Một ý tưởng bị coi là điên rồ khi những hộp quà bánh chưng mang thương hiệu Nương Bắc lần đầu xuất hiện trên thị trường dịp Tết 2017. Từ trước đến nay, chưa có ai từng đưa bánh chưng vào những giỏ quà Tết đắt tiền. Đã vậy, mỗi cặp bánh chưng Nương Bắc có giá tới 600 nghìn đồng - số tiền đủ để mua hàng chục chiếc bánh chưng truyền thống khác.
Thế nhưng, thật bất ngờ, 1.000 chiếc đã được bán sạch chỉ trong vòng 10 ngày. Chỉ một năm sau, số lượng người đặt hàng đã tăng gấp đôi, và đến Tết Nguyên đán vừa rồi, hơn 4.000 hộp bánh chưng cao cấp với mức giá 600.000 - 1 triệu đồng và khoảng 16.000 chiếc bánh bình dân từ 60.000 - 200.000 được bán ra.
Trong suốt ba năm bày bán trên thị trường, nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc, trong những chiếc bánh chưng Nương Bắc có gì đặc biệt mà giá lại cao như vậy. Hơn nữa, dù giá có lên đến gần 1 triệu đồng, số lượng người mua vẫn không giảm.
Ít ai biết rằng chủ nhân của bánh chưng thương hiệu Nương Bắc lại là một cử nhân Ngoại giao thế hệ 9X. Nguyễn Thu Hoài hiện đang sở hữu hệ thống các nhà phân phối, đại lí bán hàng online gồm 25 thành viên trải dài tại các thành phố lớn.
Khi được hỏi bánh chưng Nương Bắc có gì đặc biệt mà đắt vậy, Hoài chia sẻ mỗi chiếc bánh đều trải qua các khâu chọn nguyên liệu, chế biến rất cầu kì. Nguyên liệu là gạo nương Điện Biên như gạo nếp, gạo lứt, gạo nhuộm gấc. Cô sử dụng thêm nước cốt lá riềng để vỏ bánh có màu xanh, nhưng không bị nồng mùi riềng và vẫn thơm đặc trưng của lá dong.
Nhân đỗ, thịt bên trong đều là những nguyên liệu hảo hạng 100% organic vừa tạo được hương vị, vừa đảm bảo được chất lượng cho bánh. Không dừng lại ở đó, dịp Tết vừa rồi Hoài còn gây bất ngờ trên thị trường bánh chưng, khi ra mắt loại bánh nhân cá hồi với hàm lượng protein thấp hơn dành cho đối tượng khách hàng không ăn được thịt lợn.
Đầu tư vào chất lượng từ những chi tiết nhỏ nhất đến phức tạp nhất, khâu luộc bánh được xem là một trong những công đoạn quyết định. Bánh được luộc kĩ từ 10-12 giờ rồi bọc lại một lớp lá xanh và hút chân không trước khi đến tay người dùng.
Là sản phẩm quà tặng nên chiếc bánh chưng Nương Bắc của Hoài rất độc đáo, được đặt trong bộ hộp chất lượng, sang chảnh với thiết kế 2 tầng lấy ý tưởng từ ruộng bậc thang - hình ảnh gắn liền với đời sống của người dân vùng núi Tây Bắc, kết hợp ba màu xanh- đỏ-vàng của lá dong, thịt và nhân bánh và cũng là những màu sắc đặc trưng của ngày Tết.
“Các nước khác như Hàn, Nhật làm rất tốt việc đóng gói bao bì để thông qua thực phẩm, họ có thể kể về đất nước của họ. Nương Bắc cũng đang được định hướng như vậy với sứ mệnh nâng tầm các sản phẩm truyền thống”, Hoài chia sẻ.
CEO Nương Bắc Nguyễn Thu Hoài.
Sinh ra ở Phú Thọ, vùng trung du đất Tổ của các vua Hùng, Hoài ý thức được những giá trị tinh tuý và cốt lõi của văn hoá truyền thống. Đó cũng là lí do cô quyết định đi tìm cơ hội cho chính mình và cho những chiếc bánh chưng Việt đang bị xếp sau những giỏ quà nhập ngày Tết. Ban đầu, cô giành thời gian đi khắp các chợ và các tỉnh lân cận để tìm hiểu và làm ra loại bánh chưng đặc biệt nhất, nhưng sau khi nếm thử hàng trăm chiếc bánh, cô vẫn chưa tìm ra được thứ mình cần.
Hơn nữa, Hoài nhận thấy lúc bấy giờ bánh chưng vẫn là loại bánh chưng trắng, không có gì đặc biệt, và cũng chẳng ai bán bánh chưng online như cô: “Đối với đồ ăn, một sản phẩm tốt, ấn tượng sẽ hút được khách ngay và luôn, không tốn thời gian như kinh doanh mĩ phẩm. Sản phẩm chất lượng sẽ đi rất nhanh vì có nhiều người khẳng định và lan toả cho chất lượng sản phẩm của mình”.
Nhớ lại hương vị bánh chưng nếp nương Điện Biên đặc biệt từng được thưởng thức trong một lần đến chơi nhà bạn, Hoài nhanh chóng tìm đến những người làm bánh chưng nếp nương truyền thống ở vùng núi Tây Bắc, mang những chiếc bánh đặc biệt ấy về Hà Nội giới thiệu cho bạn bè người quen ăn thử. Với bản tính vốn dĩ cẩn trọng, cả về sau này khi thương hiệu Nương Bắc đã có chỗ đứng trên thị trường, Hoài vẫn luôn khảo sát, cho khách hàng dùng thử trước khi tung ra thị trường những mặt hàng mới.
Nhận được phản hồi tốt, cô bắt tay ngay vào kinh doanh bằng việc nhập bánh từ Điện Biên về bán. Ban đầu trung bình mỗi tháng, cô bán được 500 - 700 chiếc bánh. Chỉ riêng dịp Tết 2016, cô bán ra 7.000 chiếc bánh chưng với giá từ 40.000 - 60.000n đồng/chiếc, thu về gần 400 triệu đồng.
Tuy doanh số càng ngày càng lên nhưng sức lực cô và người thân bỏ ra cũng như những rủi ro cô phải chịu cũng không hề ít. Việc vận chuyển từ Điện Biên xuống Hà Nội mất tới 12 giờ, nên phần nào ảnh hưởng tới chất lượng bánh, bán online nên phí giao hàng cũng cao. Do mang tính đặc thù nên bánh chỉ bán mạnh vào dịp Tết, trong khi rào cản lớn nhất vào lúc đó là nguồn lực, vì muốn bán được nhiều, trong cùng một thời điểm đòi hỏi bộ máy phải đủ lớn.
Sau ba năm bán ra những chiếc bánh 40.000 - 60.000 đồng, cô vẫn luôn không ngừng đặt ra câu hỏi, tại sao dù mang tính quốc thực nhưng bánh chưng vẫn chưa được coi trọng đúng như giá trị của nó. Bánh bán tràn lan trên thị trường cũng không còn ngon như xưa và không còn có được hương vị truyền thống, do cẩu thả trong khâu luộc bánh. Vì muốn giá thành rẻ nên nguyên liệu bình dân và đôi khi không đảm bảo, mọi công đoạn giờ đây đã bị công nghiệp hoá nên khó giữ được cái hồn.
Chính những điều này đã thôi thúc cô gái trẻ tìm hướng đi mới và mở cơ sở sản xuất cho chính mình. Nhân viên tại cơ sở sản xuất của Nương Bắc đều là những người thợ lành nghề, dày dặn kinh nghiệm, được tuyển chọn từ những làng nghề truyền thống của Việt Nam.
“Sức không đủ nên nếu làm quá tải dịch vụ sẽ không tốt. Tôi tự hỏi mình sẽ làm cách nào, làm gì với sản phẩm của mình để sống với nó và duy trì nó. Là một người có rất nhiều ý tưởng nhưng tôi đã quyết định thử sống chết với một ý tưởng xem nó sẽ đi đến đâu”, Hoài chia sẻ.
Cô gái trẻ vỡ ra rằng cần phải làm nguyên liệu tốt hơn, sản phẩm đẹp hơn và biến nó thành sản phẩm quà tặng chưa từng có. Cô xác định làm ít đi, tập trung vào chất lượng, đầu tư cho sản phẩm cả về nguồn gốc xuất xứ, bao bì đóng gói dù biết rằng sẽ lọc khách hàng rất nhiều.
Đó cũng chính là tư duy nền tảng hình thành nên những chiếc bánh chưng cao cấp đầu tiên vào Tết năm 2017, với niềm tin thay đổi tư duy người tiêu dùng và tạo nên một làn gió mới cho thị trường quà Tết truyền thống. Dù vậy, ngoài việc phát triển thương hiệu bánh chưng cao cấp, Hoài vẫn sản xuất hai dòng sản phẩm khác nhau, trong đó có dòng bánh chưng bình dân sử dụng nguyên liệu chọn lọc phục vụ cho bữa ăn hàng ngày với mức giá ở khoảng 60.000 - 200.000 đồng.
Mới đầu, nhiều người cho rằng ý tưởng sản xuất những chiếc bánh nửa triệu đồng của cô là vớ vẩn nhưng vẫn có những người ủng hộ cô hết mình. Những người đầu tiên cô tìm đến sẵn sàng lắng nghe câu chuyện và ý tưởng của cô, giúp cô tìm các đối tác sản xuất bao bì, đối tác làm marketing, xây dựng thương hiệu… để cô lập nên ekip của mình.
Chia sẻ về thương hiệu Nương Bắc, Hoài cho biết đứa con của mình được cả ekip đặt tên. Nương trong từ gạo nếp nương, Bắc trong từ Tây Bắc. Nương còn là hình ảnh của một cô gái miền Bắc, là hình ảnh của người sáng lập, ẩn chứa trong những chiếc bánh chưng truyền thống. Sản phẩm của cô vừa mang những giá trị xa xưa, vừa có nét chấm phá hiện đại của những con người trẻ tuổi.
Chính thức thành lập công ty Nương Bắc vào năm 2017, câu chuyện của cô CEO trẻ tuổi giờ đây không chỉ dừng lại ở việc nâng cao giá trị cho những chiếc bánh chưng, không chỉ là nỗi lo bán được bao nhiêu cái bánh bởi lẽ một sản phẩm mang tính mùa vụ như bánh chưng không thể giúp duy trì hoạt động của cả bộ máy.
Thêm vào đó, Hoài nhận ra Việt Nam đâu chỉ có bánh chưng. Việt Nam có rất nhiều món ăn, sản phẩm truyền thống, mỗi món ăn lại chứa đựng những câu chuyện hay mang tính văn hoá, lịch sử. Tiếp tục con đường đang đi, Hoài quyết tâm phát triển Nương Bắc thành một công ty chuyên nâng tầng các sản phẩm truyền thống, không chỉ giới hạn trong sản phẩm bánh chưng.
Được biết, ngoài kinh doanh bán lẻ, Hoài còn tạo một hệ thống đại lý ở nhiều tỉnh thành như Hải Phòng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Ninh Bình… nhằm hỗ trợ các mẹ bỉm sữa. Có cùng xuất phát điểm, Hoài hiểu được rằng họ rất cần một công việc không chỉ để có thêm thu nhập mà còn có thể có cơ hội giao tiếp với thế giới bên ngoài, để họ thấy họ là những người có giá trị.
Là cử nhân Ngoại giao, một trong những khó khăn lớn nhất trong kinh doanh Hoài phải đối mặt là không có nền tảng về kinh doanh, tài chính nên cần nhiều thời gian hơn để thích nghi và làm quen.
Kinh doanh thực phẩm lại có rất nhiều rào cản. Đặc biệt, bánh chưng có hạn sử dụng rất ngắn, dễ bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển. Sản phẩm này có thể ngon với người này nhưng chưa chắc đã là ngon với người khác, đấy là rủi ro trong kinh doanh.
“Do làm theo bản năng nên khi làm trong một giới hạn nhỏ, trong khả năng vốn có sẽ rất tốt. Nhưng cũng với chừng đấy khả năng mà quy mô mở rộng, nhiều lúc sẽ bị quá sức. Hơn nữa, có những giai đoạn nhiều vấn đề cùng xảy đến trong một lúc nên cảm giác mệt mỏi, đuối sức là không thể tránh khỏi”, Hoài chia sẻ.
May mắn là trên con đường cô đi, cùng với sự sáng tạo, đam mê được vun đắp và tinh thần tự hào quốc thực, cô được nhiều người là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ.
Cô chủ của những chiếc bánh chưng mang thương hiệu Nương Bắc không ngừng khao khát mang những sản phẩm truyền thống của Việt Nam đi xa hơn. Bằng tâm huyết và tình yêu của mình dồn vào cho sản phẩm, Hoài dẫn thuyết phục được những khách hàng khó tính của mình để rồi không chỉ trong nước mà những Việt Kiều ở nước ngoài như Hàn, Nhật, Nga, Pháp, Đức cũng đã liên hệ đặt hàng và ủng hộ.
Hoài cho biết các sản phẩm của cô đang được trưng bày tại các cửa hàng thực phẩm sạch và showroom của mình ở Hà Nội. Mong muốn của cô là mở thêm nhiều showroom để khách hàng của mình cũng có cơ hội được trải nghiệm và cảm nhận những sản phẩm truyền thống của dân tộc do chính tay họ làm nên.