Người cuối cùng trong bộ ba Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn quyết định làm show (Mặt trời của tôi, 14 - 15.10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội), theo cách chậm mà chắc” của người tự nhận “đam mê lớn nhất của tôi là được hát với dàn nhạc giao hưởng”, cùng quyết tâm “ngùn ngụt” của người nâng khăn sửa túi: “Dù có phải cắm cả sổ đỏ...”
Mau nước mắt...
- Ấn tượng mạnh nhất của tôi về anh có lẽ là lần anh đưa tay quệt nước mắt khi kết thúc phần trình diễn ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” tại chương trình hòa nhạc Quốc gia “Điều còn mãi” 2016. Đó có phải là lần hiếm hoi anh khóc không?
À thì..., chắc tại đàn ông mà lại sinh đúng ngày... 20.10 nên hơi mau nước mắt thì phải! (cười). Thật ra thì cũng không nhiều lắm, và thường thì chỉ khóc khi cảm thấy xúc động hay hạnh phúc quá mà thôi. Chẳng hạn như cái lần kỷ niệm 10 năm ngày cưới, nhìn vợ mặc lại đồ cưới, giờ đã là mẹ của hai đứa con, biết bao nhiêu là gắn bó sẻ chia từ bấy đến giờ, tự dưng nước mắt mình cứ trào ra vì thấy gia đình ấm áp thiêng liêng quá... Rồi như cái lần mà chị thấy, thì đó là vì cái tiếng gọi đó, trong bối cảnh đó, tại thời điểm đó nó linh thiêng quá. Thường, tôi rất khó cầm lòng trước những cảm xúc thiêng liêng như thế (cười ngượng nghịu). Tuy đấy không phải là lần đầu tôi trình diễn ca khúc yêu thích ấy, nhưng đó lại là lần đầu tôi được hát nó cùng dàn nhạc giao hưởng - một cơ hội hiếm trong điều kiện làm nghề ở ta. Sở dĩ tôi “nhịn” tới giờ mới làm show riêng, cũng là vì cái quyết tâm theo đuổi niềm đam mê lớn nhất của mình: Được hát cùng dàn nhạc giao hưởng...
- Chứ không phải vì một cột mốc chẵn nào sao?
Live concert riêng đầu tiên trong sự nghiệp, cũng có thể gọi là kỷ niệm 20 năm ca hát (thật ra là 22 năm). Có lẽ là tôi đã để khán giả, đồng nghiệp, vợ con và cả chính mình phải chờ đợi quá lâu. Nên lần này, nhân con số chẵn đó, cũng nhằm tháng sinh nhật của tôi, mà vợ tôi quyết rằng dù có phải bán nhà, phải cắm sổ đỏ cũng vẫn quyết làm cho tôi một đêm nhạc tử tế, cho bõ công chờ đợi.
Thật ra thì chẳng con số nào có thể định lượng được đam mê của mình hết, chỉ là chữ duyên nó đến vào lúc nào thôi. Biết đâu là chậm thì chắc, là lúc cái giọng của mình nó đã đến độ chín muồi, cái sự đi đứng của mình nó cũng trở nên chỉn chu hơn, đúng như cái bệnh cầu toàn thái quá ở mình...
Gia đình nghệ sĩ Đăng Dương. |
- Anh chàng to con, vậm vạp nhất trong Tam ca Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn, nhưng lại là người “chậm chân” nhất trong việc làm show. Đã bao giờ anh cảm thấy chạnh lòng chưa, khi cứ mãi làm khách mời trong live show của hai người bạn cùng thuyền?
Sau gần 20 năm mà mọi người vẫn còn nhớ đến 3 cái tên đó thì đó quả là một hạnh phúc chung gắn kết chúng tôi. Nên được hát cùng nhau trên một sân khấu, dù ở “vai” nào thì với tôi cũng là một niềm vui sướng rất chân thành. Nhưng nói thật là trong sâu thẳm dường như vẫn có một chút chạnh lòng khi không thể không tự vấn: Vậy còn Đăng Dương thì bao giờ? Tại sao các bạn mình đã làm được, còn mình thì chưa? Và cuối cùng thì câu trả lời ấy cũng được “hóa giải” sau dự án hợp tác cùng nghệ sĩ phối khí nổi tiếng Trần Mạnh Hùng, người bạn nghề mà tôi vô cùng kính trọng về tài năng, tâm huyết và có thể chia sẻ mãnh liệt cùng tôi niềm đam mê với nhạc giao hưởng. May mắn là anh đã nhận lời làm giám đốc âm nhạc cho live concert này của tôi. Không dễ gì được một cái tên đáng giá như Trần Mạnh Hùng nhận phối mới toàn bộ 21 ca khúc trong chương trình, cho cả các tiết mục đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca...
... nhưng giọng phải “chứa thép”
- Nghe nói trong live concert, anh sẽ lần đầu tiên chơi đàn bầu trên sân khấu? “Tình cũ không rủ cũng đến”?
Thì như mọi người cũng đã biết, trước khi rẽ sang thanh nhạc, tôi đã có một thời gian dài “dan díu” với đàn bầu, chính xác là “mười năm tình cũ” đấy, vì từng theo học mẹ nhạc sĩ Hồ Hoài Anh suốt 10 năm. Nên lần này tôi thử “nối lại tình xưa” coi như một lời “chuộc lỗi” vậy (cười).
Đàn bầu 1 dây nên không đủ “trói” anh sao? |
Đứt đoạn với “tình xưa” một phần cũng là miếng cơm manh áo. Lúc đó tôi đã theo học đến hệ ĐH, thì bố tôi gửi thư từ quê lên, khuyên tôi nên chọn một hướng khác vì nếu theo đàn bầu sợ là khó sống, tương lai mờ mịt. Cùng thời điểm, khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội lúc đó lại gần như không có ai theo học cổ điển, hoặc theo không đến nơi đến chốn, vì phần lớn chọn theo nhạc nhẹ. Tôi may mắn được gặp NSND Trung Kiên ở thời điểm đó, lúc bấy giờ tuy đã lên Bộ làm quản lý nhưng vẫn đau đáu với dòng nhạc mình theo đuổi. Thầy trò có duyên với nhau, thế là đến năm ĐH thứ hai, tôi đành đoạn dứt áo với đàn bầu.
Kể cũng tiếc vì tiếng đàn bầu của tôi được các thầy đánh giá “rất tình” và ấm, lại đã lao tâm khổ tứ vì nó suốt ngần ấy năm trời. Nhưng thật ra cũng chẳng mất đi đâu cả. Vì thường thì tầm 17-18 tuổi mới học thanh nhạc, nhưng đàn bầu thì tôi theo học từ 13 tuổi nên có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc sớm hơn, nhạc cảm do đó cũng bám rễ vào mình sâu hơn, giúp ích cho tôi rất nhiều khi rẽ sang thanh nhạc, lại là dòng nhạc đòi hỏi rất cao về kỹ thuật.
- Trong khi Trọng Tấn sẵn lòng kết hợp với các ngôi sao nhạc nhẹ và nới rộng biên độ của mình, rồi Việt Hoàn cũng có lúc này lúc khác thử sức mình ở dòng nhạc khác thì Đăng Dương trước sau vẫn quyết theo đuổi thính phòng - cổ điển. Đó là do anh lười hay dát?
Là vì quá yêu và hơn ai hết, tôi biết cái gì mới thực sự thuộc về mình, mình có thể làm gì tốt nhất. Nếu có một chút tự hào thì tôi tin mình là một trong những giọng hát thể hiện đúng chất thính phòng, chính ca nhất, có “chất thép” trong đó - điều đang rất thiếu hiện nay...
- Câu hát nào anh thấy có thể nói hộ anh về tâm thế sống, tâm thế làm nghề?
Đó là một câu hát trong ca khúc “Khát vọng” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư?”. Sống, hay làm nghề, tôi nghĩ người vô tư, không tính toán sẽ là người hạnh phúc nhất, gặp được những người bạn đồng hành tốt nhất, và dễ chạm đích nhất...
Xin cảm ơn anh!
Live concert “Mặt trời của tôi" sẽ gồm 4 phần. Phần 1 là chính ca, với các ca khúc vượt thời gian như: Hà Nội, niềm tin và hy vọng (ca khúc đánh dấu sự nghiệp của NSƯT Đăng Dương với Giải Nhất Giọng hát hay Hà Nội 1995 và Giải Nhất Giọng hát thính phòng toàn quốc 1996), Giai điệu Tổ quốc, Người chiến sĩ ấy, Người Hà Nội... Tiếp đến, là những bản dân ca Bắc Bộ quen thuộc: Qua cầu gió bay, Bèo dạt mây trôi, Trống cơm... Phần 3 sẽ là các ca khúc trữ tình cách mạng: Tình ca, Tình em, Những ánh sao đêm, Tự nguyện..., và cuối cùng là phần Nhạc ngoại, gồm những bản nhạc Nga, nhạc Pháp, nhạc Ý nổi tiếng như: Chiều hải cảng, Chiều Mátxcơva, Thời thanh niên sôi nổi, Besame mucho, Mama, Mặt trời của tôi... Đạo diễn: Tất My Loan, giám đốc âm nhạc: Trần Mạnh Hùng. Nghệ sĩ khách mời: Bùi Công Duy, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Lan Anh, Hồng Vy, Duyên Huyền, Đào Mác... |