Thị trường điện tử ở Quảng Châu - Trung Quốc thu hút người mua điện thoại thông minh từ châu Phi và các nơi khác. (Ảnh: Yu Nakamura)
Các phóng viên của tờ Nikkei Asian Review đã đến Trung Quốc, địa điểm mà những chiếc điện thoại cũ, đã qua sử dụng từ khắp nơi trên thế giới đổ về, để tìm hiểu về một lĩnh vực kinh doanh được cho là "hốt bạc" trong thời gian vừa qua: Kinh doanh điện thoại xách tay.
Vào một buổi sáng, tại một trung tâm thương mại của thủ phủ Quảng Châu, bày bán tràn ngập các mẫu điện thoại di động đã qua sử dụng từ nhiều quốc gia khác nhau.
Một thương gia đến từ châu Phi đang bận rộn kiểm tra và lựa chọn rất nhiều mẫu di động. "Điện thoại xách tay đến từ Nhật Bản rất phổ biến và được ưa chuộng ở đây", một nhân viên bán hàng cho hay.
"Các mẫu điện thoại xách tay Nhật Bản được nhiều người lựa chọn, vì chất lượng máy vẫn còn rất tốt, thậm chí có mẫu máy chưa bị một vết xước nào trong quá trình sử dụng, mà giá chỉ bằng 1/3 so với máy mới", một người mua hàng chia sẻ.
Gần 140 triệu điện thoại tân trang đã được bán ra trên toàn thế giới vào năm 2018, bằng gần 10% thiết bị mới được bán ra, theo số liệu của một công ty nghiên cứu tại Hong Kong.
Những chiếc iPhone đời mới, bán chạy nhất, cũng có giá chính hãng trên 1.000 USD. Thế nhưng ở những thị trường xách tay như thế này, giá của chúng chỉ dao động ở mức từ 265 USD đến 440 USD, với một số lượng lớn. "Tôi đã mua khoảng 100 chiếc điện thoại như vậy trong ngày hôm nay", một lái buôn đến từ Burkina Faso nói.
Trong khi Trung Quốc là "thiên đường" để mua bán điện thoại đã qua sử dụng thì Nhật Bản lại là thị trường cung cấp nguồn hàng chủ yếu.
Dòng iPhone phổ biến tại một cửa hàng bán điện thoại đã qua sử dụng ở Nhật Bản. (Ảnh: Shuhei Ochiai).
Theo ước tính của Viện nghiên cứu MM, có khoảng 1,8 triệu chiếc điện thoại cũ đã qua sử dụng được bán lại ở thị trường Nhật Bản trong năm 2017, tương đương 5% lượng điện thoại mới bán ra.
Trong khi đó, theo LocoBee, số lượng điện thoại cũ không sử dụng, được người Nhật Bản cất giữ ở nhà, là hơn 67 triệu chiếc, một con số khổng lồ.
Việc mua một chiếc điện thoại mới ở Nhật Bản khá dễ dàng. Cứ đến mùa điện thoại mới ra mắt, các công ty viễn thông ở Nhật Bản lại chào mời khách hàng đổi điện thoại cũ sang mới, chỉ với chi phí 0 đồng.
Nói là 0 đồng nhưng thực chất tiền mua điện thoại sẽ được cộng vào tiền cước hàng tháng. Tuy nhiên, với việc mới đây, các nhà mạng lớn tại nước này đồng loạt cắt giảm tới 40% giá cước, thì việc "thay điện thoại như thay áo" không phải là hiếm gặp ở Nhật Bản.
Tuy là nơi cung cấp nguồn hàng điện thoại xách tay chủ yếu, nhưng do những yếu tố về thói quen tiêu dùng, văn hóa, Nhật Bản không phải là nơi tiêu thụ những mặt hàng này.
Những chiếc điện thoại cũ được thải ra ở Nhật sẽ theo nhiều con đường, được vận chuyển về Trung Quốc mông má lại, và tỏa đi khắp các nơi trên thế giới.
thị trường Ấn Độ khi đã tăng 14% với hơn 14 triệu thiết bị đã qua sử dụng được bán ra tại đây. (Nguồn: Counterpoint).
