Mục tiêu hướng tới là “nới lỏng” một số điều kiện để người mua nhà dễ tiếp cận hơn với loại hình nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù chính sách đã có những đổi mới nhưng cần phù hợp hơn, sát thực tế hơn, nhất là với các đô thị trung tâm. Việc “nới khung" thu nhập đủ điều kiện mua nhà ở xã hội vẫn cần cơ quan chức năng nghiên cứu thêm.
Theo Dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở gồm: trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Nhà ở và vợ hoặc chồng của người đó chưa có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó.
Còn với trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân của những người đăng ký thường trú tại căn nhà đó dưới 15 m2 sàn/người.
Cùng đó, Dự thảo Nghị định này cũng bỏ tiêu chí về điều kiện cư trú – một trong những “rào cản” được người dân phản ánh bấy lâu nay. Như vậy, quy định mới chỉ yêu cầu người có nhu cầu mua nhà xã hội nếu không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này chứ không “chốt” cứng nhắc buộc phải có hộ khẩu thường trú.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong đánh giá, những điểm mới sẽ tạo ra cơ chế tốt, giúp người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội "dễ thở" hơn, không phải tăng các điều kiện tiếp cận. Nếu dự thảo được thực hiện thì sẽ góp phần đẩy nhanh hơn việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, cũng như tạo điều kiện tăng cầu cho phân khúc này.
Cũng bởi vậy, điều kiện về thu nhập là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là người dân. Dự thảo quy định, đối với các đối tượng quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật Nhà ở thì phải đảm bảo điều kiện về thu nhập. Cụ thể là mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu đồng/tháng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận.
Thời hạn xác định điều kiện về thu nhập trong 3 năm trước liền kề năm được xét mua, thuê mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, đối với đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 76 của Luật Nhà ở thì phải thuộc trường hợp hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ.
Trong khi so sánh cho thấy, nếu áp theo quy định hiện hành, người mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng/tháng. Như vậy, dự thảo đã “nới” khung thu nhập bình quân thêm 4 triệu đồng.
Mặc dù vậy vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về khung thu nhập bình quân này. Bởi theo một số chuyên gia, những đô thị đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có mức sống và chi tiêu đắt đỏ thì khung quy định này cần “nới” thêm.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh nhận xét, điều kiện mức thu nhập bình quân hàng tháng không quá 15 triệu đồng/tháng vẫn là mức hơi thấp. Vẫn đề này vẫn cần được xem xét và thay đổi. Để có thể mua được nhà ở xã hội thì phần lớn người dân đều phải vay tiền từ gia đình, người thân vì với mức thu nhập thấp, họ rất khó để có thể vay được tiền từ ngân hàng. Do vậy, điều kiện về mức thu nhập được mở rộng sẽ giúp người mua dễ chứng minh tài chính và khi đó ngân hàng sẽ dễ cho vay hơn.
“Đối với hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, Uỷ ban nhân dân các thành phố này có thể đề ra những phương án khác, tạo cơ chế đặc biệt, từ đó sẽ hỗ trợ được người dân có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở xã hội” – ông Thịnh gợi mở.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, việc nới từ 11 triệu đồng/tháng nên chỉnh lên thành 16 triệu đồng/tháng là hợp lý nhất. Vì xét từ nhu cầu thực tế của người dân, họ còn phải dành tiền cho các khoản sinh hoạt hằng ngày, chăm sóc, nuôi dạy con cái cùng việc trả góp. Với mức giá nhà ở đang tăng mạnh như hiện nay thì mong muốn sở hữu căn nhà ở xã hội với giấc mơ an cư cũng rất khó.
Tuy nhiên, ông Lê Hữu Nghĩa cũng kỳ vọng, việc nới quy định về thu nhập sẽ giúp những người có nhu cầu có cơ hội được mua không phải lo lách quy định; đồng thời cũng giúp mở rộng thêm đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Dự báo, đến năm 2025 - 2030 nguồn cung nhà ở xã hội sẽ được bổ sung với quỹ nhà lên tới hàng triệu căn. Bởi vậy, việc mở rộng điều kiện mua nhà ở xã hội là cần thiết để phù hợp hơn với thực tế; tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có cơ hội sở hữu ngôi nhà của mình.
Khảo sát về nhà ở xã hội của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), trên thực tế, những người có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng chỉ tiết kiệm được 4,7 triệu đồng/tháng cho khoản mua nhà. Trong khi đó, với một căn nhà xã hội giá 1,5 tỷ đồng, đóng trước 20% giá trị (khoảng 300 triệu đồng), vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng trong 20 năm với lãi suất là 8 - 9% như hiện nay thì mỗi tháng người mua phải trả số tiền cả vốn lẫn lãi là 10 triệu đồng.
Như vậy, nếu tính thêm chi phí sinh hoạt, học tập của con cái hay những chi tiêu khác trong gia đình thì người có thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng vẫn khó khăn trong việc mua nhà, đặc biệt là tại các thành phố lớn có mức chi tiêu cao.