Nữ sinh đạt 30,5 điểm vẫn trượt đại học: Đại diện Bộ Công an lên tiếng

Về trường hợp nữ sinh đạt 30,5 điểm vẫn trượt đại học, TS Nguyễn Văn Ly cho biết, Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu Công an tỉnh Lạng Sơn phải trả lời cho thí sinh và báo chí.

Mặc dù xuất sắc đạt 30,5 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 với số điểm lần lượt là Ngữ văn 9; Lịch sử 8,5; Địa lý 9,5 và 3,5 điểm ưu tiên nhưng thí sinh Nguyễn Như Quỳnh (trú tại xã Minh Khai, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) vẫn không đủ điều kiện đỗ vào trường Học viện An ninh nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Thuận - cha thí sinh Quỳnh từng thắt lòng chia sẻ: "Con buồn một, thì tôi buồn mười". Giờ đây, ông luôn không thôi tự trách, chỉ vì phút giây nông nổi, thiếu hiểu biết của tuổi trẻ mà khiến con ông phải đeo "gông" suốt đời, dù án tích đó đã được xoá bỏ từ thế kỉ trước, trước cả lúc con ông chào đời.

nu sinh dat 305 diem van truot dai hoc dai dien bo cong an len tieng
Hai cha con Quỳnh đang lật giở lại hồ sơ. (Ảnh: Trí thức trẻ).

Ngày 16/8, trả lời VTC News, TS Nguyễn Văn Ly, Cục trưởng cục đào tạo, Bộ Công an cho biết năm nay Bộ không giải quyết từng trường hợp như mọi năm. Trong trường hợp này, lỗi do thẩm tra lý lịch tại địa phương ẩu hoặc do thí sinh không khai báo.

TS Nguyễn Văn Ly cho biết Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu Công an tỉnh Lạng Sơn phải trả lời cho thí sinh và báo chí về trường hợp này.

Trước đó, thí sinh Quỳnh đã nhờ báo Pháp luật Plus chuyển bức “tâm thư” tới ngài Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Công an Tô Lâm với mong muốn được xem xét để cống hiến cho đất nước và thực hiện lý tưởng của mình.

“Tâm thư” của thí sinh Nguyễn Như Quỳnh như sau:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN CẦU XÉT

Kính gửi: Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Cháu tên là: Nguyễn Như Quỳnh sinh năm 1997

Hộ khẩu thường trú tại thôn Minh Khai, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Kính thưa bác Chủ tịch nước, thưa bác Bộ trưởng,

Năm 2016, cháu đăng ký tham dự kì thi THPT Quốc gia để xét tuyển vào trường Công an nhân dân. Đây là ước mơ lớn nhất của cuộc đời cháu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cháu đã rất cố gắng, nỗ lực phấn đấu học tập để thực hiện mong ước.

Kết quả, kỳ thi vừa qua, cháu đạt tổng điểm 3 môn là 27 điểm, môn Văn 9,0; môn Sử 8,5; môn địa lý 9,5. Cộng điểm ưu tiên và điểm vùng là 30,5 điểm.

Gia đình cháu rất đỗi vui mừng khi biết điểm, nhưng lại rơi vào tuyệt vọng khi nhận được thông báo từ Công an tỉnh Lạng Sơn là cháu không đủ tiêu chuẩn chính trị để vào ngành. Nguyên do là án tích của bố khi cháu chưa ra đời từ thế kỷ trước.

Đó là, năm 1993, bố cháu mới 25 tuổi, chưa lập gia đình và đang sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Một hôm, có một người mang đến khẩu súng C.K.C gạ bán cho bố cháu.

Vì tuổi còn trẻ, nhận thức pháp luật hạn chế nên bố cháu đã mua súng về với mục đích trông vườn cây ăn quả mà không biết mình đang tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép.

Trong suốt thời gian mua về, khẩu súng không được sử dụng. Năm 1994, bố cháu bị tạm giữ để điều tra vì công an phát hiện ra khẩu súng đó là do người đàn ông kia ăn cắp của quân đội.

Sau đó, Tòa án Bộ tư lệnh quân khu I xử bố cháu 12 tháng án treo. Năm 1995, bố cháu đã được xóa án tích. Sau đó, ông mới lập gia đình và sinh ra cháu.

nu sinh dat 305 diem van truot dai hoc dai dien bo cong an len tieng
Một phần của bức "tâm thư" của em Quỳnh gửi tới ngài Chủ tịch nước và Bộ trưởng Công an.

