Điện thoại Pixel của Google, máy tính xách tay Surface của Microsoft sẽ sản xuất tại Việt Nam trong năm nay

Google và Microsoft đang đẩy nhanh tốc độ chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, do dịch bệnh virus corona bùng phát.

Nhật báo Nikkei Asian Review cho hay, Google và Microsoft đang nỗ lực tăng tốc chuyển nhà máy sản xuất điện thoại, máy tính xách tay từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á gần đó, trong bối cảnh dịch bệnh virus corona ngày càng diễn biến trầm trọng. 

Dự kiến Việt Nam và Thái Lan là các quốc gia mà hai gã khổng lồ công nghệ nhắm đến.

Google và Microsoft chạy khỏi Trung Quốc, sang Việt Nam sản xuất điện thoại, máy tính

Theo nguồn tin của Nikkei, Google đang chuẩn bị khởi động dây chuyền sản xuất mẫu điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất của mình, Pixel 4A, tại các nhà máy đối tác ở miền Bắc Việt Nam, ngay đầu tháng Tư này.

Trong nửa cuối năm 2020, chiếc điện thoại đầu bảng của Google là Pixel 5 cũng sẽ được sản xuất tại một quốc gia Đông Nam Á.

Google đã yêu cầu một đối tác lâu năm tại Thái Lan giúp họ chuẩn bị dây chuyền để sản xuất các thiết bị liên quan đến smart home của mình, bao gồm cả loa thông minh điều khiển bằng giọng nói như Nest Mini. Các sản phẩm đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu giao hàng trong nửa đầu năm 2020. 

Điện thoại Pixel và máy tính xách tay Surface sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong năm nay - Ảnh 1.

Điện thoại Pixel và máy tính xách tay Surface sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong năm nay. (Ảnh: Nikkei).

Google đã bắt đầu nỗ lực để chuyển một số công đoạn sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc vào năm ngoái. Họ đã yêu cầu một trong những đối tác của mình chuyển đổi một nhà máy Nokia cũ ở Bắc Ninh để đưa điện thoại Pixel về đó sản xuất. 

Một nhà máy khác ở Vĩnh Phúc cũng được công ty công nghệ Mỹ cho phép lắp ráp điện thoại thông minh. Hợp tác với nhiều đối tác, Google đã chuyển sản xuất máy chủ trung tâm sang Đài Loan vào năm ngoái, và bắt đầu sản xuất các thiết bị dành cho smart home như bộ định tuyến internet Nest Wifi tại Việt Nam từ cuối năm 2019.

Trong khi đó, Microsoft dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất các dòng Surface của mình, bao gồm cả máy tính xách tay và máy tính để bàn ở miền Bắc Việt Nam trong quý 2 năm nay. 

“Sản lượng ban đầu tại Việt Nam có thể sẽ thấp, nhưng dự kiến sẽ tăng lên theo thời gian. Đây là  hướng đi mà Microsoft muốn”, một giám đốc trong chuỗi cung ứng liên quan đến kế hoạch này nói với phóng viên Nikkei. 

Cả hai công ty công nghệ thiên về phần mềm Google và Microsoft trong những năm gần đây đã tham gia ngày một sâu rộng trong lĩnh vực phần cứng tiêu dùng, như một nỗ lực nhằm giữ chân người dùng trong hệ sinh thái phần mềm và đám mây của họ. 

Hai gã khổng lồ hi vọng chiến lược này sẽ mang lại cho họ lợi thế trong các công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, máy tính thông minh,…

Google là nhà sản xuất loa thông minh đứng thứ 2 thế giới, sau Amazon. Và điện thoại Pixel của họ, mặc dù xếp thứ 6 tại thị trường Mỹ năm ngoái, nhưng đã tăng hơn 50% sản lượng trong các lô hàng trên toàn cầu.

Hiện cả Google và Microsoft đều từ chối bình luận trước thông tin này. 

Các hãng công nghệ khó “thoát Trung”

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhận thấy những rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. 

Dịch bệnh virus corona chỉ thêm phần khẳng định những mối lo lắng này là có cơ sở. 

“Việc dịch bệnh bất ngờ bùng phát chắc chắn sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất điện tử tiếp tục tìm kiếm năng lực sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc”, một Giám đốc chuỗi cung ứng cho biết. “Không ai tránh được những rủi ro này. Nó không chỉ là vấn đề chi phí, mà còn là tính liên tục của dây chuyền sản xuất”.

