Ảnh minh họa. |
Hình phạt chính là hình phạt bắt buộc áp dụng đối với người phạm tội và được Tòa án tuyên độc lập đối với mỗi tội phạm cụ thể. Hình phạt chính bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình.
Hình phạt bổ sung, là hình phạt có tính chất hỗ trợ cho hình phạt chính, hình phạt bổ sung không được áp dụng độc lập mà chỉ được áp dụng kèm theo hình phạt chính. Nếu như đối với mỗi tội phạm chỉ được áp dụng một hình phạt chình đối với hình phạt bổ sung có thể được áp dụng một hoặc nhiều chứ không chỉ có một.
Bộ luật Hình sự quy định 7 loại hình phạt bổ sung: cấm đảm nhệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế, tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng hình phạt chính; trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Cảnh cáo (Điều 34 Bộ luật Hình sự) là hình phạt khiển trách công khai của Nhà nước do Tòa án tuyên đối với người bị kết án. Cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất, người bị kết án cảnh cáo không bị mất đi quyền lợi thiết thân, tuy nhiên họ chịu sự tổn thất về tinh thần. Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt;
Phạt tiền (Điều 35 Bộ luật Hình sự) là hình phạt có tính chất kinh tế, nhằm vào tài sản của người phạm tội, buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền để sung quỹ nhà nước.
Hình phạt tiền áp dụng với những tội ít nghiêm trọng, được áp dụng là hình phạt chính khi có điều luật quy định. Ngoài ra phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sng khi không áp dụng là hình phạt chính.
Cải tạo không giam giữ (Điều 36 Bộ luật Hình sự) là hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật Hình sự quy định, xét thấy không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội mà giao họ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục.
Cải tạo không giam giữ chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Người bị kết án về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, đã hối cải.
+ Người bị kết án phải có nơi làm việc ổn định hoặc nơi thường trú rõ ràng mà xét thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi xã hội.
Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước; phải tích cực tham gia lao động, học tập, sinh hoạt tập thể, không vi phạm kỷ luật; 3 tháng một lần kiểm điểm việc cải tạo của mình trước cơ quan giám sát, giáo dục.
Nếu người bị kết án di chuyển chỗ ở hoặc nơi làm việc phải báo cáo với Tòa án, báo cáo với cơ quan tổ chức đang giám sát giáo dục biết.
Trục xuất ( Điều 37 Bộ luật Hình sự) là buộc người nước ngoài phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tù có thời hạn (Điều 38 Bộ luật Hình sự) là hình phạt tước quyền tự do của người bị kết án, buộc họ phải cách ly khỏi cuộc sống xã hội trong một thời gian nhất định. Người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam, phải tuân theo mọi chế độ sinh hoạt, lao động cải tạo của trại. Tù có thời hạn có mức tối thiểu là 3 tháng, tối đa là 20 năm.
Tù chung thân (Điều 39 Bộ luật Hình sự) là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Theo nguyên tắc chung người bị kết án tù chung thân phải ở trại giam cho đến khi chết, tuy vậy, nếu họ cải tạo tốt thì có thể được giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Tử hình (Điều 40 Bộ luật Hình sự) chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà xét thây không còn khả năng giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Không áp dụng hình phạt tử hình với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Trường hợp này tử hình chuyển xuống tù chung thân.
Về mặt lập pháp, khoản 3 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 giải thích: "Thi hành án phạt tù là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc phạm nhân phải chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có ích cho xã hội".
Từ đó có thể hiểu, thi hành bản án phạt tù có thời hạn là việc đưa bản án phạt tù có thời hạn đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế, tức là buộc người bị kết án phạt tù có thời hạn phải chấp hành hình phạt tại trại giam, trại tạm giam trong thời hạn nhất định được quy định trong bản án.
Thi hành án phạt tù có thời hạn về thực chất là tước một số quyền tự do, giam giữ người bị kết án phạt tù tại trại giam, cách ly người đó khỏi môi trường xã hội bình thường một khoảng thời gian nhất định để thực hiện các mục đích của hình phạt là đảm bảo công lý, công bằng xã hội, cải tạo, giáo dục người phạm tội và phòng ngừa tội phạm.
Do đó, việc thi hành án phạt tù có thời hạn không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội, mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Thi hành án phạt tù có thời hạn còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Bên cạnh đó, khi bản án phạt tù có thời hạn được thi hành trên thực tế, đã đảm bảo cho các giai đoạn tố tụng trước đó có ý nghĩa.
Việc thi hành hình phạt tù có thời hạn phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện sau: Bản án phạt tù có thời hạn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật: Những bản án và quyết định của Toà án tuyên hình phạt tù có thời hạn đã có hiệu lực pháp luật bao gồm: Những bản án và quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm những bản án và quyết định của Toà án cấp phúc thẩm; những quyết định của Toà án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Quyết định thi hành hình phạt tù có thời hạn: Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án hoặc uỷ thác cho Toà án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm, Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án hoặc uỷ thác cho Toà án khác cùng cấp ra quyết định thi hành.
Thi hành quyết định thi hành án phạt tù được quy định tại Điều 22 Luật thi hành án hình sự 2010. Cụ thể như sau:
- Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.
Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam thuộc Bộ Công an thì trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án, hoàn chỉnh hồ sơ và báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc trại tạm giam thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra quyết định đưa người chấp hành án đi chấp hành án.
- Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam cấp quân khu thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng thì trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án, hoàn chỉnh hồ sơ và báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu hoặc trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng ra quyết định đưa người chấp hành án đi chấp hành án.
Trong thời gian chờ chuyển đến nơi chấp hành án phạt tù, người chấp hành án được hưởng chế độ như đối với phạm nhân.
Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án. Quá thời hạn trên mà người đó không có mặt, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án.
Nga áp dụng luật 'tù tại gia' như thế nào?
Luật ở Nga nêu, những hành động phạm tội nhẹ được quy định trong đạo luật hình sự mới gồm vu khống, trộm cắp, lừa ... |
Đề xuất nghiên cứu quy định 'tù tại gia'
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết một số nước đã áp dụng gắn chip theo dõi phạm nhân được quản lý tại nhà. |
Phạm nhân có quyền kết hôn, sinh con hay không?
Một số ý kiến cho rằng quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng... đối với người chấp hành ... |