Theo nghiên cứu mới nhất từ Tracker Tracker Refurbished của Counterpoint, dự báo thị trường toàn cầu cho điện thoại tân trang, đã qua sử dụng trong năm nay, sẽ tăng trưởng chậm lại 1% so với năm 2018, đạt gần 140 triệu chiếc.
Ngành công nghiệp thứ cấp này tăng trưởng chậm lại, được cho là do doanh số điện thoại thông minh mới giảm 11% tại Trung Quốc, Hoa Kì và Nhật Bản. Sự sụt giảm doanh số thiết bị mới dẫn tới sự suy giảm nguồn hàng cho thị trường xách tay, đã qua sử dụng.
Nhận xét về quy mô tăng trưởng của thị trường điện thoại đã qua sử dụng trong năm nay, Tom Kang, Giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, nhấn mạnh thị trường điện thoại thông minh tân trang đã hạ nhiệt, vì sự chậm lại của việc bán ra các thiết bị mới.
"Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến nguồn hàng bị giữ lại lâu hơn ở các cảng hải quan, điều này đúng với nửa đầu năm nay", vị giám đốc này nhấn mạnh.
Kang nói thêm, có những khu vực vẫn tăng trưởng rất mạnh, đặc biệt là thị trường Ấn Độ, khi đã tăng 14%, tức hơn 14 triệu thiết bị đã qua sử dụng được bán ra tại đây. Một con số ấn tượng vì hệ sinh thái điện thoại đã qua sử dụng ở Ấn Độ vẫn còn non trẻ. Do đó, cho thấy, có tiềm năng rất lớn tại thị trường này.
Counterpoint Research cho biết thêm, để mở rộng việc kinh doanh điện thoại đã qua sử dụng ở các thị trường mới, hệ thống phân loại phải được chuẩn hóa và cải thiện.
Dự kiến, trong tương lai, những mẫu điện thoại đã qua sử dụng sẽ được kiểm tra bằng các công nghệ, như trí tuệ nhân tạo để chấm điểm, dự đoán khả năng tiếp tục sử dụng của thiết bị và tuổi thọ pin.
Ngoài ra, các phần mềm chấm điểm mới cũng sẽ được phát triển để phân loại, nâng cao chất lượng của những mẫu điện thoại xách tay, đã qua sử dụng.
Trong khi đó, cũng theo nghiên cứu này, Apple và Samsung vẫn là hai thương hiệu thống trị thị trường điện thoại cũ với 70% thị phần. Một thương hiệu khác là Huawei, cũng đang nổi lên và ngày một phổ biến tại thị trường Đông Nam Á.
Thị trường điện thoại xách tay sẽ đạt 30 tỉ USD trong vòng một năm nữa. (Nguồn: IDC).
IDC dự báo thị trường điện thoại thông minh đã qua sử dụng sẽ vượt qua con số 30 tỉ USD vào năm 2020. Nếu tính toán của công ty này là chính xác, thị trường điện thoại cũ sẽ tăng từ 140 triệu chiếc trong năm 2018 lên 222 triệu chiếc trong năm 2020.
Báo cáo của IDC cũng chỉ ra rằng điện thoại thông minh đã qua sử dụng sẽ có giá bán trung bình khoảng 136 USD vào năm 2020, thấp hơn 100 USD so với giá bán trung bình trong năm 2019.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường này được giải thích bởi các thương vụ mua đi bán lại trên toàn thế giới đang gia tăng nhanh chóng. Với việc mua bán điện thoại cũ phát triển, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn hơn, thay vì phải chi nhiều tiền để nâng cấp lên những mẫu điện thoại mới nhất.
Mặc dù sự tăng trưởng của thị trường điện thoại thông minh đã qua sử dụng có thể là một thách thức với các nhà sản xuất điện thoại mới, tuy nhiên nó lại thể hiện sự thay đổi tích cực, hướng tới nền kinh tế bền vững, tiết kiệm năng lượng hơn.