Các ĐBQH thảo luận dự án Luật Giáo dục sửa đổi tại tổ TP.HCM chiều 8-11 - Ảnh: B.D |
Thảo luận tổ về Luật Giáo dục sửa đổi chiều 8-11, các đại biểu tập trung vào các nội dung như chế độ chính sách cho giáo viên, thiết kế chương trình giáo dục hiện nay quá nặng, giáo dục Việt Nam vẫn loay hoay tìm lối ra mà chưa có một triết lý tóm gọn nào để định hình xuyên suốt từ học trong trường cho tới khi ra ngoài xã hội.
Đừng coi thường nói ngọng
Đề cập một yếu tố nhỏ cần điều chỉnh, bổ sung trong chương trình giáo dục tổng thể tại dự thảo luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng dù rất nhỏ nhưng không nên xem thường tật nói ngọng.
Theo ông Nghĩa, từ trước tới nay trong nhà trường khâu học nói hay bị bỏ qua, trong khi việc này phải làm ngay từ mẫu giáo tới phổ thông thì mới có thể sửa được những học sinh nói ngọng.
"Tôi hồi nhỏ xíu cũng nói ngọng, nhưng lên lớp 1, lớp 5 thì người ta tập đọc rồi từ đó tôi sửa được", ông Nghĩa lấy ví dụ chính bản thân mình.
Nghe ý kiến của ông Nghĩa, có đại biểu cho rằng không nên gọi là "nói ngọng" mà cần từ chính xác là "nói chưa chuẩn". Nhưng ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.
"Ngọng là một thói quen hết sức bình thường nhưng sẽ cản trở rất nhiều thứ đối với một học sinh nếu không được sửa chữa ngay từ lúc còn đi học. Người nói ngọng thì sẽ viết ngọng, ảnh hưởng tới khả năng thuyết trình, giảng dạy và ảnh hưởng tới uy tín của cả nền giáo dục", đại biểu TP.HCM nói.
"Bây giờ có những người lớn rồi, thậm chí bằng cấp cao rồi mà vẫn viết sai do nói ngọng. Tôi đề nghị có giải pháp để giải quyết".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) - Ảnh: Quochoi.vn |
Lương không đủ sống thì nhà giáo cũng phải làm đủ nghề
Rất nhiều đại biểu đề nghị sửa Luật Giáo dục phải kiên quyết không tiếp tục nói chung chung là "chi trả, có chế độ trợ cấp cho nhà giáo tuỳ theo công việc và lao động". Cách nói đó, theo các đại biểu, không rõ ràng và không giải quyết được gì.
Thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo, xã hội, phụ huynh, học sinh ít nhiều sút giảm thiện cảm đối với nhà giáo, đều có nguyên nhân từ việc người thầy vì áp lực cuộc sống quá lớn mà phải lăn lộn, tìm cách trang trải cuộc sống, nhiều đại biểu chỉ ra.
"Nhà nước khi khấm khá thì trả cho nhà giáo lương cao còn khi gặp khó khăn thì lại khác. Làm như thế là chưa đặt vai trò nhà giáo đúng mức, chưa đặt nặng chuyện đi từ cái căn bản nhất để người thầy tạo ra một con người nhân cách cho xã hội", đại biểu Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cùng đoàn cũng cho rằng lâu nay dư luận cứ phê phán giáo viên dạy thêm lấy tiền, nhưng vấn đề quan trọng nhất là vì sao họ lại phải làm thế thì chưa giải quyết được.
"Lương không đủ sống thì nhà giáo cũng phải đi làm đủ nghề để kiếm sống. Nhà giáo là những người đào tạo, rèn dạy và định hình nhân cách con người của xã hội. Xã hội tốt đẹp hay không có công vô cùng to lớn của người thầy. Giờ thấy chế độ cho các thầy cô thấp quá, trong khi dự thảo luật lần này vẫn chỉ nói chung chung, không rõ ràng", bà Lan nói.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục chiều 8-11 - Ảnh: LÊ KIÊN |
Nhiều vấn đề chưa thực sự "quốc sách"
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) bình luận: Vị thế của ngành giáo dục trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều rất quan trọng, như nghị quyết của Đảng thì nó là quốc sách hàng đầu, nhưng trên thực tế thì cũng có những việc, những vấn đề chưa thực sự "quốc sách".
"Thực tiễn vừa qua tôi cảm nhận rằng chỉ số hạnh phúc của học sinh chưa cao, sự hài lòng của phụ huynh chưa cao. Với một ngành mà liên quan đến mọi gia đình, thì 99 việc làm tốt, chỉ 1 việc chưa tốt cũng làm băn khoăn xã hội", ông Thưởng nói.
Đại biểu Phú Thọ phân tích vấn đề sách giáo khoa: "Ví dụ như môn lịch sử nếu cứ nhồi nhét vào đầu học sinh những sự kiện, những con số thì các cháu rất khó học. Mà có mười mấy môn học nhồi nhét vào đầu học sinh rất là khổ.
Cái mà nhiều học sinh bây giờ không hạnh phúc là thầy cô và cha mẹ bắt các em phải giỏi mọi thứ, trong khi với từng em chỉ có năng khiếu một vài môn thôi. Thi cử thì tôi đề nghị phải xem xét lại, theo hướng thi tốt nghiệp phổ thông thì nhẹ nhàng thôi, nhưng thi đại học thì phải chọn được người tài".
Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng muốn nâng tầm chất lượng giáo dục thì phải quan tâm đến các "máy cái", tức là các trường sư phạm, là giáo viên, khắc phục tình trạng hiện nay nhiều địa phương không thể thu hút các học sinh, sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.
Luật phải thể hiện được triết lý của giáo dục Việt Nam, ngắn gọn, cô đọng, ai cũng nhớ, cũng hiểu. Triết lý giáo dục Việt Nam phải không được nhầm lẫn với các nước khác. Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) |
Nam sinh bị trường Sĩ quan Thông tin trả về được ĐH Bách Khoa Hà Nội miễn giảm toàn bộ học phí
Quang Quốc Việt - nam sinh quê Nghệ An từng bị trường Sĩ quan Thông tin trả về do không đủ chiều cao đã làm ... |