Điện thoại Pixel và máy tính xách tay Surface sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong năm nay - Ảnh 2.

Hệ sinh thái chuỗi cung ứng phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. (Ảnh: Nikkei).

So với các thương hiệu tập trung vào phần cứng như Apple, HP, hay Dell, các công ty phần mềm như Google và Microsoft có thể nhanh nhẹn hơn trong việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc - trung tâm sản xuất điện tử lớn nhất thế giới. 

“Các tay chơi mới trong lĩnh vực phần cứng có thể sẽ có cảm giác khủng hoảng khi cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung nổ ra”, Giám đốc một chuỗi cung ứng, nói. 

Người này cho biết thêm rằng các công ty sẽ vẫn kiên trì kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, ngay cả khi Washington và Bắc Kinh đã kí kết thoả thuận giai đoạn 1 vào đầu năm nay. 

“Sự bùng phát dịch bệnh sẽ chỉ củng cố thêm quyết tâm rời khỏi Trung Quốc của họ”, người này nói. 

Google thậm chí còn yêu cầu các nhà cung cấp đánh giá tính khả thi và chi phí, để dỡ bỏ một số thiết bị sản xuất và vận chuyển nó từ Trung Quốc sang Việt Nam, thông qua đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không. Trong bối cảnh dịch bệnh khiến các nhà cung cấp linh kiện không thể quay trở lại làm việc, sản xuất như bình thường, một nguồn tin cho biết.

Microsoft và Google lại có ít lo lắng hơn so với các đối thủ phần cứng nặng kí như Apple, khi nói về việc đa dạng hoá sản xuất để giảm rủi ro. 

So với Apple, hãng bán gần 200 triệu chiếc iPhone mỗi năm, Google chỉ xuất xưởng 7 triệu chiếc vào năm 2019, theo dữ liệu của IDC. Toàn bộ dòng Surface của Microsoft đã xuất xưởng 6 triệu chiếc trên toàn cầu trong năm ngoái, ít hơn nhiều so với 17 triệu PC của Apple.

Điện thoại Pixel và máy tính xách tay Surface sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong năm nay - Ảnh 3.

Ngay đến Samsung cũng chưa thể "thoát Trung" mặc dù đã sản xuất điện thoại tại Việt Nam trong nhiều năm liền. (Ảnh: IT News).

Trong khi các nhà cung cấp linh kiện tại Trung Quốc đang nỗ lực để tiếp tục sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh gây chết người bùng phát, các nỗ lực đa dạng hoá sản xuất của Google và Microsoft cũng vấp phải những rào cản nhất định, vì nhiều bộ phận và vật liệu cần thiết vẫn được cung ứng chủ yếu tại nước này.

“Thật hợp lí khi các công ty công nghệ như Google muốn thoát khỏi sự phụ thuộc và Trung Quốc trong bối cảnh sản xuất bị đe doạ vì virus corona, và cuộc chiến thương mại vẫn chưa rõ hồi kết. Tuy nhiên ngay cả khi khâu lắp ráp cuối cùng nằm ngoài Trung Quốc, thì các nhà cung cấp linh kiện vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc. Đó là vẫn đề của hệ sinh thái chuỗi cung ứng, và các công ty cần có thời gian để xây dựng lại”, Yoey Yen, nhà phân tích công nghệ tại IDC, nói.

Hồi đầu tháng 2, Việt Nam đã cách li công dân Trung Quốc và những người trở về từ Trung Quốc chưa qua 14 ngày, để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. TP Hà Nội cũng đã ngừng các chuyến bay chở khách đến và đi từ Trung Quốc, tạm dừng các chuyến tàu giữa hai nước. 

Điều này đã đặt ra những thách thức không nhỏ để các công ty công nghệ vận chuyển các linh kiện, thiết bị sản xuất đến Việt Nam. 

Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã vận hành chuỗi cung ứng điện thoại thông minh ở Việt Nam trong nhiều năm, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào một số linh kiện sản xuất tại Trung Quốc. 

Công ty Hàn Quốc thậm chí lên kế hoạch thuê máy bay để vận chuyển linh kiện điện tử từ Trung Quốc sang Việt Nam, để tiếp tục sản xuất, sau khi cửa khẩu biên giới giữa hai nước tạm ngừng thông quan vì dịch bệnh.