Theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, xã Tráng Việt hiện diện tích sản xuất rau khoảng 302ha (củ cải, su hào, bắp cải, bí xanh, trái cây và hoa…). Trong đó, sản xuất củ cải khoảng 80ha theo hướng sản xuất an toàn, VietGap chiếm 26,3% diện tích.
Hiện nay, việc tiêu thụ củ cải 95% sản lượng được tiêu thụ thông qua thương lái, chợ dân sinh và 5% sản lượng tiêu thụ qua các siêu thị, chuỗi thực phẩm (Fivimart, BigC, Vinmart…). Việc tiêu thụ sản phẩm củ cải qua các siêu thị, chuỗi thực phẩm góp phần hỗ trợ giá cho nhân dân, xác lập giá trị thu mua cho thương lái.
Sáng ngày 19/3, hơn 4 tấn củ cải được vận chuyển từ xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) vào nội thành Hà Nội để bán trên hè phố khu vực công viên Thống Nhất trên phố Lê Duẩn, giúp những người làm nông đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm trồng được. |
Lãnh đạo xã Tráng Việt cho rằng, nguyên nhân tồn đọng lượng củ cải tại các vùng sản xuất dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa là do người nông dân sản xuất gối vụ đông vào dịp Tết. Tại thời điểm này, các đơn vị kinh doanh nghỉ nhiều, sức mua giảm. Thêm nữa, sau Tết, thời tiết thuận lợi cho các loại rau phát triển, sản lượng cao nên một số gia đình nông dân, thương lái gom hàng chờ giá cao. Điều này dẫn đến tồn đọng lại một khối lượng sản phẩm lớn không kịp bán trong khi giá càng ngày càng xuống thấp…
Hiện nay, diện tích sản xuất củ cải đến thời gian thu hoạch tại xã khoảng 20ha, sản lượng ước khoảng 1.200 tấn đang khó khăn tiêu thụ trong khoảng 10-15 ngày tới.
Tại buổi làm việc mới đây, đại diện lãnh đạo 8 đơn vị phân phối của Hà Nội tham dự hội nghị cam kết hỗ trợ tiêu thụ củ cải tại xã Tráng Việt trong thời gian như: hệ thống siêu thị BigC cam kết hỗ trợ tiêu thụ khoảng 30 tấn; Hệ thống Fivimart cam kết tổ chức quầy hàng giới thiệu bán củ cải tại khuôn viên mỗi siêu thị; Chuỗi thực phẩm Tâm Thành, Bigreen cam kết hỗ trợ bán hàng không lấy lãi hỗ trợ người dân… Việc giải cứu này, theo Hà Nội sẽ góp phần hỗ trợ tiêu thụ 1.200 tấn củ cải trong thời gian tới, ổn định thị trường.
Tuy nhiên về lâu dài, Hà Nội cho rằng Sở Công Thương cần chỉ đạo tất cả các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm trên địa bàn hà Nội, triển khai ngay các việc kết nối, đưa sản phẩm củ cải vào các kênh phân phối, bếp ăn tập thể các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức; Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp có nhà máy sơ chế, sấy khô nông sản trên địa bàn thành phố tạo điều kiện, hỗ trợ người nông dân có nhu cầu sấy khô củ cải để đa dạng sản phẩm từ củ cải, cung ứng ra thị trường. Hiện Công ty CP Tràng An, Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội cam kết hỗ trợ sấy khô miễn phí củ cải cho người dân, sản lượng sấy trung bình đạt 2-20 tấn/ngày.
Ngoài ra, UBND Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp với địa phương nắm bắt kịp thời nhu cầu sản lượng, hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân; Đồng thời bố trí xe kiểm nghiệm nhanh các sản phẩm và công bố chất lượng cho người tiêu dùng Thủ đô yên tâm.
Chiến dịch “giải cứu củ cải” được khởi xướng từ ngày 17/3 theo hướng tự phát sau khi báo chí đăng tải thông tin về chuyện cả nghìn tấn củ cải có nguy cơ bị tiêu hủy do người nông dân không thể bán được.
Ngay sau đó, rất nhiều các doanh nghiệp, siêu thị như: Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam, Công ty Tâm Thành, siêu thị Fivimart, Big C…đã làm việc với hợp tác xã để thu mua củ cải cho người dân. Đặc biệt, các tổ chức Đoàn Thanh niên ở các cơ quan trên địa bàn thành phố đến trực tiếp tại ruộng hỗ trợ người dân nhổ và sơ chế, thu mua đóng gói với giá 3.000 đồng/kg.
Chỉ sau 3 ngày kêu gọi, đến nay các đơn vị, doanh nghiệp, siêu thị đã mua khoảng 50-60 tấn củ cải cho người dân trên địa bàn xã. Hiện tại, số lượng củ cải gối vụ đến hết tháng 4 âm lịch còn khoảng 1.000 tấn, nên khoảng 10-15 ngày, các đơn vị cần thu mua từ 400 đến 500 tấn củ cải cho người dân thì việc sản xuất sẽ đi vào ổn định.
Tuy nhiên, về lâu dài, Chính quyền Hà Nội nhìn nhận, cần tính đến giải pháp lâu dài chứ không cứ mải mê đi giải cứu.