Suốt quãng thời gian từ đó đến nay, bố cháu luôn làm ăn chăm chỉ và chấp hành đúng mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương nơi cư trú. Trong mắt chúng cháu và mẹ, bố là người đàn ông lương thiện và tốt bụng vô cùng.

Sau khi biết tin cháu không đủ điều kiện vào các trường an ninh, mỗi khi nhìn đến tờ Giấy chứng nhận kết quả thi là cháu lại rớt nước mắt, không biết cách nào để biến giấc mơ lớn nhất của cuộc đời cháu thành hiện thực.

Nhưng cháu vẫn hy vọng, vì cháu được biết năm 2015, vẫn có những trường hợp như anh Nguyễn Đức Ngà (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An), kết quả thi được 29 điểm, bố từng có án tích; chị Bùi Kiều Nhi (xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), đạt 29 điểm, cũng có bố từng bị án treo đã được bác Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ngày đó còn là Bộ trưởng Bộ Công an xem xét giải quyết để được nhập học.

Vậy cháu viết đơn này tha thiết gửi tới bác Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bác Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tạo điều kiện cho cháu được vào học trường Học viện An ninh nhân dân theo nguyện vọng đã đăng ký.

Lạng Sơn, ngày 12 tháng 8 năm 2016

Người viết

Nguyễn Như Quỳnh

Đồng thời, ông Thuận, bố của Quỳnh cũng viết bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm với niềm mong mỏi con gái mình được xem xét vào trường Học viện An ninh nhân dân như mơ ước.

Xin trích dẫn toàn bộ bức tâm thư đầy nước mắt này:

“Kính gửi Bộ trưởng Bộ công an, tổng Cục Chính trị - Bộ công an, phòng đào tạo tuyển sinh – Bộ Công an!

Tôi tên là Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 1968, nơi cư trú; thôn Minh Khai, xã Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Năm 1993, anh Triệu Văn Hòa có mang đến nhà và bán cho tôi một khẩu sung CKC, lúc đó tôi mua với mục đích là bảo vệ vườn cây ăn quả. Trong suốt mấy tháng mua khẩu súng này, tôi không hề dùng đến. Sau đó, có người đến nhà hỏi mua khẩu súng về để săn bắn, tôi đồng ý bán và được hứa mang súng xuống nhà mới được trả tiền.

Tôi tin tưởng đi theo người đàn ông này nhưng không ngờ lại được dẫn vào đồn công an thị trấn Chi Lăng, tại đây tôi được thông báo là bị bắt để điều tra.

Đến năm 1994, bộ Tư lệnh quân khu I về mở phiên tòa xét xử tại trường Quân sự thị trấn Chi Lăng, tôi bị phạt 12 tháng tù treo và được thả về địa phương, còn người đàn ông tên Hòa đã bán súng cho tôi phải đi cải tạo. Từ đó tới nay, tôi làm ăn lương thiện, luôn chấp hành đúng mọi chủ trương, đường lối của pháp luật và Nhà nước cũng như quy định của địa phương nơi cư trú.

Năm 1996, tôi kết hôn với vợ tôi bây giờ và đến năm 1997 thì sinh ra cháu Nguyễn Như Quỳnh. Từ năm 1997 đến năm 2002, tôi đã tham gia và hoàn thành khóa huấn luyện dân quân tự vệ của xã.

nu sinh dat 305 diem van truot dai hoc dai dien bo cong an len tieng
Một phần của bức tâm thư mà ông Nguyễn Văn Thuận gửi Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm.

Thưa Bộ trưởng, cháu Nguyễn Như Quỳnh từ nhỏ đến lớn rất ngoan và chăm chỉ học hành, ước mơ lớn lên trở thành người chiến sĩ công an nhân dân đã được cháu ấp ủ từ những ngày còn thơ bé. Bởi vậy nên từ năm lớp 1 đến năm học lớp 12, cháu luôn đạt học sinh giỏi, cũng đã tham gia các cuộc thi học sinh giỏi tỉnh. Đặc biệt, năm lớp 11, cháu tham gia thi học sinh giỏi tỉnh môn địa lý và đạt giải khuyến khích.

Năm 2016, Như Quỳnh dự kỳ thi THPT quốc gia và đăng ký vào ngành công an. Điểm thi của cháu lần lượt là Ngữ văn 9; Lịch sử 8,5; Địa lý 9,5. Tuy nhiên, vui mừng chưa được hai ngày thì gia đình tôi lại nhận được phiếu thông báo con tôi không đủ điểm vào trường với lý do lý lịch chính trị không tốt.

Kính thưa Bộ trưởng, trong hồ sơ lý lịch của cháu đã khai đầy đủ, trung thực về bố và mẹ, qua vòng sơ tuyển của công an huyện đã dủ điều kiện được dự thi. Chính vì thế mà sau khi biết điểm được hai ngày, nhận được thông báo cháu không đủ điều kiện để vào học trường an ninh, cả gia đình tôi đều sốc và suy sụp tinh thần. Nhìn cháu Quỳnh khóc lóc, ủ rũ, không ăn uống gì, người cha như tôi thật không biết mình còn nên sống không…

Tôi rất đau long bởi chỉ vì lỗi lầm bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết trong quá khứ cách đây 23 năm mà tôi đã làm cho mơ ước trong sáng của con gái mình tan tành thành mây khói. Mỗi lần nhìn con thu mình trong bóng tối, nỗi dày vò trong tôi lại không thể kìm nén được, tôi có thể cảm nhận rõ sự kém cỏi, tồi tệ của mình.

Mặc dù là không cố ý nhưng giờ đây, nhìn con khổ sở, tuyệt vọng, tôi xấu hổ đến mức chẳng dám nói với con gái mình lời xin lỗi…

Tôi tha thiết mong Bộ trưởng, Tổng Cục Chính trị, phòng đào tạo tuyển sinh xem xét cho trường hợp của con gái tôi. Mong ngài Bộ trưởng có thể bớt chút thời gian vàng ngọc của mình để đọc những dòng thư cẩu thả này của tôi và nếu có thể, mong ngài hãy cho con gái tôi một có hội nào đó để cháu Quỳnh phấn đấu, cống hiến cho nước nhà.

Cuối thư, tôi xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe Bộ trưởng cùng gia đình.

Lạng Sơn ngày 24/7/2016.

Người viết thư: Nguyễn Văn Thuận

30,5 điểm thi ĐH, con số mà chỉ vừa nhìn vào, người ta đã thấy phía sau nó là biết bao nhiêu nỗ lực. Đối với Quỳnh và gia đình, cái giá phải trả là không ít mồ hôi, nước mắt. Vì chăm lo cho Quỳnh có toàn thời gian lo học hành, bố mẹ cô cũng vất vả thêm gấp 2-3 lần. Gia đình có hoàn cảnh kinh tế không mấy dư giả nên Quỳnh không hề đi học thêm hay mời gia sư. Kiến thức có được đều do các thầy cô truyền đạt trên lớp và Quỳnh tự mày mò thêm. So với chúng bạn, ngoài 12 năm mòn gót trên giảng đường, Quỳnh còn có thêm một năm vất vả ôn luyện tại nhà với bao nhiêu áp lực.

"Mình cố gắng như vậy cũng chỉ mong có ngày thi đậu Học viện An ninh thôi. Lúc biết tin vì không đủ tiêu chuẩn chính trị mà mình không có cơ hội xét tuyển vào trường, mình buồn lắm. Cảm giác như mọi thứ sụp đổ hoàn toàn". Quỳnh chia sẻ, sau ngày biết tin, đêm nào Quỳnh cũng khóc, nhiều khi ngồi một mình, hai mắt cũng tự dưng nhòe ướt. Quỳnh tâm sự, Học viện An ninh là giấc mơ duy nhất. Nếu không thi đỗ vào đây, Quỳnh cũng chẳng còn tâm trí để lựa chọn trường khác.

Trao đổi trên báo Trí thức trẻ, ông Đường Hồng Hà, Trưởng phòng tổ chức, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, đối với trường hợp của Quỳnh, công an tỉnh đã làm hết trách nhiệm và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Hà phân tích, Thông tư số 53 ban hành ngày 15/08/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an đã quy định rất rõ về tiêu chuẩn chính trị của người cán Bộ Công an nhân dân. Trong đó, chương 2 có quy định cụ thể các trường hợp không được tuyển vào công an nhân dân (CAND).

"Tại điều 1 của chương này có 14 điểm quy định về bản thân người CAND, trong đó điểm h có nêu rõ, không tuyển vào CAND những người bị tòa tuyên án là có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Bản thân em Quỳnh không vướng vào điểm này nhưng tại điều 2 của chương này có quy định về tiêu chuẩn chính trị của cha/mẹ đẻ, cha/mẹ chồng, người nuôi dưỡng bản thân... thì có lặp lại điểm h", ông Hà lý giải.

Như vậy, căn cứ vào việc cha Quỳnh - ông Nguyễn Văn Thuận từng bị tòa tuyên án là có tội và bản án đã có hiệu lực thì Quỳnh mãi mãi được xem là không có đủ tiêu chuẩn chính trị dự xét tuyển vào các trường thuộc khối ngành công an, quân đội...

Giải thích về giấy xóa án tích của ông Thuận, ông Hà cho hay, việc này không có nhiều ý nghĩa trong việc xét duyệt tiêu chuẩn chính trị của Quỳnh. Theo ông Hà, tờ giấy này chỉ có mục đích là chứng thực ông Thuận đã chấp án và quá trình này đã kết thúc. Giấy xóa án tích mang nhiều giá trị dân sự, giúp người từng thi hành án hòa nhập tốt hơn với cuộc sống. Tuy nhiên, trong tờ khai lý lịch, ông Thuận vẫn là người có tiền án, tiền sự.

Ông Hà cũng cho hay, quá trình thi tuyển vào khối ngành công an, quân đội sẽ diễn ra theo 2 vòng. Vòng sơ tuyển, các thí sinh sẽ được xét duyệt về học lực, hạnh kiểm và sức khỏe. Vượt qua vòng này, các thí sinh sẽ tiến hành khai hồ sơ. Lúc này, công an tỉnh Lạnh Sơn đã cử cán bộ đi thẩm tra, xác minh tiêu chuẩn chính trị của thí sinh. Quá trình này diễn ra từ trước khi các thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia.

"Năm nay, tỉnh Lạng Sơn có 1.067 thí sinh đăng ký xét tuyển vào khối ngành công an, quân đội thì có 17 trường hợp không đủ điều kiện và em Quỳnh là một trong số đó", ông Hà cho hay.

Theo ông Hà, mặc dù có hơn 1.000 thí sinh cần thẩm tra xác minh nhưng đến ngày 11/7 (trước ngày công bố điểm thi THPT Quốc gia), công an tỉnh Lạng Sơn đã có thông báo kết luận liên quan đến các thí sinh không đủ tiêu chuẩn chính trị. "Ngay sau đó, Hội đồng tuyển sinh Công an tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị các đơn vị kịp thời giải thích cho gia đình và thí sinh hiểu, đăng ký nguyện vọng khác".

Ngày 24/7 (sau ngày biết điểm thi) ông Thuận viết thư gửi lên Bộ công an. Tuy nhiên, do thư đi vượt cấp nên ngày 04 và 09 tháng 8, công an tỉnh Lạng Sơn nhận được công văn từ Cục tổ chức cán bộ và đào tạo Bộ Công an yêu cầu xem xét, giải quyết trường hợp của Quỳnh.

Sau khi nhận được công văn thì đã gần áp chót ngày nhận phiếu điểm xét tuyển đợt 1. Dù thế, công an tỉnh Lạng Sơn vẫn cấp phiếu điểm cho Quỳnh đồng thời ghi rõ, trường hợp của cô đang chờ Bộ Công an xem xét, giải quyết về tiêu chuẩn chính trị. Gia đình Quỳnh đã đem phiếu điểm này đến nộp tại trường Học viện An ninh nhưng không được chấp nhận.

"Theo quy định, công an tỉnh sẽ không cấp phiếu điểm và dấu xác nhận cho những thí sinh dự khối ngành công an, quân đội không có đủ tiêu chuẩn chính trị. Tuy nhiên, trường hợp của em Quỳnh, chúng tôi đã giúp đỡ hết sức có thể. Hiện tại, em ấy có thể dự xét tuyển vào ngôi trường mơ ước của mình hay không, không thuộc thẩm quyền của tỉnh mà phải do Bộ Công an xem xét".

Ông Hà cũng cho hay, mặc dù điểm thi của Quỳnh nhìn rất cao nhưng bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn vẫn còn rất nhiều thí sinh giỏi giang khác. Năm nay toàn tỉnh có hơn 100 thí sinh đỗ vào các trường ĐH/ Học viện thuộc khối ngành công an, quân đội. Số điểm trên 30 xuất hiện rất nhiều, có bạn còn đạt 31,75 ở cả 2 khối C và D1.

Ông Hà chia sẻ, dù rất tiếc cho Quỳnh nhưng ông cũng hy vọng, gia đình có thể đăng ký thêm nguyện vọng khác, tránh làm lỡ dở chuyện thi cử học hành của nữ sinh. Bên cạnh đó, ông cũng mong trong thời gian này Bộ Công an sẽ xem xét và sớm có kết luận về trường hợp của nữ sinh.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.