Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) đang gây nhiều tranh cãi về điều kiện được đề nghị đặc xá. Các chuyên gia cho rằng quy định này dễ dẫn đến việc phạm nhân sau khi được ra tù sớm thì quên luôn cam kết, mà luật thì không thể bắt họ quay trở lại trại giam.
Bổ sung cho rõ nghĩa
Mới đây, tại hội thảo “Một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)” do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Thi hành án (THA) dân sự đã chỉ ra những bất cập gây khó khăn cho những người được THA.
Cụ thể, tại điểm d khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật Đặc xá quy định về điều kiện được đề nghị đặc xá là: “Đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá”.
Theo Tổng cục THA dân sự, quy định trên dễ gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người được THA. Bởi “đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá” có thể hiểu là người được THA đồng ý nhưng cũng có thể hiểu rằng chỉ cần người phải THA có văn bản cam kết là sẽ bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá.
Giả sử trong trường hợp sau khi được đặc xá, họ lại không thực hiện theo đúng cam kết sẽ THA thì ai và cơ quan nào giải quyết vấn đề này? Cạnh đó cũng không có cơ chế bắt họ trở lại cơ sở giam giữ để tiếp tục chấp hành hình phạt tù. Do đó người được THA chỉ có thể yêu cầu cơ quan THA dân sự tiếp tục tổ chức thi hành đối với khoản bồi thường thiệt hại nói trên…
Từ những phân tích trên, Tổng cục THA dân sự kiến nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa lại dự thảo cho rõ nghĩa hơn thành: “Đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của người được bồi thường về việc không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý cho phạm nhân được bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá”.
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như có số tiền bồi thường phần dân sự rất lớn. Ảnh: NGÂN NGA
Quy định thêm điều kiện
Ông Nguyễn Văn Phước (nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa) thống nhất với quan điểm của Tổng cục THA dân sự. Theo ông Phước, quy định trên tạo điều kiện cho những phạm nhân lao động, học tập, chấp hành tốt nội quy của trại giam nhưng chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác để sớm trở về sum họp với gia đình và hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, ông Phước cho rằng để chắc chắn thì có thể bổ sung ngoài việc có sự đồng ý bằng văn bản của người được bồi thường thì cũng nên thêm điều kiện là: “Có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Mục đích là tránh trường hợp sau này người được bồi thường thiệt hại (người được THA) cho rằng họ viết văn bản này trong điều kiện bị đe dọa, ép buộc hoặc trong khi không tỉnh táo.
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) đồng tình với quan điểm của Tổng cục THA dân sự rằng dự thảo chưa rõ, dễ dẫn đến hiểu lầm rằng muốn được đề nghị đặc xá thì phạm nhân chỉ cần tự ý làm cam kết bồi thường mà không cần phải thông qua sự đồng ý của người được THA. Trong khi việc tự ý cam kết này chỉ là lý thuyết, không thực tế.
Cạnh đó, luật sư Phát còn cho rằng điều kiện được đề nghị đặc xá khá giống với tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 BLHS 2015 (về khắc phục hậu quả).
Khi người bị hại cho luôn mới xét đặc xá?
Theo một lãnh đạo VKSND tỉnh Đồng Tháp, chỉ cần quy định: “Đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại” là đủ.
Theo vị này, dự thảo không nên quy định thêm cho phạm nhân được “đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá” vì sẽ không khả thi. Bởi phạm nhân phải thực hiện xong nghĩa vụ của mình hoặc người bị hại (tức người được THA) đồng ý cho luôn mà không yêu cầu bồi thường theo bản án nữa thì mới được đề nghị đặc xá. Có như thế mới tránh tình trạng lợi dụng lòng thương của người bị hại để họ cam kết cho anh được bồi thường sau khi được đặc xá.
Thế nhưng sau khi ra trại anh lại không bồi thường, lúc này ai sẽ là người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ? Trong khi đó luật chưa có chế tài khi phạm nhân được đặc xá không thực hiện nghĩa vụ như cam kết với phía người bị hại. Nghĩa là luật chỉ bảo vệ quyền lợi của phạm nhân chứ không bảo vệ quyền lợi của bị hại, tức là họ mất cả chì lẫn chài. Còn phạm nhân chỉ cần ở tù một thời gian mà không phải bồi thường đồng nào thì lời quá.
Chẳng hạn, trường hợp tai nạn giao thông, người gây tai nạn cam kết bồi thường để nạn nhân bãi nại. Sau khi được bãi nại, cơ quan chức năng đình chỉ vụ án thì người gây tai nạn không bồi thường, "xù" luôn. Người bị hại thì khóc nhưng không ai làm gì được.
Lấy gạch tiêu hủy pháo: 3 cán bộ thi hành án, 1 cảnh sát bị thương
Lấy gạch tiêu hủy pháo: 3 cán bộ thi hành án, 1 cảnh sát bị thương ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Vì sơ ... |
Ông Nguyễn Khắc Thủy đã khỏe, tự nguyện thi hành án
Sau khi bị cấp Giám đốc thẩm tuyên huỷ án treo và tuyên án 3 năm tù, bị án Nguyễn Khắc Thuỷ đã tự nguyện ... |