, thượng vàng hạ cám.

"Các mẫu xách tay iPhone 7 Plus trở xuống chỉ có hàng 99%, từ iPhone XS trở lên mới có hàng xách tay 100%", nhân viên MSMobile giải thích.

Ngoài ra, chất lượng các mẫu điện thoại xách tay còn được phân loại SS (máy mới 100%, chưa sử dụng), S ( máy mới 99%, pin>93%) loại A (mới 99%, đã qua sử dụng, pin<85%) và B là hàng thanh lí.

Các cửa hàng bán điện thoại xách tay khẳng định mặt hàng này được nhập từ các thị trường Mỹ, Nhật hay Hàn.

Một số mẫu điện thoại mặc dù được bán chính hãng tại Việt Nam như iPhone 6, 6s, 6s Plus, 7 Plus hay Samsung Galaxy S10, S9, Note 9,… nhưng vẫn có "đất sống" trên thị trường xách tay.

Bên cạnh đó, một số mẫu smartphone không được phân phối chính hãng thì cũng có thể xuất hiện tại Việt Nam qua đường "xách tay", như chiếc Sony Xperia 1 mới đây của nhà sản xuất đến từ Nhật Bản.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các thiết bị này lại rẻ như thế? Và những cửa hàng bán điện thoại xách tay lấy lãi ở đâu với những chiếc điện thoại chỉ có giá bằng phân nửa giá thị trường?

Cửa hàng bán điện thoại xách tay "nói không" với hóa đơn VAT

67779059_374973509888622_1965030374954237952_n

Trong khi hàng chính hãng luôn có hóa đơn VAT thì các cửa hàng bán điện thoại xách tay "nói không" với việc này. (Ảnh: Thiên Trường).

Khi được yêu cầu xuất hóa đơn đỏ cho các mẫu máy xách tay tại các cửa hàng, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu từ nhân viên.

"Không thể xuất hóa đơn đỏ với iPhone xách tay", nhân viên cửa hàng khẳng định.

"Bên em đều là hàng xách tay, và không thể xuất được hóa đơn VAT với mặt hàng này", nhân viên một cửa hàng bán điện thoại xách tay khách cho biết.

44857077_333197717456692_2149126309781962752_n

Không có hóa đơn VAT, những cửa hàng này chỉ có thể cung cấp một "hóa đơn" có đánh dấu là "đã thanh toán".

Tại Đức Huy Mobile, người bán khẳng định luôn là không thể xuất hóa đơn đỏ, dù bất cứ giá nào.

Nếu muốn lấy hóa đơn VAT, tại MSMobile, nhân viên cho biết khách hàng phải trả thêm 10% giá trị hàng hóa và sẽ được xuất cho một mẫu điện thoại chính hãng khác, có giá tương đương.

Cụ thể, khi hỏi mua iPhone 7 Plus, bản 32GB xách tay có giá khoảng 8.000.000 đồng và yêu cầu phải có hóa đơn đỏ, MSMobile nói rằng sẽ xuất hóa đơn sang một máy điện thoại khác như Samsung hay Xiaomi.Tại TechOne, nhân viên cho biết mức giá để có hóa đơn VAT của các mẫu điện thoại xách tay là 5%, cả máy cũ hay mới. Theo nguồn tin của chúng tôi, tại TechOne, nếu khách hàng muốn xuất hóa đơn thì sẽ được thay thế bằng tên các dòng máy của Samsung hay Oppo chính hãng.

Cũng theo nguồn tin này, những mẫu điện thoại xách tay khi được bán sẽ không đưa vào sổ sách kế toán, "tất cả những gì đưa vào kế toán đều phải là hàng hóa công ty, chính hãng", người này khẳng định.

Nghi vấn trốn thuế, buôn lậu?

xách tay-crop

Những chiếc điện thoại được bán theo lô, không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: Thiên Trường).

Luật gia Đồng Xuân Thuận cho rằng: "Với căn cứ trên có thể đặt ra những nghi vấn về dấu hiệu trốn thuế của các cửa hàng bán điện thoại xách tay".

Theo ông Thuận, ngoại trừ những hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn, thì hàng hóa theo quy định phải có hóa đơn chứng từ".

Ngoài ra, việc không xuất được hóa đơn VAT khiến nguồn gốc của những chiếc điện thoại được kinh doanh tại các cửa hàng này càng trở nên mập mờ, khó đoán.

Chiếu theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hàng hóa nhập lậu bao gồm: "Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn".

Screenshot (41)

Mặc dù có thông báo đăng kí Bộ công thương, nhưng người dùng không thể thao tác được với đường dẫn này.

Mặt khác, theo văn bản hợp nhất số 09-VBHN-BCT Nghị định mua bán đại lí gia công quá cảnh hàng hóa quốc tế 2017 quy định về Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, thì "Hàng hóa là sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng…" thuộc danh mục này.

Do đó có thể thấy, mặc dù pháp luật Việt Nam nghiêm cấm các hành vi nhập khẩu, buôn bán mặt hàng điện tử đã qua sử dụng, tuy nhiên những cửa hàng trên vẫn rao bán điện thoại xách tay, qua sử dụng trên website, mạng xã hội hay cửa hàng vật lí.

Khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, định nghĩa về website thương mại điện tử như sau:

"Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng". 

Tuy nhiên, trên website chính thức của các cửa hàng bán điện thoại xách tay mặc dù hiện thông báo "đã đăng ký Bộ Công Thương", nhưng không thể click vào thông báo này.

Hành vi trốn thuế, gian lận thuế sẽ bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ vào Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Thông tư 166/2013/TT-BTC thì mức phạt của hành vi trốn thuế, gian lận thuế sẽ bị xử phạt như sau:

  • 1. Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu, hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
  • b) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ; hóa đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

  • 2. Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này, trong các trường hợp: vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ.

  • 3. Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này, trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ.

  • 4. Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.

  • 5. Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi.

  • Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế bị xử phạt quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước.