Ngôn ngữ không phải là cản trở trong lớp học
Lâm Quang Nhật, tân sinh viên ĐH Chicago (Mỹ), từng học phổ thông ở trường Shorewood thuộc tiểu bang Wisconsin trong vòng một năm.
Lâm Quang Nhật - tân sinh viên ĐH Chicago, Mỹ
Khi mới từ Việt Nam sang Mỹ, em gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp đời thường, nhưng không phải vì phát âm hay vốn từ, mà là do không quen với văn hóa, những cách nói hàm ý, cũng như các địa danh địa phương mà người Mỹ hay dùng biệt danh riêng.
“Nhất là cách nói chuyện của người trẻ, đôi khi người già bên đó còn không hiểu nổi. Nhưng cách dùng này em nghĩ là không nên bắt chước” – Nhật nói.
“Tiếng Anh của em chắc chắn không chuẩn 100% Anh – Mỹ vì em không phải người bản địa. Em thực sự nghĩ là học sinh Việt Nam không ai có thể nói được y chang người bản địa vì có một giới hạn tự nhiên. Nhiều trung tâm tiếng Anh hay quảng bá là học sẽ nói được chuẩn như dân bản địa, nhưng em nghĩ rằng mình có thể càng ngày càng giỏi, nhưng sẽ không thể nào giống 100% được”.
“Tuy nhiên, điều mình có thể làm là nói để người bản xứ hiểu được và nghe được họ nói gì. Theo em, không nên quá tự ti về ngữ điệu của mình. Ngay cả ở Mỹ cũng có rất nhiều ngữ điệu tùy vùng miền khác nhau. Phát âm chuẩn rất quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất. Trong giao tiếp với người bản xứ, yếu tố quan trọng hơn để có thể bắt kịp câu chuyện của họ là hiểu lối suy nghĩ, hành văn và kiến thức văn hóa của họ”.
Nguyễn Quang Tùng – học sinh Trường Thế giới Liên kết UWC (cơ sở Trung Quốc) cho rằng không có khái niệm “tiếng Anh chuẩn”. Có khi người Scotland nói, người Mỹ không hiểu nổi. Thế nên, quan điểm của Tùng là “đừng nghĩ mình nói người bản xứ chưa hiểu là mình không nói tiếng Anh chuẩn”.
“Sau tất cả thì tiếng Anh chỉ là công cụ, không phải thước đo. Bạn làm chủ được công cụ không quan trọng bằng làm chủ được mục đích sử dụng. Nghĩa là nói hay mà không có nội dung thì chả để làm gì. Làm chủ ngôn ngữ giúp bạn phản ứng tốt hơn, nhanh hơn trong giao tiếp. Nhưng trau dồi kiến thức và kinh nghiệm để làm chủ nội dung mình nói giúp bạn trong mọi lĩnh vực, từ kết bạn đến tranh luận” – Tùng chia sẻ.
Nhiều thứ quan trọng hơn nói tiếng Anh chuẩn
Bàn về chủ đề này, anh Đoàn Đức Thuận, cựu sinh viên Trường ĐH Melbourne (Úc), hiện là chuyên gia tư vấn marketing chiến lược, cho rằng khái niệm "nói tiếng Anh giỏi" sẽ trở nên ít quan trọng, vì vấn đề rồi sẽ chỉ là "biết hay không biết tiếng Anh".
“Tiếng Anh rồi cũng như lái xe. Người sử dụng tiếng Anh nên mạnh dạn đưa những lý thuyết đã học vào thực hành và hoàn thiện dần những kỹ năng qua quá trình thực hành”.
“Từng làm việc 2 năm ở Singapore và dùng được cả tiếng Hoa và Anh, tôi quen với khái niệm Singlish (cách nói tiếng Anh của người Singapore). Người Sing nói tiếng Anh theo cách của họ và chắc chắn không phải là thứ tiếng Anh chuẩn. Nhưng họ không bận tâm về điều đó. Họ quan tâm tới phát triển kinh tế và những người phương Tây sinh sống làm việc phải thích nghi theo Singlish. Khái niệm nói tiếng Anh giỏi không quá quan trọng ở Singapore”.
Anh Thuận cho rằng nên cố gắng học tiếng Anh tử tế và nỗ lực để sử dụng nó một cách tự tin, chứ không cần quá mất thời gian vào việc luyện phát âm chuẩn như người bản xứ. “Điều đó thực sự không đáng. Việc máy móc theo các cách phát âm chuẩn, ngữ điệu, ngữ pháp..... sẽ ngốn rất nhiều thời gian và làm chậm tốc độ thẩm thấu để dùng. Hãy tự tin “speak out” (nói ra) và đừng ngại về cách nói kiểu Vietlish của mình” – cựu sinh viên ĐH Melbourne bày tỏ quan điểm.
Nhận xét về cách dạy và học tiếng Anh của phần lớn người Việt, anh cho rằng, học tiếng Anh ở Việt Nam tuy phổ cập đã lâu nhưng mới chỉ là “phổ cập học” chứ chưa “phổ cập luyện ngoài đời sống”.
“Một người nước ngoài rời khỏi khu văn phòng ra phố thì xác suất gặp một người Việt có thể giao tiếp đơn giản tiếng Anh cũng không phải là dễ. Vì sao lại như vậy? Lý do vì có lẽ do đào tạo tiếng Anh của mình nặng về ngữ pháp, rập khuôn, mô phạm.
