Nữ CEO chuyển giới vừa được Shark Liên rót vốn đầu tư 5 tỉ đồng: Tôi đi kinh doanh mục đích đầu tiên vì gia đình tôi quá nghèo

Lê Tiêu Linh cho rằng người chuyển giới dù có một số khó khăn nhưng không cần mọi người phải thương hại. Nữ doanh nhân trẻ chia sẻ cơ duyên chị rất yêu nghệ thuật nhưng lại đến với kinh doanh là do gia đình quá nghèo, mình lại được học hành tử tế, thì phải là cánh cửa để gia đình thoát nghèo.

Là người phụ nữ chuyển giới đầu tiên tham gia gọi vốn tại Shark Tank, Lê Tiêu Linh gây ấn tượng bởi màn thuyết trình duyên dáng. Cô nhận được vốn đầu tư 5 tỉ đồng từ Shark Liên cho hệ thống homestay Be Home, tạo được nhiều động lực cho cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).

Người như tôi quá dị biệt, đi đâu cũng bị soi mói, nhưng tôi không để ý đâu

- Rất dễ thấy là người chuyển giới khi kinh doanh sẽ gặp nhiều trở ngại và thiệt thòi. Với Linh thì thế nào, Linh có gặp trở ngại nào trên con đường khởi nghiệp, kinh doanh của mình chưa? Đã bao giờ chị từng bị kì thị trong kinh doanh không?

- Có nhiều điều để nói. Đầu tiên là về sức khỏe, khi phẫu thuật huyển giới, người đó sẽ bị giảm sức khỏe rất nhiều. Bạn sẽ phải mất thời gian rất dài cho việc dùng hormone, theo đó, bạn phải đối mặt với việc rối loạn tâm sinh lí. Điều này rất kinh khủng, khi ở Việt Nam vẫn chưa có cơ sở y tế uy tín giúp người chuyển giới điều trị vấn đề này. Người chuyển giới tự tử rất nhiều.

Ngoài ra, người chuyển giới còn bị phản đối từ gia đình, đặc biệt là với những người còn rất trẻ quyết định phẫu thuật. Khi đó, bạn chưa nhận được hỗ trợ từ gia đình hoặc chưa được sự chia cảm thông từ gia đình thì sẽ mất đi nguồn lực, nền tảng hỗ trợ cho mình về giáo dục, về tài chính. Và như thế, chuyện tìm được công việc tốt đã là điều rất khó với người chuyển giới, nói gì đến chuyện kinh doanh.

IMG_5260

Lê Tiêu Linh: "Khi nhìn vào cách các nhân viên của nhiều resort 4-5 sao phục vụ khách hàng, tôi cảm thấy rất quy củ". (Ảnh: Tất Đạt).

Còn chuyện kì thị thì tất nhiên không thể không có. Người như tôi quá ư khác biệt, tất nhiên đi đâu cũng sẽ bị người khác soi mói. Đặc biệt trong kinh doanh càng dễ nhận biết, với những đối tác mà họ có khuynh hướng bảo thủ, phân biệt về giới tính, họ đều có cái nhìn không mấy thiện cảm về năng lực của tôi. "Một đứa ẻo lả như vậy thì làm gì mà có chuyên môn, làm gì mà lãnh đạo được ai". Nhưng tôi chẳng bận tâm những câu nói này.

Không hiểu sao, làm gì hay đi đâu, tôi cũng thấy sự khác biệt của bản thân là một điểm lợi thế. Khi gặp những người dị tính khác, họ sẽ khó nhớ tên. Nhưng khi nhắc đến tôi thì họ sẽ nhớ ngay, kể cả chỉ giao tiếp qua điện thoại.

- Từng thất bại trong kinh doanh, khi khởi nghiệp làm du lịch với Be Home, chị có sợ lại vấp ngã không?

- Tôi không sợ vấp ngã. Ngay cả khi tôi chia sẻ trên Shark Tank về việc Be Home đang gặp trục trặc về hợp đồng, Shark Dzung nói rằng công ty của tôi đang bê bối, nhưng tôi cho rằng đó là một điều hiển nhiên. Đó là một tin vui. Bởi khi gặp phải thất bại thì bạn mới rút ra được bài học. Một cá nhân hay một tập thể mà không hề có một thất bại nào thì phải xem chừng! 

Có thể, những thất bại nhỏ nhỏ đó sẽ dồn lại thành một thất bại lớn, nếu họ chưa sẵn sàng, có thể dẫn đến sự đỗ vỡ. Vì thế, tôi xem những thất bại là bài học, không có gì lo lắng cả.

 - Cơ duyên nào khiến chị lại chọn mô hình kinh doanh homestay?

- Nếu mà nói tôi bắt đầu Be Home từ niềm đam mê, từ tầm nhìn to tát gì đó thì không đúng. Đối với tôi, chỉ đơn giản là tôi muốn làm những gì mình thích nhưng phải thực tế. Thực tế ở chỗ, với số vốn ít ỏi thì mình đâu có sự lựa chọn nào khác ngoài làm homestay! Đây là cách kinh doanh ít tốn kém nhất, thay vì mở khách sạn hay resort.

Thứ hai, tôi thích phong cách của homestay hơn vì không bị gò bó, khuôn mẫu. Khi nhìn vào cách các nhân viên của nhiều resort 4-5 sao phục vụ khách hàng, tôi cảm thấy rất quy củ. Tôi muốn tạo ra một không gian tự do và phóng khoáng hơn.

Với tôi, khởi nghiệp của người trẻ là cả thanh xuân tươi đẹp

- Hỏi thật, cách vận hành doanh nghiệp của một người chuyển giới như Linh có gì khác biệt không, bởi người ta vẫn thấy cộng đồng LGBT có phần cảm tính, họ đặt cái tôi lớn hơn trong các quyết định của mình, đâu là bài học lớn nhất với chị?

IMG_5214

Tiêu Linh khẳng định bản thân không có nhu cầu trở nên nổi tiếng. (Ảnh: Nhật Sang).

- Tôi có rất nhiều bài học, lớn nhất là cách vận hành nhân sự. 

Đối với một công ty, yếu tố quan trọng, nồng cốt nhất là cách dụng nhân. Không có cá nhân nào có thể tự xưng mình là nhân vật then chốt trong mọi việc, mà cần có sự kết nối của tất cả thành viên tạo nên tính tập thể. Nhưng làm thế nào có được kết nối này lại là một vấn đề nan giải, đặc biệt với các công ty khởi nghiệp.

Với riêng bản thân, tôi đã để "cái tôi" lấn át sự sáng suốt của mình. Khi bạn nắm trong tay quyền lực và tiền bạc, đôi khi bạn sẽ quên đi ranh giới giữa việc bạn đang sử dụng quyền lực hay quyền lực sử dụng bạn. Vì thế, từng có thời gian các thành viên cổ đông mất niềm tin vào tôi, vì họ cảm thấy tôi quá chuyên quyền.

Có đến 5 cổ đông lần lượt rút khỏi công ty. Do từng người rời đi nên lúc bấy giờ tôi cảm thấy lỗi là do họ: Họ yếu, họ không đủ bản lĩnh nên họ rời đi. Còn tôi bản lĩnh, tôi là người chiến thắng sau cùng. Tôi hoàn toàn có quyền giữ cho mình suy nghĩ đó. 

Nhưng cũng may mắn là tôi đã chọn cách xem xét lại bản thân. Sau một thời gian, tôi phải đi gặp từng người và thuyết phục họ quay lại. Đây là một nỗi đau của tôi!

- Chị đánh giá như thế nào về phong trào khởi nghiệp của giới trẻ hiện nay, khi nhà nhà, người người cùng startup? Theo chị, thế nào là khởi nghiệp đúng nghĩa?

- Với tôi, khởi nghiệp đơn giản lắm, đó là khoảng thời gian thanh xuân tươi đẹp! (cười). Tôi cảm thấy được sống hết mình và không nuối tiếc bất kì khoảnh khắc nào. Quá trình khởi nghiệp có vui có buồn, nhưng tất cả những điều đó đã tạo ra Lê Tiêu Linh bây giờ. 

Đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy đúng khi đưa ra quyết định "thân gái dặm trường" ra Phú Quốc khởi nghiệp.

Với phong trào khởi nghiệp bùng nổ hiện nay, tôi thấy đó là điều tốt. Tôi cũng mong mọi người xem khởi nghiệp cũng giống như một công việc bình thường.Xã hội lúc nào cũng có sự phân công lao động, mỗi công dân đều có nghĩa vụ, trách nhiệm đóng góp cho xã hội bằng những công việc theo khả năng của họ. Công việc nào cũng quý giá như nhau. Các bạn đừng xem khởi nghiệp là một việc quá ư tuyệt vời, quá ư đẳng cấp, quá ư cao cả. Không phải! Quan trọng là ở bản thân của mỗi người, không phải ở công việc.

- Từng tham gia khá nhiều chương trình truyền hình thực tế. Bây giờ tham gia Shark Tank gọi vốn, chị có sợ người khác cho rằng mình mượn chương trình này để đánh bóng tên tuổi không? 

- Nói tôi tham gia Shark Tank để đánh bóng tên tuổi là sai. Nếu ai theo dõi Facebook của tôi thì sẽ biết tôi không cố thể hiện mình là người khác biệt. Tôi không hề có nhu cầu trở nên nổi tiếng. Tôi chỉ muốn mọi người nhìn thấy con người thật của tôi, kể cả mặt tốt và mặt xấu.

Tất nhiên ai cũng sẽ muốn xây dựng nhận diện thương hiệu cá nhân và nhiều người biết tới mình. Tất nhiên tôi vẫn muốn Shark Tank là dịp để nhiều người biết đến tôi hơn, nhưng nói để đánh bóng tên tuổi là điều không đúng.

Cộng đồng LGBT không có gì để thương hại, chúng tôi còn đầy đặn hơn người khuyết tật mà

- Khi nhận được lời hứa đầu tư từ Shark Liên, chị có cảm thấy áp lực không, nhất là khi nhà đầu tư này tuyên bố không quan tâm lợi nhuận, nhưng ra điều kiện là chị phải tạo cảm hứng cho cộng đồng LGBT, chị phải làm ở công ty?

- Nói thật, nhận đầu tư từ Shark Liên, tôi vừa cảm thấy vui, vừa lo lắng. Vui ở chỗ, công ty của tôi thật sự đang cần giúp đỡ về mặt tài chính, nên nguồn đầu tư của Shark Liên vào giai đoạn này rất cần thiết. Nhưng lo lắng cũng rất nhiều, vì điều kiện Shark Liên đưa ra rằng tôi phải làm ở công ty. Điều này tôi đang cân nhắc, vì tôi đang trong giai đoạn "nghỉ ngơi". 

Tôi sẽ nói với Shark Liên rằng tôi có thể quản lí công ty từ xa hoặc tạm ngưng một thời gian rồi trở lại.

IMG_5228

Nữ startup cho rằng nếu chuyển giới là lợi thế thì ngại gì không sử dụng. (Ảnh: Nhật Sang).

- Như vậy, chị có sợ Shark Liên không đồng ý và dừng dự án?

- Công ty của tôi vẫn vận hành ổn từ trước đến nay. Tôi đến gọi vốn là vì muốn Be Home đi với tiến độ của một startup, tốc độ của cấp số nhân. Nếu không có số tiền của Shark Liên, công ty vẫn sẽ định hướng phát triển theo mô hình của một công ty vừa và nhỏ, đi theo cấp số cộng từ từ và từ từ.

- Có một số ý kiến cho rằng Shark Liên rót tiền vào Be Home là công ty này do gán mác "LGBT", gợi được sự cảm thông, thương hại của một người hết lòng vì cộng đồng. Chị phản hồi gì về ý kiến này?

- Bản thân tôi thấy cộng đồng LGBT không có gì để thương hại, chúng tôi còn đầy đặn hơn cả những người bị khuyết tật cơ mà. 

Việc tạo ra hình ảnh để người khác thương hại, có chăng là do tự bản thân mình tạo ra thôi. Và những gì thêu dệt thì đều có mục đích. Đúng là có nhiều tổ chức muốn dùng hình ảnh LGBT để lôi kéo sự chú ý và thương hại. Nhưng với riêng cuộc đời tôi, chẳng có gì đáng thương hại cả.

Nhiều người cứ nghĩ cộng đồng LGBT đều khổ sở, là điều thiệt thòi. Nhưng tôi muốn lấy đó là điểm mạnh, và tôi gọi vốn ở chương trình tôi cũng lấy đó làm thế mạnh của mình.

Bạn thấy là chưa hề có một người phụ nữ chuyển giới nào tham gia gọi vốn trước đó, tôi đến đầu tiên thì đó sẽ là điểm cộng cho tôi. Nhưng tôi vẫn đảm bảo về mặt chuyên môn, tôi chuẩn bị bài thuyết trình rất tốt, thậm chí một người khó tính như Shark Bình mà còn "chặt chém" lại các Shark. Mà nếu đó là lợi thế của mình, tại sao mình lại không sử dụng?

 Nhưng mọi người cũng nên nghĩ lại, nếu tôi không có năng lực gì thì liệu "cá mập" sẽ đầu tư cho tôi sao.

IMG_5271

Lê Tiêu Linh lạc quan rằng chính sự khác biệt của bản thân đã tạo nên ấn tượng với các đối tác. (Ảnh: Nhật Sang).

"Tôi cảm thấy may mắn khi là một người chuyển giới" 

- Cộng đồng LGBT thường có thiên hướng giỏi về nghệ thuật, chị cũng thể hiện điều này qua cuộc thi The Tiffany Việt Nam. Vậy tại sao chị không chọn nghệ thuật, vốn êm đềm hơn, mà lại đi theo lĩnh vực khó khăn như kinh doanh?

- Tôi cho rằng không có gì là khó hay dễ. Làm nghệ thuật cũng rất khó, chỉ những người trong nghề mới hiểu. Việc quan trọng là ở đam mê của mỗi người.

Tôi chọn kinh doanh, một phần là do gia đình tôi nghèo. Nhưng tôi được ăn học đến nơi đến chốn, tôi là cơ hội cuối cùng của gia đình để thoát khỏi cái nghèo. Tôi cho rằng kinh doanh là con đường duy nhất.

Nhưng tôi vẫn rất thích nghệ thuật. Có lẽ tôi sẽ chọn đi theo con đường nghệ thuật sau.

- So với người phụ nữ thông thường, phụ nữ chuyển giới có lợi thế và khó khăn gì trong việc kinh doanh? Riêng chị là gì?

IMG_5289

Tiêu Linh cho rằng nếu ai đó đã quyết định chuyển giới thì phải chấp nhận đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc. (Ảnh: Tất Đạt).

- Có thể những bạn đã trải qua quá trình chuyển giới hoàn toàn sẽ cảm thấy thiệt thòi nhiều hơn so với phụ nữ bình thường. Bởi phải trải qua việc phẫu thuật, quá trình dùng hormone, chịu biến chứng về cơ thể. Ngay cả khi xin việc, người ta có thể nghi ngờ vì chứng minh nhân dân vẫn là nam giới. Tôi thiệt thòi nhiều chứ!. 

Nhưng các bạn là người đưa ra quyết định phẫu thuật thì chính các bạn phải là người chịu trách nhiệm cho việc này. 

Với tôi, ngày xưa, tôi cảm thấy đây là một việc đau lòng. Đau lòng lắm! Nhưng đến giờ, tôi cảm thấy may mắn khi là một người chuyển giới. Cơ thể của tôi khỏe hơn một người phụ nữ, tôi có được một bộ não logic và kiên định như một người đàn ông và đôi khi tôi không quá yếu đuối như nhiều người phụ nữ.

Những người phụ nữ bình thường khác cũng có những khó khăn nhất định. Vì thế, tôi cho rằng cuộc sống không có gì là bất công. Tất cả phụ thuộc vào cách mình phản ứng với những khó khăn đó.

- Đến giờ, gia đình và đồng nghiệp phản ứng thế nào về việc chị quyết định chuyển giới?

- Có một kỉ niệm vui: Khi về quê, mỗi lúc gặp người khác, mẹ tôi đều giới thiệu: "Đây là con gái tôi nè. Lúc trước nó là thằng Luân (tên khai sinh của Lê Tiêu Linh), giờ nó là con Linh rồi. Đừng có gọi nhầm nhé!". Tôi bất ngờ khi một người mẹ quê, đã 70 tuổi mà lại có thái độ như thế.

Rõ ràng, những thành tựu trong kinh doanh và cả trong cuộc sống đã giúp mọi người nghĩ khác về tôi. Tôi đã trở thành một người phụ nữ có hiểu biết, có trình độ. Tôi đã có cơ ngơi nhất định về kinh doanh. Đặc biệt, với những người ở quê tôi, họ yêu thương và quý mến tôi hơn khi thấy được hình ảnh của tôi qua The Tiffany và Shark Tank Việt Nam.

- Sắp tới, chị có quyết định phẫu thuật để chuyển giới hoàn toàn không?

- Thật sự tôi vẫn chưa chắc chắn. Tôi quan niệm cuộc đời này "vô ngã, vô thường". Nhưng đến giờ, tôi vẫn chưa muốn phẫu thuật. Tôi không nghĩ rằng việc thay đổi cơ quan sinh dục có thể thay đổi được cuộc đời của tôi. Điểm khác biệt của mỗi người nằm ở trái tim và bộ não.

IMG_5289

Nữ doanh nhân chuyển giới cho rằng điểm khác biệt của mỗi người nằm ở trái tim và bộ não. (Ảnh: Tất Đạt).

- Cảm ơn chị. Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam, chúc chị nhiều sức khỏe và thật hạnh phúc trong cuộc sống và việc kinh doanh!

Nàng LGBT được Shark Liên rót vốn: 'Tôi cảm thấy may mắn khi là một người chuyển giới'. (Video: Tất Đạt - Nhật Sang).