Khá nhiều bạn bè của mình có thể nghe hiểu nhưng không thể nói ra được, vì sợ phát âm sai, vì sợ ngữ pháp, sợ quê…và vì vậy lại tiếp tục củng cố học phát âm, học ngữ pháp… Vậy nên, hãy tạm thời bỏ qua cái sự học phát âm cho chuẩn, các quy tắc ngữ pháp, các từ ngữ “lạ” để nói cho đẳng cấp…, mà hãy lao vào nói, giao tiếp. Bạn có thể sai phát âm hoặc ngữ điệu một chút, ngữ pháp sai nhiều hơn, nhưng việc bạn chủ động truyền đạt được 70-80% những gì muốn nói qua tiếng Anh thực sự là việc cần được ưu tiên”.
Anh Trương Phạm Hoài Chung - Thạc sĩ Giáo dục
Từng có một thời gian dài học trung học ở Singapore, học cử nhân và Thạc sĩ ở Mỹ, anh Trương Phạm Hoài Chung, Thạc sĩ Giáo dục ĐH Harvard (Mỹ) nêu quan điểm của mình: “Thực ra giáo sư đại học cũng có nhiều người không phải là người bản xứ. Ngữ điệu họ sẽ đặc sệt nơi họ sinh ra và lớn lên, như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc hay Ấn Độ. Nhưng quan trọng là họ phát âm từng từ đều đúng phiên âm, câu cú từ ngữ dùng đúng ngữ cảnh chuyên môn, và kết hợp với khiếu hài hước và sự nhiệt huyết, nên họ cũng hấp dẫn không thua kém gì giáo sư bản xứ”.
Quan điểm của anh Hoài Chung là phát âm từng từ phải đúng phiên âm trong từ điển để không gây hiểu nhầm. Còn về ngữ điệu, không cần bắt chước y chang người bản địa, mà chỉ cần nói chậm và rõ, trôi chảy và logic.
Khi qua Mỹ trong vài tháng đầu tiên, anh Chung cũng gặp khó khăn trong giao tiếp, vì sinh viên bản địa nói nhanh và hay dùng kiểu nói đùa hoặc từ lóng mà anh chưa hiểu vì mới tiếp cận văn hóa của họ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là trong lớp học, họ khá hiểu biết nên có thể diễn đạt ý tưởng một cách trôi chảy và sâu rộng. “Ví dụ lần đầu tiên cùng thảo luận về các tư tưởng triết học cổ đại, tôi hoàn toàn choáng ngợp và cả buổi không tham gia phát biểu được gì. Tôi vẫn nghĩ mình lép vé vì hạn chế về tri thức chứ không hẳn là khả năng ngôn ngữ”.
Chính vì thế, theo anh Chung, để tham gia thảo luận thành công trong lớp học cần có hiểu biết sâu rộng bằng cách đọc nhiều. “Công ty nước ngoài cũng cần những người có khả năng suy nghĩ thấu đáo, tư duy phản biện xuất sắc và thái độ làm việc tích cực hơn là chỉ biết nói tiếng Anh chuẩn” - anh Chung khẳng định.
TS Đỗ Thị Thanh Hà, Nguyên trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hoá các nước nói tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội:
Trước tiên, tôi không cổ suý cho việc các bạn không hiểu về phương pháp sư phạm và có kiến thức về hệ thống ngôn ngữ tiếng Anh đi dạy và cho rằng mình chỉ cần có chứng chỉ tiếng Anh là đủ để làm thầy.
Tuy nhiên, tôi cho rằng giao tiếp tiếng Anh trong bối cảnh toàn cầu không yêu cầu nói giống người bản ngữ, mà chỉ cần nói để người khác hiểu. Nói như vậy không phải phát âm là không quan trọng. Nhưng trong bối cảnh các bạn sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ toàn cầu, phần lớn giao tiếp của bạn, một người phi bản ngữ (non-native speaker), là với một người phi bản ngữ nữa chứ không phải là với một người bản ngữ (native speaker), vì thế bạn không phải quá cố gắng để học nói cho giống người Mỹ, hay người Anh, Úc (rồi người Anh, Úc... Trừ phi bạn thích nói như giọng Mỹ, Anh, Úc... vì một lý do nào đó.
Vậy bạn cần học/dạy cho học sinh những gì về phát âm khi sử dụng tiếng Anh như công cụ giao tiếp trung gian/ lingua franca (mà theo Seiholfer, 2011 thì là giao tiếp sử dụng tiếng Anh giữa người phi bản ngữ và phi bản ngữ, giữa cả phi bản ngữ và bản ngữ):
1. Nếu để nghe hiểu, bạn cũng nên tiếp xúc với các đặc điểm phát âm của các loại tiếng Anh khác nhau, cùng một âm nhưng trong tiếng Anh Mỹ, Anh Anh, Anh Úc... phát âm như thế nào, đặc trưng của Anh Ấn, Anh Sing, Anh Phillipine.... (tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 hoặc đã định hình là một biến thể tiếng Anh ổn định) ra sao. Càng được nghe nhiều các giọng này khi giao tiếp các bạn sẽ không bị ngỡ ngàng.
2. Nếu để nói, trừ trường hợp bạn thích như người Anh,Mỹ, Úc... như tôi nói ở trên, “key word” của tiếng Anh như một ngôn ngữ trung gian là inteligibility (hiểu được nhau). Jenkins ( 2000, 2002, 2007) đã đưa ra một danh sách các đặc điểm của hệ thống phát âm cho tiếng Anh như một ngôn ngữ trung gian, bao gồm:
- Tất cả các phụ âm, âm bật hơi /p/, /t/, /k/, trừ âm /ð/ và âm/θ/
- Phần lớn các cụm phụ âm (consonant cluster), đặc biệt ở vị trí giữa và đầu từ.
- Độ dài của các nguyên âm, nhất là trước các phụ âm vô thanh và hữu thanh
- cụm từ và trọng âm chính trong cụm từ (nuclear stress)